WHĐ (30/8/2024) – Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Quý cha trong Ủy ban đã tổ chức một Hội thảo với chủ đề: “LÒNG BỪNG CHÁY, CHÂN BƯỚC ĐI”, với ước mong nhìn ra được các thuận lợi và khó khăn, các thách đố cũng nhưng những đòi hỏi và cùng đưa ra được các phương hướng hành động để giúp cho công việc mục vụ giới trẻ đạt hiệu quả tốt nhất.
ỦY BAN MỤC VỤ GIỚI TRẺ
HỘI THẢO
“LÒNG BỪNG CHÁY, CHÂN BƯỚC ĐI” (Lc 24, 13-35)
“Mục vụ giới trẻ luôn là mục vụ truyền giáo” – đây chính là tâm tư mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến trong Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống (CV 240). Thao thức cho đời sống và sự phát triển của người trẻ cả về phương diện tự nhiên và siêu nhiên, vì thế, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Quý cha trong Ủy ban đã tổ chức một Hội thảo với chủ đề: “LÒNG BỪNG CHÁY, CHÂN BƯỚC ĐI”, với ước mong nhìn ra được các thuận lợi và khó khăn, các thách đố cũng nhưng những đòi hỏi và cùng đưa ra được các phương hướng hành động để giúp cho công việc mục vụ giới trẻ đạt hiệu quả tốt nhất. Hội thảo được diễn ra dưới sự điều hành của Cha Gioan Lê Văn Việt (Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh) – Thư ký Ủy ban. Hội thảo diễn ra từ thứ Ba 27/8/2024 – đến thứ Tư 28/8/2024 tại Tòa Giám mục Xã Đoài – Giáo phận Vinh. Thành phần tham dự bao gồm: Quý cha đặc trách giới trẻ các giáo phận trong các giáo tỉnh và các tham dự viên là những người cộng tác trực tiếp trong công việc mục vụ giới trẻ.
I/ NGÀY 27/8: BƯỚC ĐI CÙNG NHAU
Khởi đầu cho ngày hội thảo đầu tiên là thánh lễ do Đức cha chủ tịch Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ tế. Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí hiệp hành trang nghiêm với sự hiện diện đông đủ của các tham dự viên. Trong bài giảng, Cha Thư ký Ủy ban Gioan Lê Văn Việt nhấn mạnh đến công cuộc Tân Phúc Âm Hoá cho người trẻ. Qua đó khai mở cuộc hành trình làm mới lại trong việc đồng hành với người trẻ. Để tạo bầu khí cho giờ hội thảo đầu tiên, Cha đặc trách Giới trẻ Giáo phận Vinh đã giúp cho các tham dự viên có thêm năng lượng bằng sức sống của người trẻ.
Sáng ngày 27/8: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên chia sẻ: giới trẻ tham gia vào đời sống Giáo hội
Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XV năm 2018: Dựa trên câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmau là chủ đề, là sức sống và là nền tảng (Lc 24, 3-35). Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI năm 2021-2024 cũng nhấn mạnh thêm về cụm từ: “Đi cùng nhau” – Thiên Chúa đi cùng chúng ta và mọi thành phần được mời gọi hiệp thông thi hành sứ vụ. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên đúc kết Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI với 4 mục chính: Giáo hội luôn trẻ trung; Nhãn quan Giáo hội về người trẻ; Người trẻ tham gia vào đời sống Giáo hội; Một số lĩnh vực tham gia chính yếu: siêng năng cầu nguyện; suy niệm Lời Chúa; cử hành bí tích; loan báo Tin mừng.
Hội thảo chủ đề: Giáo hội luôn trẻ trung
Nhìn vào nền tảng Kinh Thánh, chúng ta thấy nhiều gương mặt trẻ như: Giuse (con Giacop), Samuel, Đavit, Salomon, Đức Maria (vâng phục khi tuổi còn rất trẻ), Chúa Giêsu (hằng vâng phục cha mẹ) 12 tuổi: Chúa Giêsu đã trở nên bậc thầy dạy (trong đền thờ).
Đức Giêsu là một người trẻ, người trưởng thành trẻ. Tại sao Giáo hội luôn trẻ trung? Vì Giáo hội là Bí tích của Đức Kitô, Đức Kitô luôn trẻ trung nên Giáo hội luôn trẻ trung.
