Đức Thánh Cha: Trẻ em không được đi học là diệt chủng văn hoá

Ngày 21/11, tiếp các tham dự viên Hội nghị Toàn thể của Bộ Văn hoá và Giáo dục, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: thực là sự diệt chủng văn hóa – phá huỷ một di sản – khi trẻ em không được đi học. Là sự diệt chủng văn hóa khi chúng ta đánh cắp tương lai của trẻ em, không cung cấp cho trẻ em những điều kiện để trở thành những gì các em có thể trở thành.
 

Vatican News

Đức Thánh Cha nhận định, thế giới ngày nay cần những biên đạo múa mới, những người giải thích mới về các nguồn tài nguyên mà con người mang bên trong. Người ta không cần các mô hình giáo dục chỉ là “nhà máy của những kết quả”, không có một dự án văn hóa để đào tạo những người có khả năng giúp thế giới lật trang, xóa bỏ bất bình đẳng, nghèo đói và loại trừ.

Các trường học và các trung tâm văn hóa phải dạy ước muốn, khao khát, bởi vì, như Thánh Phêrô nhắc nhở “chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3,13). Điều này phải trở thành tiêu chuẩn cơ bản của sự phân định và hoán cải cho các thực hành văn hóa và giáo dục của chúng ta: phẩm chất của những kỳ vọng.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiểu sứ vụ của mình trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa như một lời kêu gọi mở rộng tầm nhìn, đầy tràn sức sống bên trong, nhường chỗ cho những khả năng mới. Ngài cũng khích lệ không quá lo ngại, vì Chúa Kitô hướng dẫn và đồng hành với chúng ta, và vì chúng ta là những người bảo vệ một di sản lớn hơn chính chúng ta về văn hóa và giáo dục, và vì chúng ta là những người thừa kế niềm đam mê giáo dục và văn hóa của rất nhiều vị thánh.

Mặc dù, ngày nay có những dữ liệu đáng khích lệ: khoảng 110 triệu trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 250 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không đi học. Theo ngài, thật là sự diệt chủng văn hóa – phá huỷ một di sản – khi trẻ em không được đi học. Là sự diệt chủng văn hóa khi chúng ta đánh cắp tương lai của trẻ em, không cung cấp cho trẻ em những điều kiện để trở thành những gì các em có thể trở thành.

Đối với phát triển khoa học và đổi mới công nghệ, Đức Thánh Cha mời gọi các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học dấn thân nghiên cứu cuộc cách mạng đương đại này, làm sáng tỏ những ích lợi và cả những nguy hại của nó.

Ngài kết luận: “Anh chị em hãy nhớ rằng quá trình chuyển đổi văn hóa phức tạp thường mang lại hiệu quả và sáng tạo nhất cho sự phát triển của tư tưởng con người. Chiêm ngưỡng Chúa Kitô hằng sống cho phép chúng ta có can đảm để khởi động mình vào tương lai, tin tưởng vào Lời Chúa, Đấng thách đố chúng ta: “Chúng ta hãy sang qua bờ bên kia” (Mc 4, 35).