CẦU NGUYỆN NHƯ THÁNH AUGUSTINÔ

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương.
Khi bạn bắt đầu cầu nguyện như thánh Augustinô, đời sống của bạn sẽ nảy sinh những hoa thơm trái ngọt cho đời sống thiêng liêng cũng như cuộc sống thường ngày.

Chia sẻ

Khi bạn bắt đầu cầu nguyện như thánh Augustinô, đời sống của bạn sẽ nảy sinh những hoa thơm trái ngọt cho đời sống thiêng liêng cũng như cuộc sống thường ngày.

Hội nghị gần đây của Trung tâm Đạo đức và Văn hóa de Nicola với chủ đề “Vẻ Đẹp Ngàn Xưa Nhưng Luôn Tươi Mới: Về Trí Tưởng Tượng Công Giáo” tại Đại học Notre Dame là hội nghị lớn nhất trong lịch sử của Trung tâm. Tại đây tôi đã có cơ hội trình bày một bài báo về cuốn sách mới của mình Praying Like Saint Augustine: A Guided Prayer Journal (Cầu Nguyện Như Thánh Augustinô: Một Cuốn Nhật Ký Hướng Dẫn Cầu Nguyện).

Tôi đã nói gì?

Tôi bắt đầu bằng một lời thú nhận. Khi tôi ngồi xuống để hướng lòng trí mình lên Chúa, ngay lập tức tôi bị lo ra chia trí bởi đủ những suy nghĩ chẳng liêng quan gì đến Thiên Chúa. Lẽ ra tôi phải thưa chuyện với Chúa và lắng nghe Ngài nói với tôi, thế nhưng tâm trí tôi lại quay sang các vấn đề về thuế má, chính trị, hoặc kế hoạch ăn trưa. Về vấn đề lo ra chia trí như thế này, tôi không phải là người duy nhất. Thánh Têrêsa Avila đã hình dung sự lo ra chia trí như một “người đàn bà điên” trong nhà, làm người ta phân tâm không còn hướng lòng trí mình lên Chúa được nữa. Tuy nhiên, tôi đã tìm ra một cách có thể giúp giảm bớt sự lo ra chia trí như vậy khi cầu nguyện, đó là cầu nguyện như thánh Augustinô.

Trong tác phẩm Tự Thuật, thánh Augustinô nói rằng ngài viết ra không phải để cho những người có thể chế giễu những sai lầm và hành động ngu ngốc của ngài đọc; mà ngài viết cho Thiên Chúa của Lòng Xót Thương. Giống như Augustinô, Flannery O’Connor cũng cầu nguyện với Thiên Chúa qua việc viết ra giấy. Trong Nhật Ký Cầu Nguyện, O’Connor đã viết: “Lạy Chúa… con không có ý phủ nhận những kinh nguyện truyền thống mà con vẫn dùng để cầu nguyện trong suốt những năm tháng qua; nhưng con phải thú thật là khi cầu nguyện như thế con chẳng có chút tâm tình gì. Con thường chẳng tập trung chú ý được. Cách này giúp con tập trung chú ý được trong từng khoảnh khắc. Viết ra như thế này để gửi đến Ngài con có thể cảm nhận được hơi ấm tình yêu của Chúa sưởi ấm tâm hồn con khi con suy nghĩ và viết ra lời cầu nguyện dâng lên Ngài.” Cũng giống như O’Connor, tôi đã nhận thấy khi tôi viết lời cầu nguyện lên trang giấy nó giúp tôi tránh được sự lo ra chia trí và tôi thấy cách này hơn hẳn mọi cách thức cầu nguyện khác mà tôi đã thử.

Vậy phải làm như thế nào?

Rất đơn giản, giống như bạn viết một lá thư gửi cho Thiên Chúa Cha (hoặc Chúa Giêsu, hoặc Chúa Thánh Thần . . . ) về bất kỳ điều gì bạn muốn. Sau đó, bạn tưởng tượng Thiên Chúa sẽ trả lời bạn như thế nào. Cầu nguyện là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ nói với Chúa, nhưng còn là sẵn sàng đón nhận những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Thiên Chúa có thể không nói với chúng ta qua một bụi cây bốc cháy, hay qua một thiên thần, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được những gì Thiên Chúa tình yêu sẽ nói với chúng ta.

