Vatican News
Ở Emilian Apennines, bắc Ý, từ ngày 07 đến 09/8 vừa qua, tại sự kiện “Đại học mùa hè quốc tế Tonalestate”, các sinh viên và giáo sư đã thảo luận về một số chủ đề liên quan đến sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sự kiện được tổ chức bởi Opera di Nazareth gọi tắt là ODN, một hiệp hội quốc tế được thành lập tại Ý vào những năm 1960 bởi một giáo viên trung học Giovanni Riva. Các thành viên hiệp hội dấn thân làm chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày, một lối sống đã làm thay đổi sâu sắc một thiếu nữ Nhật Bản, không phải là Kitô hữu. Sau đây là câu chuyện của Keiko Muneyuki do chính cô kể lại.
Cuộc gặp gỡ của tôi với Opera di Nazareth đã dẫn tôi đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, xảy ra ở tuổi 23, khi tôi bắt đầu đi làm. Dù không còn là một trẻ thơ nhưng thực tế tôi chỉ là một người trưởng thành hời hợt, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, nghĩ rằng cuộc đời này qua đi chỉ để giết thời gian và rồi kết thúc bằng một cái chết cô đơn.
Năm tôi bắt đầu đi làm, một thiếu nữ bằng tuổi tôi cũng đến làm việc tại bệnh viện với tôi. Khi còn là sinh viên đại học, cô đã hoạt động tích cực trong The Other, tổ chức sinh viên của ODN. Sau khi tốt nghiệp cô tiếp tục tích cực tham gia các phiên chợ từ thiện và các nhóm học tập. Cô rất nhiệt tình, mời đồng nghiệp đến các sự kiện của ODN.
Một lần, trong lúc ăn trưa với nhau, cô đề nghị mọi người đi xem một bộ phim hay miễn phí, nghĩ sẽ rất hữu ích để xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp và để giết thời gian, nên tôi quyết định tham gia. Đó là một bộ phim trắng đen cũ, tựa đề “Ikiru-Sống” của Akira Kurosawa. Tôi rất ấn tượng với cảnh nhân vật chính, khi chỉ còn sống được vài ngày, lần đầu tiên quyết định đối diện với cuộc sống và làm điều gì đó cho người khác: vào lúc đó, một bài hát chúc mừng sinh nhật vang lên.
Một điều khác làm tôi ấn tượng là lòng tốt của mọi người trong nhóm và cách họ quan tâm đến người khác. Họ nhìn vào mắt tôi, lắng nghe, mỉm cười và quan tâm với những điều nhàm chán mà tôi nói với họ. Tôi là người nhút nhát và không có khả năng chủ động, trò chuyện vui vẻ với những người mới quen; nhưng ở cạnh những người này khiến tôi có cảm giác, tôi không biết tại sao, như thể tôi được trở lại giữa những người bạn mà tôi cảm thấy luyến tiếc.
Từ lúc đó, tôi bắt đầu thường xuyên đến một số chợ từ thiện và các nhóm học tập mà cô bạn đồng nghiệp giới thiệu với tôi, để cũng trở thành một phần của nhóm bạn “xưa” này. Tiếp đến là tham dự các cuộc họp của ODN và tôi cảm thấy thoải mái khi ở với họ. Tôi thấy rõ “Chúa Giêsu Kitô” là trung tâm hành động và suy nghĩ của những người này. Lúc đó tôi không phải là Kitô hữu và không nhiệt thành tin vào bất cứ điều gì. Gia đình tôi theo Thiền tông, nhưng tôi chỉ theo ở mức đọc vài câu kinh trong tang lễ, chỉ vì phép lịch sự. Hồi đó tôi ít quan tâm đến người khác và thực lòng không quan tâm họ theo tôn giáo nào. Tôi không quan tâm mọi người là Kitô hữu, Phật tử hay theo Hồi giáo, ngược lại, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ là một phần của thế giới đó.
Tuy nhiên, càng tìm hiểu về cách sống của họ, tôi càng ghen tị với cách sống đó: đối với tôi, dường như những người này có điều gì đó vững chắc và đáng tin cậy trong cuộc sống. Đặc biệt, cuốn “Nhân chủng học Kitô giáo” của Giovanni Riva, mà chúng tôi đọc trong nhóm nghiên cứu, đã nói với tôi rằng có một số câu trả lời nhất định cho những câu hỏi về cuộc sống, và chúng có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mà tôi cảm thấy trong cuộc sống. Vì thế tôi bắt đầu muốn biết những câu trả lời đó.
Hai năm sau cuộc gặp gỡ này, lần đầu tiên tôi quyết định đến thăm Ý. Mặc dù lần đầu tiên đến châu Âu và khả năng ngôn ngữ của tôi còn kém, nhưng tôi đã có thể hoà nhập ngay nhờ sự cởi mở và nhiệt tình của các thành viên ODN đến từ Ý và Trung Mỹ. Tôi cảm thấy quen thuộc với họ như đã cảm thấy đối với các thành viên tôi đã biết ở Nhật Bản. Chỉ ở lại Ý khoảng ba ngày, nhưng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời mà tôi chưa từng có trong đời.
