Sứ điệp Đức Thánh cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh G20

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi và cầu chúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tích cực góp phần bài trừ nạn nghèo đói trên thế giới cùng với những bất công xã hội.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp gửi Tổng thống Ignacio Lula da Silva của Brazil, cùng với các vị lãnh đạo quốc gia thuộc khối G20, nhóm họp trong hai ngày 18 và 19 tháng Mười Một vừa qua, tại Rio de Janeiro, Brazil, bàn về cuộc chiến chống nghèo đói, cải tổ các tổ chức quốc tế, cũng như sự phát triển lâu bền và sự chuyển đổi năng lượng, góp phần đẩy mạnh việc tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn và một tương lai thịnh vượng cho các thế hệ trong tương lai.

Khối G20 được thành lập năm 1999, quy tụ các nước có công nghệ cao và đang phát triển nổi bật. Ngoài mười chín nước thành viên, còn có Liên hiệp Âu châu và Liên hiệp Phi châu. Chủ tịch của G20 hiện nay là Brazil.

Sứ điệp của Đức Thánh cha đã được Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc tại Hội nghị, hôm 18 tháng Mười Một, trong đó Đức Thánh cha nhắc lại rằng: “Chính trị cần nhắm một trong những mục tiêu cấp thiết và quan trọng nhất là thực sự loại trừ nạn đói. Thực vậy, khi nạn đầu cơ lèo lái giá cả lương thực, coi lương thực chỉ là một trong những tiện ích khác, thì hàng triệu người chịu đau khổ và chết vì đói. Trong khi đó, hàng tấn lương thực bị vứt bỏ. Đây thực là một xì-căng-đan” (Fratelli tutti 189).

Đức Thánh cha cũng phân tích những nguyên nhân góp phần tạo nên, gia tăng và kéo dài nạn đói tại nhiều nơi trên thế giới, như chiến tranh, xung đột, bất công kéo dài… “Chiến tranh tiếp tục tạo nên những căng thẳng lớn cho các nền kinh tế quốc gia, nhất là vì những số tiền khổng lồ được chi cho võ khí và võ trang”. Ngài đặc biệt nêu bật một tình trạng mâu thuẫn: một đàng, hơn ba tỷ người thiếu dinh dưỡng, trong khi gần hai tỷ người khác bị béo phì, nặng cân vì sự dinh dưỡng không tốt và lối sống ít vận động. Điều này đòi hỏi một cố gắng chung để tích cực dấn thân thay đổi ở mọi cấp độ và tổ chức lại toàn bộ hệ thống lương thực” (Xc Sứ điệp Ngày Thế giới về lương thực năm 2021).

Đức Thánh cha cũng nhận định rằng: “Việc xóa bỏ sự suy dinh dưỡng không thể chỉ đạt tới bằng cách gia tăng sản xuất lương thực trên thế giới, vì đã có đủ lương thực để nuôi mọi người trên trái đất, nhưng chính là do sự phân phối không đồng đều. Vì thế, điều thiết yếu là nhìn nhận số lượng quan trọng bị phung phí hằng ngày. Đối phó với tệ nạn này là một thách đố đòi phải có một hành động tập thể. Như thế, những tài nguyên có thể được đầu tư vào việc giúp đỡ những người nghèo đói đáp ứng những nhu cầu căn bản của họ”.

Trong chiều hướng trên đây, Đức Thánh cha bày tỏ hy vọng Liên minh hoàn cầu chống nghèo đói có thể có ảnh hưởng quan trọng trên những cố gắng chung để bài trừ nghèo đói. Liên minh có thể bắt đầu bằng cách áp dụng đề nghị từ lâu của Tòa Thánh, đó là dùng các ngân khoản đang dành cho các chi phí quân sự cho một ngân quỹ hoàn cầu chống nghèo đói, thăng tiến phát triển tại những nước nghèo nhất. Lối tiếp cận này sẽ giúp phòng ngừa tình trạng công dân của các nước đó phải tìm những giải pháp bạo lực ảo tưởng, hoặc rời bỏ đất nước ra đi để tìm kiến một cuộc sống xứng đáng hơn (Fratelli tutti, 262).

(Sala Stampa 2024-11-19)