Giáo hội là sự trẻ trung đích thực của thế giới. Đức Giêsu trẻ, Giáo hội trẻ, ai thuộc về Giáo hội thì cũng trẻ trung. Trẻ trung không mang theo nghĩa thời gian, tuổi tác nhưng là vấn đề của tâm hồn. Ai thuộc về Giáo hội thì không chỉ quan tâm đến lịch sử mà quan trọng hơn là thời gian theo nghĩa định tính (thời gian liên quan đến biến cố).
Tuổi trẻ đích thực phải có một trái tim yêu thương và Giáo hội không bao giờ là thực thể già cỗi. Giáo hội không phải là thực thể chạy theo cái mới, cũng không ở lại quá khứ nhưng là cả hai. Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi con người: không nên coi Giáo hội như viện bảo tàng hoặc coi Giáo hội như trung tâm thương mại trưng bày hàng hóa. Nền tảng cuối cùng của sự không thay đổi là Đức Kitô (hôm qua, hôm nay và mãi mãi). Chúng ta không thể lớn lên nếu không có rễ bám chắc chắn. Giáo hội luôn trẻ trung vì: Giáo hội luôn trở về nguồn; Đọc được dấu chỉ của thời đại; Không ngừng đổi mới.
Giờ thảo luận nhóm theo từng Giáo tỉnh được diễn tiếp ngay sau giờ chia sẻ của Đức cha Chủ tịch. Mỗi Giáo tỉnh ngồi lại với nhau, bầu Ban điều hành và cùng nhau thảo luận các thuận lợi, khó khăn, cũng như đưa ra những phương hướng nhằm giúp cho công việc mục vụ giới trẻ đạt kết quả tốt nhất. Kết thúc giờ thảo luận, các Giáo tỉnh đã bầu ra được Ban điều hành:
1/ Ban điều hành Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội
Đặc trách: Lm. Phêrô Đoàn Văn Khải
Thư ký 1: Sr. Têrêsa Đỗ Thị Thu Trang
Thư ký 2: Maria Bùi Thị Tố Uyên
2/ Ban điều hành Giới trẻ Giáo tỉnh Huế
Đặc trách: Lm. Bênêđictô Ngô Văn Hài
Thư ký: Lm. Gioan Baotixita Phạm Văn Phong
3/ Ban điều hành Giới trẻ Giáo tỉnh Sài Gòn
Đặc trách: Lm. Gioakim Phạm Công Chính
Thư ký: Lm. Giuse Nguyễn Thành Công
Đức cha Chủ tịch đã đúc kết phần thảo luận và thuyết trình của 3 giáo tỉnh dựa trên hành trình Emmau trong Tin mừng của Thánh Luca (24, 3-35) dưới hình thức ba pha:
+ Lời Chúa
+ Thánh Thể
+ Loan báo Tin mừng
Và biến cố Emmau tái hiện lại một cách rõ nét nhất qua Thánh lễ.
Việc loan báo Tin mừng phải được nói bằng ngôn ngữ của tình yêu.
Chiều ngày 27/8: Lắng nghe trong Thần Khí
Sau giờ nghỉ trưa, các tham dự viên tập trung trở lại để tham gia buổi thảo luận tiếp theo. Không khí được khuấy động bằng những bài cử điệu náo nhiệt của các bạn linh hoạt viên. Mở đầu buổi thảo luận, Cha Giuse Phạm Đức Tuấn – Tổng tuyên uý Thiếu nhi Thánh Thể Toàn quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi tham dự viên cần phải có nền tảng LỜI CHÚA và THÁNH THỂ. Chỉ khi mỗi người có được nền tảng vững chắc thì mới cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống cá nhân. Khi đó chúng ta mới có thể chia sẻ và truyền đạt đức tin một cách chân thành và hiệu quả đến người khác.
Tiếp đó, Cha Gioan Lê Quang Việt – Thư ký Ủy ban Mục vụ Giới trẻ cũng đã có những chia sẻ thêm: một trăn trở được đặt ra là làm sao sau khi lãnh nhận BÍ TÍCH THÊM SỨC các em vẫn tham gia sinh hoạt. Vì thế, rất cần có sự phân định. Những người phụ trách giới trẻ cần thấy việc đồng hành với người trẻ là một ơn gọi và là sứ vụ. Đồng thời giúp các bạn trẻ phân định nhận ra ơn gọi phục vụ. Vậy nên, cả người đồng hành và người được đồng hành cần phải tìm ra tiếng gọi của THẦN KHÍ cho chính mình.
Sau một ngày làm việc cùng nhau, các tham dự viên cũng có cơ hội để cùng chơi, giao lưu giữa các giáo tỉnh qua trận giao hữu bóng đá.