Từ lúc đó, sau khi trở về Nhật, tôi bắt đầu đi nhà thờ cùng bạn bè và thường tham gia học nhóm. Sau một vài năm, tôi quyết định lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Trong thời gian này, tôi nhận được nhiều lời đề nghị khác từ bạn bè, những đề nghị đã thay đổi cuộc đời tôi và dần dần làm tăng niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu Kitô. Làm như vậy, tôi cảm thấy chắc chắn rằng sự cam chịu và lo lắng về cuộc sống đang dần biến mất. Vì vậy, rửa tội chưa bao giờ là điều ai đó buộc tôi phải làm, nhưng là điều tôi muốn làm một cách tự nhiên.
Không phải do đã đọc hết Kinh Thánh, cũng không phải đã quen thuộc với những điều cốt yếu của đạo Công giáo, nhưng bạn bè tôi đã dạy tôi một điều quan trọng hơn: sống như một người bạn đồng hành. Nhờ cuộc gặp gỡ này, tôi cảm thấy như được đón sinh nhật lần thứ hai, giống như nhân vật chính trong cuốn “Sống”.
Và tôi không phải là người duy nhất thay đổi cuộc đời. Cha mẹ tôi, vốn là một người theo Phật, đã chuyển sang đạo Công giáo. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thuyết phục hay chiêu mộ họ; thực ra, tôi chưa bao giờ nói với gia đình rằng tôi đã đi nhà thờ hay tôi muốn được rửa tội. Tôi xấu hổ khi nói rằng tôi không có mối quan hệ tốt với cha mẹ, đặc biệt là với bố tôi; chúng tôi hầu như không bao giờ nói chuyện khi tôi ở nhà.
Sau chuyến đến Ý lần đầu tiên vào mùa hè, đến cuối năm, tôi quyết định rời nhà bố mẹ và sống một mình. Cha mẹ tôi thực sự muốn tôi kết hôn càng sớm càng tốt, nhưng khi rời nhà, tôi nói với mẹ rằng gần đây tôi đã có một số người bạn Công giáo quan trọng và rằng cuối cùng tôi đã có thể nhìn lại cuộc sống và rằng tôi muốn đảm nhận trách nhiệm, những quyết định cho cuộc đời tôi.
Một ngày nọ, sau một thời gian, khi trở về nhà, tôi ngạc nhiên thấy một tờ báo Công giáo, trên chiếc ghế bành nơi tôi thường ngồi, đưa tin về việc bầu chọn Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong nhà chúng tôi không có báo Công giáo. Tuy nhiên, cha tôi, người quan tâm đến nhiều loại tin tức, đã đọc và nghiền ngẫm các loại tạp chí và báo. Tối hôm đó, tại bàn ăn, cha tôi nói rất tự nhiên về việc ông nghĩ Đức Thánh Cha Phanxicô khác với các Giáo hoàng trước đây như thế nào và vị trí Giáo hoàng của ngài sẽ ảnh hưởng đến thế giới như thế nào. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cha tôi quan tâm đến tin tức Công giáo, nhưng cũng hơi nhẹ nhõm vì cách tiếp cận của ông không hề tiêu cực. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, kiến thức về Kitô giáo của cha tôi và sự tôn trọng dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô dường như ngày càng tăng lên.
Tôi không có ý định báo cho cha mẹ biết khi nào tôi được rửa tội, nhưng theo gợi ý của bạn bè, tôi quyết định mời họ đến dự lễ rửa tội. Tôi cảm thấy rất khó chịu trước sự có mặt của cha mẹ tại buổi lễ quan trọng này, nhưng cuối cùng cha tôi nói: “Gần đây cha mới phát hiện ra rằng Kitô giáo rất sâu sắc. Cha mẹ không có ý định rửa tội, nhưng cha biết con đã chọn một điều tốt. Xin chúc mừng con”. Cha tôi chịu phép rửa hai năm sau đó.
Tôi không biết, nhưng cha tôi đã từng dính líu đến vấn đề tài sản của ông bà tôi vài năm trước đó, và đã kiệt sức vì phải giải quyết vấn đề cũng như một mối quan hệ lâu dài và gay gắt. Khi đó, tình cờ đi ngang qua trước một nhà thờ Công giáo, ông nghe thấy tiếng hát Thánh lễ nên vào nhà thờ, lén ngồi ở một hàng ghế trong góc để xem Thánh lễ. Sau đó, vị linh mục của nhà thờ đó đã nói chuyện với ông, điều này khiến ông thường xuyên đến thăm nhà thờ và dường như đây đã trở thành khoảng thời gian bình yên đối với ông.
Kỳ lạ thay, cha tôi và tôi đã gặp Chúa Giêsu cùng một lúc và theo những cách rất khác nhau, nhưng nếu tôi không chịu phép rửa và giới thiệu Người với bạn bè thì Chúa Giêsu Kitô có thể chỉ là một người qua đường đối với cha tôi. Tuy nhiên, giờ đây cha tôi tận hưởng cuộc sống năng động và sống động hơn nhiều so với những gì tôi có thể tưởng tượng về ông trước đây, thậm chí còn đưa mẹ tôi tham gia các chuyến hành hương và các hoạt động khác.
Giờ đây cả hai chúng tôi đều có điều gì đó chắc chắn và đáng tin cậy trong cuộc sống của mình, cả hai chúng tôi đều được tái sinh vào một cuộc sống yên bình và không bị hóa thạch mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng được.