Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ Bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI


Sáng Chúa nhật, ngày 27 tháng Mười năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tạ ơn, tại Đền thờ thánh Phêrô cùng với gần 260 Hồng y và giám mục, cùng với hàng trăm linh mục, trước sự tham dự của hàng ngàn tín hữu, để tạ ơn Chúa vì Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI đã kết thúc, sau gần bốn tuần lễ tiến hành, từ ngày 02 tháng Mười, với chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Công nghị này kết thúc một tiến trình dài ba năm, với sự cộng tác của các thành phần trong Giáo hội.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha quảng diễn ý nghĩa trình thuật Tin mừng về việc Chúa Giêsu chữa lành anh Ba-ti-mê, người mù bẩm sinh, ngồi bên vệ đường hành khất. Khi nghe Chúa Giêsu đi qua, anh đã kêu to lên, xin Chúa cứu chữa. Và trong khi tất cả những người khác trách cứ anh, vì đã làm phiền họ do tiếng kêu của anh. Chúa Giêsu dừng lại, vì Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo khổ và không có tiếng kêu đau khổ nào không được Ngài lắng nghe”.

Áp dụng vào Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh cha nói:

“Kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục này, mang trong tâm hồn lòng biết ơn bao la vì những gì chúng ta đã có thể chia sẻ với nhau, chúng ta dừng lại những gì xảy ra cho người mù trong Tin mừng hôm nay. Đầu tình thuật, “ông ngồi bên vệ đường ăn xin” (Mt 10.46), và cuối trình thuật, sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi và được phục hồi thị giác, ‘anh theo Chúa trên đường Người đi” (v.52).

Điều đầu tiên Tin mừng nói với chúng ta về anh Ba-ti-mê là: anh ngồi ăn xin. Vị trí của anh là tiêu biểu của một người từ nay đang khép kín trong đau khổ của mình, ngồi cạnh vệ đường như thể chẳng còn gì khác để làm ngoài việc nhận cái gì đó từ bao nhiêu lữ khách ở thành Giê-ri-khô, nhân lễ Vượt Qua. Nhưng như chúng ta biết, để sống thực sự nhận lãnh, ta không thể ngồi mãi: sống luôn luôn là chuyển động, bước đi, mơ ước, đề ra dự phóng, cởi mở đối với tương lai. Vì vậy, người mù Ba-ti-mê cũng tượng trưng cho sự mù nội tâm làm cho chúng ta, bất động ở bên lề cuộc sống, không còn hy vọng nữa.

Và điều này có thể làm cho chúng ta suy nghĩ sâu hơn về đời sống bản thân của chúng ta, nhưng cả về cách thức chúng ta là Giáo hội của Chúa. Bao nhiêu điều, dọc đường, có thể làm cho chúng ta mù quáng, không có khả năng nhận ra sự hiện diện của Chúa, không sẵn sàng đương đầu với những thách đố của thực tại, nhiều khi không thích hợp trong việc trả lời cho bao nhiêu vấn đề đang kêu tới chúng ta, như anh mù Ba-ti-mê với Chúa Giêsu. Nhưng đứng trước những yêu cầu của bao nhiêu người nam nữ ngày nay, trước những thách đố của thời đại chúng ta, những điều cấp thiết trong việc loan báo Tin mừng, chúng ta không thể ngồi yên. Một Giáo hội ngồi yên, hầu như không nhận thấy mình đang rút lui khỏi cuộc sống và khép mình ở ngoài lề thực tại, thì đó là một Giáo hội có nguy cơ tiếp tục mù quáng và rơi vào tình trạng bất ổn của mình và tiếp tục ngồi trong sự mù quáng của mình, chúng ta sẽ tiếp tục không thấy những nhu cầu mục vụ cấp thiết của chúng ta và bao nhiêu vấn đề của thế giới chúng ta đang sống”.