Tối ngày 27/8: cầu nguyện
Một ngày làm việc đang dần khép lại, các tham dự viên lại có cơ hội được ngồi bên nhau, được ngồi bên Chúa để cùng mở cửa tâm hồn của mình ra, trao ban cho những người xung quanh bằng những nén bạc mà Chúa đã trao tặng cũng như những giới hạn của bản thân để cùng nhau đón nhận. Qua đó, các tham dự viên luôn xác tín rằng Chúa luôn nâng đỡ, ủi an, giúp chúng con biết quên bớt những khó khăn muộn phiền và không ngừng hăng hái trở nên những cánh tay nối dài đưa người trẻ đến gần với Chúa hơn.
II/ NGÀY 28/8: GIỚI TRẺ THAM GIA ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Ngày làm việc thứ 2 được khởi sự với một Thánh lễ do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự. Các tham dự viên tham dự Thánh lễ với tâm tình tạ ơn và cầu nguyện cho người trẻ, cho những người tham gia vào công cuộc đồng hành với người trẻ. Trong bài giảng, Đức cha chia sẻ về Bí tích Thánh Thể là nguồn sức sống cho Giáo hội, cho người trẻ. Ngài nhấn mạnh đến 3 khía cạnh: Hiện diện – Hiệp thông – Hành động.
Sáng ngày 28/8: Hội thảo chủ đề “nhãn quan Giáo hội về người trẻ”
Dưới nhãn quan của Thánh Irênê: “Đức Giêsu là một người trẻ cho những người trẻ, trở nên gương mẫu cho những người trẻ và thánh hiến họ cho Đức Chúa”. Trong Tông huấn Christus Vivit Đức Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định người trẻ là “hiện tại của Thiên Chúa” (you are the now of God). Thông thường, chúng ta cho rằng người trẻ là tương lai của Giáo hội, của xã hội, của đất nước, của thế giới.
Giáo hội không chỉ hy vọng vào người trẻ hay khuyến khích người trẻ cố gắng chuẩn bị cho tương lai mà còn nhận diện năng lực phong phú nơi người trẻ và mời gọi họ tham gia tích cực cũng như đóng góp phần mình trong việc xây dựng Giáo hội. Đức Cha Chủ tịch cũng nhấn mạnh thêm: chính những người đồng hành cũng cần nhìn nhận lại những khiếm khuyết của mình để nhận ra những tài năng của người trẻ. Như vậy, Giáo hội mới trở nên: “Là Một” thân thể liên kết mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chiều 28/8: Cùng nhau bước đi
Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt chia sẻ:
Muốn bước chân đi tiếp thì chân phải vững và đi cùng nhau.
Để cho người trẻ thu hút thì cần phải sự sáng tạo, biến tấu của từng người đồng hành để phù hợp với giáo phận, giáo xứ của mình, và từng bước đi vào đời sống cầu nguyện. Nhưng trước tiên mình phải xác định mục tiêu mình muốn hướng đến và giữ người đồng hành và người được đồng hành cần phải thấu hiểu nhau, lắng nghe và đối thoại với nhau nhiều hơn. Và cần đồng cảm giữa hai bên rồi hai bên cùng nhau tìm ra những cách thức mới mẻ và thu hút hơn, càng biết về nhau nhiều thì càng dễ làm việc và mang lại kết quả hữu hiệu.
Tiếp theo là giờ chia sẻ của Cha Thư ký Ủy ban. Sau đó, ba giáo tỉnh có cơ hội ngồi lại cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như lắng nghe những tâm tư của người trẻ. Sau khi các giáo tỉnh lên trình bày những thao thức và mong muốn, Đức cha Chủ tịch cũng đã đúc kết lại và đưa ra những phương hướng, những cách thức để giúp cho việc mục vụ giới trẻ được dễ dàng hơn.
Kết thúc 2 ngày hội thảo, các tham dự viên được chiêm ngắm, tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể với một niềm xác tín Chúa đang hiện diện trước mặt chúng con. Trong giờ chầu này, mỗi tham dự viên nhận ra được “tiếng gọi phục vụ người trẻ” dựa trên nền tảng “Đức Kitô đang sống, Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và là sự trẻ trung đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Ngài đã chạm đến để trở nên trẻ, tươi mới và đầy sức sống”.
Sau 2 ngày cùng nhau hội thảo, các tham dự viên cũng để lại cho nhau nhiều kinh nghiệm mục vụ, nhiều kỷ niệm đáng quý và cả những bức ảnh chung cho các tham dự viên trong 3 miền Bắc – Trung – Nam.