Các giám mục Hàn Quốc và Nhật Bản cùng cộng tác làm việc vì người dân

Trong một video do Hội đồng Giám mục Philippines (CBCP) công bố ngày 17/10 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Peter Soon-taick Chung của Seoul và Đức tân Hồng Y Tarcisio Isao Kikuchi của Tokyo cùng cho biết, từ năm 1996, các giám mục Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu thực hiện các cuộc gặp gỡ hàng năm, và đây chính là “mô hình” về sự cộng tác hiệp hành.
 

Vatican News

Theo nội dung công bố trong video, cách đây 28 năm trước, hai Hội đồng Giám mục đã âm thầm bước đi trên con đường hiệp hành. Và kể từ đó mỗi năm các giám mục gặp nhau ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc để cùng cộng tác làm việc.

Đức Hồng Y Kikuchi nói thêm các giám mục Nhật Bản và Hàn Quốc đã quyết định tổ chức các cuộc gặp gỡ thường niên để tham gia đối thoại và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về lịch sử phức tạp của hai quốc gia, đặc biệt di sản đau thương của Thế chiến thứ II.

Đức Tổng Giám Mục Chung chỉ ra rằng những vết thương lịch sử không cản trở những nỗ lực hình thành các tương quan mới, đặc biệt giữa các thế hệ trẻ ở Hàn Quốc.

Cả hai vị đều bày tỏ niềm tin rằng sự hợp tác giữa các giám mục Nhật Bản và Hàn Quốc là một ví dụ về cách thức mà sự hiệp hành có thể tạo ra con đường cho sự chữa lành, sự hiểu biết và hòa bình.

Tổng Giám Mục Seoul nhấn mạnh: “Tôi nghĩ hình thức trao đổi giữa hai hội đồng giám mục có thể là một mô hình tốt để cố gắng tạo nên lịch sử mới. Kiểu gặp gỡ này có thể tạo một mô hình tốt cho tương lai”.

Một trong những sáng kiến đã nảy sinh trong những lần gặp gỡ là việc kêu gọi phi hạt nhân hoá trong khu vực. Thực tế, sau vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, tại cuộc họp năm 2011, các giám mục Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát động chiến dịch phi hạt nhân hóa được tổ chức hàng năm. Năm nay, từ ngày 11 đến 13/10 vừa qua, đoàn đại biểu của hai Giáo hội đã tham gia cuộc tuần hành phản đối hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Wolseong ở Hàn Quốc.

Cha Stefano Yang Ki-seok, thư ký Ủy ban Môi trường và Sinh thái của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc cho biết người dân trong khu vực không được hỏi ý kiến khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, các vấn đề về phơi nhiễm phóng xạ của công nhân tại các nhà máy điện hạt nhân đang bị che giấu dưới lý do cung cấp điện thuận tiện.

Theo cha, việc ép buộc những người yếu thế phải hy sinh vì lợi ích kinh tế của quốc gia là điều hoàn toàn trái ngược với thế giới mà Chúa mong muốn, đó là lý do tại sao những người có đức tin tham gia phong trào phản đối hạt nhân.