Trái lại, chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa đi qua, luôn đi qua và dừng lại để chữa lành sự mù quáng của chúng ta. Và thật là đẹp nếu Thượng Hội đồng thúc đẩy chúng ta trở thành Giáo hội như anh Ba-ti-mê: là cộng đồng các môn đệ, khi nghe Chúa đi qua, thì cảm thấy hân hoan vì ơn cứu độ, để cho mình được sức mạnh của Tin mừng đánh thức và bắt đầu kêu lên cùng Chúa. Giáo hội làm như vậy, khi đón nhận tiếng kêu của những người muốn khám phá niềm vui Tin mừng và của những người, thay vì đã quay lưng lại, tiếng kêu âm thầm của người dửng dưng, tiếng kêu đau khổ của những người nghèo và ở ngoài lề; tiếng kêu nghẹn ngào của người không còn sức lực để kêu lên Thiên Chúa, vì họ không có tiếng nói hay vì cam chịu. Chúng ta không cần một Giáo hội ngồi lỳ và từ khước, nhưng một Giáo hội đón nhận tiếng kêu của thế giới và dấn thân để phục vụ.

Sang đến khía cạnh thứ hai: ban đầu anh Ba-ti-mê ngồi, nhưng sau cùng chúng ta thấy anh đứng phắt dậy và theo Chúa trên đường Người đi. Đó là một kiểu nói tiêu biểu của Tin mừng và có nghĩa là ông trở nên môn đệ của Chúa, và bước theo Ngài.

Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta ngồi thoải mái, cả khi Giáo hội không tìm được sức mạnh, cần có can đảm và sự táo bạo để trỗi dậy và tiếp tục hành trình. Chúng ta luôn nhớ trở về với Chúa và Tin mừng của Ngài.

Tôi muốn lặp lại rằng Tin mừng nói về anh Ba-ti-mê theo Chúa trên đường. Đó là một hình ảnh của Giáo hội tiến bước: Chúa kêu gọi chúng ta, nâng chúng ta dậy khi chúng ta ngồi hoặc sa ngã, làm cho chúng ta tái phục hồi thị giác, để, dưới ánh sáng của Tin mừng, chúng ta có thể thấy những lo âu và đau khổ của thế giới, và như thế chúng ta được Chúa giúp đứng lên, chúng ta cảm nghiệm niềm vui đi theo Chúa. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng chúng ta không tiến bước cho mình hoặc theo các tiêu chuẩn của thế gian, nhưng cùng nhau đi theo Chúa và với Chúa.

Cuối bài giảng, Đức Thánh cha cũng nhắc đến thánh tích ngai tòa của thánh Phêrô được trùng tu kỹ lưỡng. Đức Thánh cha nói: “Chúng ta hãy chiêm ngắm, với sự kinh ngạc của đức tin, và nhớ đó là ngai tòa của tình thương, hiệp nhất và thương xót, theo mệnh lệnh Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô tông đồ, đừng thống trị những người khác nhưng phục vụ họ trong tình bác ái”.

Đức Thánh cha cũng nói đến mái che hùng vĩ trên bàn thờ thánh Phêrô, sáng ngời hơn bao giờ hết, để mọi người khám phá nơi đó là điểm hội tụ đích thực của toàn thể Vương cung thánh đường, nghĩa là vinh quang của Chúa Thánh Linh. Đó là Giáo hội hiệp hành: một cộng đoàn với quyền tối thượng là ở nơi hồng ân của Chúa Thánh Linh, làm cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em trong Chúa Kitô nâng chúng ta lên Ngài”.

Phần lời nguyện chung được những người đại diện từ một số quốc gia, dâng lên Chúa những ước nguyện: cho Giáo hội, cho Đức Thánh cha, cho Thượng Hội đồng Giám mục và cho mọi thành phần dân Chúa.

Thánh lễ tạ ơn bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI đã kết thúc với phép lành của Đức Thánh cha.