Nữ Kitô hữu Ả Rập đầu tiên làm viện trưởng một đại học của Israel

Ngày 11/4/2024, trong bối cảnh căng thẳng với Iran và trong khi các cuộc biểu tình chống Israel đang gia tăng tại các trường đại học trên khắp thế giới, Đại học Haifa của Israel đã thông báo giáo sư Mouna Maroun, một nữ Kitô hữu người Ả Rập thuộc nghi lễ Maronite ở Israel, đã được bầu làm viện trưởng của đại học.
 

Vatican News

Trước đây, chưa từng có người Ả Rập, Kitô hữu hay phụ nữ nào từng giữ chức viện trưởng tại Đại học Haifa. Do đó, trong cuộc phỏng vấn của trang tin CNA, bà Maroun nhận định: “việc bầu chọn tôi là một thông điệp quan trọng rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trong giới học thuật Israel. Đó là một thông điệp dành cho thiểu số Kitô giáo rằng chúng ta đã đâm rễ ở đây, rằng chúng ta có thể thành công ở đây; và đó cũng là một thông điệp dành cho các thế hệ trẻ Ả Rập: Nếu bạn có ước mơ, bạn có thể thực sự hiện thực hóa nó trong xã hội Israel và đặc biệt là trong các trường đại học”.

Giáo dục đại học giúp hòa nhập

Giáo sư Maroun là con cháu của một gia đình gốc Libăng di cư đến Israel vào đầu thế kỷ XX. Cha mẹ bà mù chữ nhưng tin rằng học vấn cao sẽ giúp 4 con gái của họ có thể thành công và hòa nhập vào xã hội Israel. Bà Maroun cũng tin như thế. Bà nói: “Tôi luôn tin rằng việc giải phóng người thiểu số Ả Rập ở Israel là thông qua giáo dục đại học. Tôi không tin vào chính trị; tôi tin vào giáo dục đại học”.

Hiện nay, giáo sư Maroun, 54 tuổi, là nhà thần kinh học và chuyên gia nổi tiếng về rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Bà đã là giảng viên của trường đại học trong hơn 20 năm và từng là chủ tịch Khoa Sinh học thần kinh và là thành viên của hội đồng học thuật, cùng với các chức vụ khác. Bà sẽ chính thức đảm nhận vai trò viện trưởng trong 4 năm bắt đầu từ tháng 10 năm nay.

Tìm kiếm con đường đối thoại và hòa giải

Đại học Haifa là một trong những trường đại học đa dạng và hòa nhập nhất ở Israel: 45% trong số 17.000 sinh viên đến từ xã hội Ả Rập và 50% tổng số sinh viên là sinh viên thế hệ đầu tiên được giáo dục đại học.

Sinh viên xếp theo các nhóm dân tộc bao gồm người Do Thái, người Hồi giáo, người Druze và Kitô hữu (tổng cộng 15-20 giáo phái tôn giáo khác nhau). Bản thân bà Maroun tự hào về niềm tin tôn giáo của mình và đeo một cây Thánh giá bằng vàng ở cổ.

Giáo sư Maroun nói: “Chúng tôi có cái gọi là phòng thực nghiệm tự nhiên, nơi tất cả các tôn giáo cùng tồn tại và chung sống mà không có căng thẳng. Ngoài ra, Phòng thực nghiệm Nghiên cứu Tôn giáo là một phần của Đại học Haifa, tập trung vào đối thoại liên tôn. Theo bà, trở thành viện trưởng người Ả Rập của một trường đại học Israel sau ngày 7/10/2023 [ngày Hamas tấn công Israel] là một nhiệm vụ đầy thử thách.

Bà Maroun giải thích rằng chuyên môn của bà về chấn thương và não bộ cũng như nền tảng Kitô giáo đã giúp bà phát triển sự nhạy cảm đặc biệt đối với người khác và tìm kiếm con đường đối thoại và hòa giải. Bà nói: “Điều này sẽ đặc biệt quan trọng trong những ngày tháng sắp tới ở Israel”. (CNA 05/05/2024)