Cũng như mọi thứ kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo có thể “là phương tiện phục vụ yêu thương” và cũng có thể là “công cụ thống trị thù địch”.
WGPMT (13.05.2024) – Thời đại chúng ta đang sống không chỉ là “thời đại của những thay đổi” nhưng là “sự thay đổi thời đại”, Đức Thánh Cha Phanxicô hay nói như thế, và Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) là bằng chứng cụ thể, đang làm “thay đổi cách triệt để thông tin và truyền thông”. Đối diện với những thay đổi sâu sắc đó, thay vì ra sức chống đối cái mới để duy trì thế giới cũ mà mình cho là tốt đẹp, tốt hơn nên cởi mở đón nhận, đồng thời nhạy bén với những gì mang tính hủy diệt và phi nhân trong những thay đổi đó. Đây là thái độ Đức Thánh Cha đề nghị trong Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông lần thứ 58 về Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim.
Với thái độ đó, hãy nhìn nhận và đánh giá đúng mức về trí tuệ nhân tạo. Trước hết, phải nói ngay là từ “trí tuệ nhân tạo” có thể gây hiểu lầm rằng máy móc sẽ hoàn toàn thay thế con người nhưng không phải thế: máy vẫn chỉ là máy, kể cả trong việc học như từ ngữ trước đây gọi là “máy học” (learning machine). Thật vậy, “Máy móc chắc chắn có khả năng lớn hơn rất nhiều so với con người trong việc ghi nhớ các dữ liệu và kết nối chúng lại với nhau”, thế nhưng chỉ có con người mới có thể “giải mã được ý nghĩa của nó”, định hướng mục đích cho nó và ban tặng cho nó một giá trị luân lý. Tôi thích cách diễn tả của một nhà khoa học người Việt: “Với mỗi cá nhân, thấu hiểu cách giao tiếp với máy tính là chìa khóa để khai thác những khả năng tiềm ẩn trong chúng ta mà đôi khi bị chôn vùi bởi trách nhiệm và cuộc sống bận rộn. Những kiến tạo vĩ đại trong tương lai sẽ là một bản giao hưởng, nơi mà trí tuệ nhân tạo là các nhạc công luôn hướng về một nhạc trưởng. Và nhạc trưởng đó sẽ vẫn là tư duy con người” (TS Nguyễn Quang Thông, Microsoft, Hoa Kỳ, Tuổi Trẻ Chủ nhật, 5/5/2024).
Cũng như mọi thứ kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo có thể “là phương tiện phục vụ yêu thương” và cũng có thể là “công cụ thống trị thù địch”. Một đàng, trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta tiếp cận dễ dàng di sản kiến thức khổng lồ của nhân loại và giúp mọi người giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ mà họ chưa biết, qua đó “tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các dân tộc và thế hệ khác nhau”. Đàng khác, chúng cũng có thể gây “ô nhiễm về nhận thức”, cụ thể là tin giả, video giả (hình ảnh và giọng nói là của một người – kể cả Đức giáo hoàng, nhưng lại không phải thế!)…tạo nên nhiều hậu quả tai hại khó lường trong mối tương quan giữa người với người. Nếu những công cụ này rơi vào tay kẻ xấu thì những kịch bản hết sức tiêu cực có thể xảy ra ở tầm mức rất lớn.
Chính vì thế, cần có những quy định của luật pháp. Trong làn sóng trí tuệ nhân tạo đầu tiên là mạng xã hội, người ta đã thấy tính hai mặt tốt – xấu của nó. Do đó với làn sóng thứ hai và những tiến bộ nhảy vọt về chất, cần phải đề xuất các mô hình quy định đạo đức nhằm hạn chế những tác động xấu của nó. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các quốc gia “cùng làm việc với nhau để thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức của nó”.
Tuy nhiên cũng như trong mọi lĩnh vực, quy định pháp lý mà thôi là chưa đủ. Chính con người xét như là chủ thể truyền thông phải đóng vai trò quyết định, và chính ở đây chúng ta cần đến “sự khôn ngoan của trái tim”. Theo Kinh Thánh, trái tim không chỉ là nguồn của những tình cảm, ước muốn và ước mơ, nhưng còn là nơi chốn của “sự tự do và tiến trình đưa ra những quyết định, là biểu tượng của tính toàn vẹn và duy nhất”. Trái tim còn là điểm hẹn nội tâm với Thiên Chúa, là “hồng ân của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng cái nhìn của Thiên Chúa, hiểu được những mối liên hệ, các hoàn cảnh, các sự kiện và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng”.
Vì thế, trong phần kết luận của Sứ điệp, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta thay vì để nhân tính của mình bị đánh mất, thì hãy “tìm kiếm Đức Khôn Ngoan có trước mọi sự (x. Hc 1,4); Đức Khôn Ngoan ấy sẽ giúp chúng ta sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo để phục vụ một nền truyền thông nhân văn trọn vẹn”.
Nguồn: giaophanmytho.net