Trong những thời điểm khó khăn, việc quay trở về với Thiên Chúa bằng cách viết ra lời cầu nguyện của mình vô cùng hữu ích. Trong một bức thư, thánh Frances Xavier Cabrini đã viết: “Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài xem, con tàu của đời con đang phải chiến đấu chống lại những ngọn cuồng phong của biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm. Xin Ngài hãy bảo vệ, đừng để nó bị chìm. Con luôn tin tưởng trọn vẹn nơi Ngài. Con xin phó thác bản thân cho Ngài; và chỉ khi con tín thác trọn vẹn nơi Ngài con mới cảm nhận được sự bình an sâu thẳm ngự trị trong tâm hồn con.”

Càng chân thành, lời cầu nguyện của ta càng hiệu quả

Lá thư dưới đây đã được nghiên cứu về mặt tâm lý và được chứng minh là rất hữu ích trong việc đối phó với những cảm xúc tiêu cực.

Trong đoạn đầu tiên, bắt đầu bằng cách viết một lá thư gửi cho chính mình: “Kính thưa [Tên của bạn].” Sau đó, bạn hãy miêu tả những khó khăn, thử thách, và những điều không chắc chắn mà bạn đang phải đối mặt. Bạn cảm thấy thế nào? Chán nản, ghê tởm hay tuyệt vọng? Mục đích là mô tả đầy đủ và chính xác cảm giác lo âu, tức giận, xấu hổ hoặc cô đơn mà bạn đang trải qua ngay lúc này.

Sau khi đã viết ra những cảm xúc tiêu cực của bản thân, trong đoạn tiếp theo, bạn hãy nhớ rằng bạn không cô đơn đâu, có hàng triệu người trên thế giới có những cảm giác giống như bạn lúc này. Có biết bao nhiêu người khắp nơi trên thế giới cũng đang trải nghiệm tất cả các cung bậc cảm xúc của bạn lúc này. Những cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn cảm thấy lạc lõng cô đơn, điều này chỉ mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Đoạn văn này nhắc nhở bạn rằng bạn cũng là một thành viên trong một cộng đồng rộng lớn đang khóc và than van trong thung lũng nước đầy mắt này.

Trong đoạn cuối cùng, bạn hãy tưởng tượng xem một người khôn ngoan, thánh thiện, có kinh nghiệm và sáng suốt sẽ nói gì với bạn để giúp bạn vượt qua khó khan mà bạn đang phải đối mặt. Chúa Giêsu sẽ nói gì với bạn? Còn vị thánh mà bạn yêu thích sẽ khuyên bạn điều gì? Làm sao bạn có thể nhận thấy trong hoàn cảnh này một cơ hội để bạn phát triển các kỹ năng của mình? Làm sao bạn có thể nhận thấy một cơ hội tiềm ẩn trong chính những khó khăn mà bạn đang phải đối mặt lúc này giúp bạn trau dồi đời sống nhân đức? Rào cản này có thể trở thành cơ hội để giúp bạn củng cố những mối dây yêu thương không? Với sự trợ giúp của ơn Chúa, liệu có sự phục sinh nào phát sinh từ những thập giá mà bạn đang phải gánh chịu không?

Khi bạn viết ra lời cầu nguyện như thế này nó có thể rất đơn sơ mộc mạc chân thành. Mục đích là nuôi dưỡng sự chân thành và thẳng thắn tuyệt đối. Sau cùng, mặc dù Thiên Chúa đã biết rõ cảm giác của bạn như thế nào, nhưng chúng ta vẫn muốn có thể thuần hóa được những cảm xúc hoang dại của mình bằng cách viết chúng ra giấy. Càng chân thành với mình bao nhiêu thì lời cầu nguyện càng hiệu quả bấy nhiêu.

Tuy nhiên, sự thành thật tuyệt đối như thế có thể khiến bản thân gặp rắc rối. Đành rằng chúng ta muốn bày tỏ tâm tình chân thành với Thiên Chúa, thế nhưng chẳng may có ai vô tình đọc được những gì bạn chỉ viết cho Thiên Chúa thì sao?

Nếu bạn muốn bảo vệ sự riêng tư khi viết thư cho Thiên Chúa, bạn có thể tiêu hủy những gì mình đã viết ngay sau khi viết xong. Đốt nó, xé nó, hoặc cho nó vào thùng rác. Gửi email cho Thiên Chúa là Cha Toàn Năng có thể là một ý tưởng tốt, nhưng email có thể bị hack. Vì vậy, nếu bạn thực sự quan tâm tới việc bảo mật, thì tốt hơn bạn nên viết thư tay thay vì viết và gửi Email. Cho dù có như thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ khi bạn bắt đầu cầu nguyện như thánh Augustinô, đời sống của bạn sẽ nảy sinh những hoa thơm trái ngọt cho đời sống thiêng liêng cũng như cuộc sống thường ngày.

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương
Chuyển ngữ từ: wordonfire.org
Nguồn: gphaiphong.org