Đức Thánh Cha kêu gọi các doanh nhân tuyển người nghèo vào công ty

Trong buổi tiếp 25 giám đốc điều hành, thành viên Sáng kiến Thị trường Bền vững theo tinh thần Laudato si’, ngày 15/6, Đức Thánh Cha nói công việc của các doanh nhân rất quan trọng, có tác động đến hàng ngàn công nhân và ảnh hưởng đến vận mệnh của chính phủ, vì thế ngài mời họ suy tư về ba chủ đề: môi trường, người nghèo và giới trẻ.
 

Vatican News

Trước hết, Đức Thánh Cha mời các doanh nhân đặt môi trường và trái đất là trung tâm chú ý và trách nhiệm của họ. Bởi vì, chúng ta đang ở trong thời kỳ khủng hoảng môi trường, phụ thuộc vào nhiều đối tượng và yếu tố, bao gồm cả những chọn lựa kinh tế và kinh doanh của hôm qua và ngày nay, và việc chỉ tuân thủ luật pháp nhưng chậm chạp của các quốc gia thì chưa đủ. Cần đổi mới bằng cách dự đoán trước tương lai, với những lựa chọn can đảm và với tầm nhìn xa. Ngày nay, sự đổi mới của doanh nhân trước hết phải là sự đổi mới trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Về chủ đề thứ hai: không quên người nghèo và người bị gạt bỏ, Đức Thánh Cha nhận xét, “nền kinh tế tuần hoàn” đã trở thành từ khóa mời gọi chúng ta tái sử dụng và tái chế rác thải. Tuy nhiên, trong khi chúng ta tái chế vật liệu và chất thải vật chất, chúng ta vẫn chưa học được “tái chế” và không gạt bỏ con người, người lao động, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, những người thường là nạn nhân của văn hóa vứt bỏ. Ngài cảnh giác với một thứ “chế độ nhân tài” nào đó được sử dụng để hợp pháp hóa việc loại trừ người nghèo, được cho là xứng đáng, đến mức coi chính sự nghèo khó là tội. Không thể hài lòng với một chút hoạt động từ thiện, điều này quá ít: thách đố là đưa người nghèo vào các công ty, làm cho họ trở thành nguồn lực cho công ích. Điều này là có thể. Ngài nói: “Tôi mơ về một thế giới trong đó những người bị từ chối có thể trở thành nhân vật chính của sự thay đổi”.

Điểm cuối cùng, về người trẻ. Đức Thánh Cha nói trong thời đại hôm nay, người trẻ thường nằm trong số những người nghèo về nguồn lực, cơ hội và tương lai. Có một sự mâu thuẫn, nơi có nhiều người trẻ thì lại không có nhiều phương tiện, và nơi có nhiều phương tiện thì lại không có nhân lực, như ở Ý, do không có nhiều trẻ em được sinh ra.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Công việc sẽ không được học nếu không có sự hiếu khách của doanh nghiệp, nghĩa là chào đón một cách quảng đại những người trẻ ngay cả khi họ không có đủ kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết, bởi vì mọi công việc chỉ có thể học được bằng cách làm việc. Tôi khuyến khích anh chị em quảng đại chào đón những người trẻ vào hoạt động kinh doanh của anh chị em, cho họ một thoáng nhìn về tương lai để không làm cả một thế hệ mất hy vọng”.