GIÁO HỘI Ý CỬ HÀNH TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trong Năm Thánh 2025 được cử hành đặc biệt, vì cũng là dịp kỷ niệm 1.700 Công đồng Đại kết Nicea (năm 325). Với chủ đề “Anh có tin điều này không?” (Ga 11,26), Giáo hội Ý cử hành Tuần lễ này bằng “buổi canh thức cầu nguyện lưu động” tại các nhà thờ Tin lành, Chính thống giáo và nhà thờ Công giáo Thánh Camillo de Lellis.

Tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, ngày 25/01/2025, ngày bế mạc Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu lần thứ 58, vào lúc 5:30 chiều,  Đức Thánh Cha sẽ chủ sự giờ Kinh Chiều II lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại.

Trước đó, vào ngày 23/01, vào lúc 6 giờ chiều, Giáo phận Roma sẽ tổ chức một buổi canh thức cầu nguyện lưu động – theo Năm Thánh mời gọi chúng ta trở thành “những người hành hương của hy vọng” – gồm ba địa điểm ở Roma: nhà thờ Tin lành, nhà thờ Chính thống giáo Thánh Andre, và nhà thờ thánh Camillo De Lellis. Đây là một cuộc hành hương ngắn gồm ba giai đoạn, với ba bài suy niệm Kinh Thánh do mỗi vị mục tử của các Giáo hội hướng dẫn. Trong mỗi nhà thờ, đèn và hình ảnh suy tư, tượng trưng cho ánh sáng và hy vọng sẽ được chuẩn bị.

Cha Marco Gnavi, Trưởng Văn phòng Đại kết và Đối thoại Liên tôn của Giáo phận Roma cho biết, lời nguyện và suy tư được viết bởi các anh chị em của Cộng đoàn Đan viện Đại kết Bose, ở miền bắc nước Ý; một nhóm quốc tế được bổ nhiệm bởi Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Ủy ban Đức tin và hiến pháp của Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới đã làm việc cùng với các biên tập viên.

Cha Gnavi nhận xét chủ đề được chọn cho năm nay được lấy từ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và bà Martha trước cái chết của Ladarô và đức tin vào sự Phục sinh trong Chúa Kitô. Một chủ đề trung tâm, bởi vì ngày nay không chỉ các Giáo hội Kitô mà các dân tộc cũng phải đối diện với nhiều biểu hiện của cái chết thực sự, nghĩa là chia rẽ, ly tán, dẫn đến xung đột và thảm sát những người vô tội. Ngay cả trong cuộc sống cá nhân, do phải sống cô đơn và bất an, nhiều người đặt câu hỏi với mong muốn được trả lời. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Martha cho thấy trong mỗi người nam và nữ đều có một câu hỏi về đức tin. Những lời này cũng giúp chúng ta nhớ đến Công đồng Nicea, một công đồng đưa ra lời tuyên xưng đức tin, một đức tin kết hợp tất cả chúng ta trong Bí tích Rửa tội.