
Vatican News
Nghi lễ cảm động tưởng nhớ hành trình khổ nạn của Chúa Giêsu được chủ sự bởi Đức Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina.
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina đã chia sẻ với Truyền thông Vatican về ý nghĩa sâu sắc của sáng kiến đại kết này. Ngài nói đó là “tiếng kêu khóc vì chiến tranh kết hợp với tiếng kêu của Chúa Giêsu. Đây là lời cầu nguyện mà chúng tôi dâng lên để cầu xin hòa bình, giải thoát tất cả các tù nhân và an ủi gia đình họ”.
Khoảnh khắc tuyệt đẹp của đại kết
Sáng kiến được tổ chức bởi “Phong trào Phụ nữ Quốc tế vì Giá trị Gia đình”. Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina cho biết: “Hầu như gia đình nào trong thời chiến cũng có một người lính đã hy sinh, một tù nhân chiến tranh, một cựu tù nhân, một người bị thương hoặc một người nào đó đang ở tiền tuyến. Vì vậy, hầu hết các gia đình, ngay cả khi họ không tìm kiếm, vẫn thấy mình bị cuốn vào cuộc chiến. Phong trào này đã tổ chức một Đàng Thánh Giá đại kết mà đối với tôi đó là một khoảnh khắc tuyệt đẹp”.
Ngài nói thêm: “Ngoài vẻ đẹp, nó còn có ý nghĩa quan trọng vì xung quanh Nhà thờ lớn cổ kính Thánh Sophia ở Kyiv, đền thánh quốc gia của Ucraina, đại diện của nhiều Giáo hội khác nhau đã quy tụ: Công giáo Đông phương, Công giáo Latinh, linh mục của Chính Thống giáo, mục sư Tin lành, đại diện của các Giáo hội khác. Sự kiện này quy tụ những người muốn đồng hành cùng mẹ và vợ, những người đau buồn vì mất đi người thân yêu đã hy sinh ngoài mặt trận hoặc có người bị thương và tù nhân chiến tranh trong gia đình. Vì vậy, tất cả họ đều muốn bắt đầu Tuần Thánh với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, kết hợp kinh nghiệm, nỗi đau của riêng họ với Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế và cũng kết hợp lời cầu nguyện của họ theo cách đại kết”.
Sống kinh nghiệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
Đức Tổng giám mục Kulbokas chia sẻ rằng ngài đã xúc động rơi nước mắt vì các bản văn của tất cả các chặng đàng Thánh giá đều được đọc bởi những người đã trực tiếp sống kinh nghiệm kết nối họ với cuộc đau khổ của Chúa Giêsu.
Ngài kể: “Ví dụ, trong chặng đầu tiên, chặng Chúa Giêsu bị kết án, người vác thập giá và đọc suy niệm là một cựu tù nhân chiến tranh, bị cụt một chân và một tay. Chặng thứ hai, khi Chúa Giêsu vác thập giá, bản văn và bài suy niệm được đọc bởi vợ của một cựu tù nhân, bởi vì đối với mỗi người vợ, mỗi người mẹ, đó là một sự đau khổ, một thập giá. Nơi Chúa Giêsu chịu chết, người vác Thánh Giá là một bác sĩ quân y, người thường chứng kiến những người tử trận ngoài tiền tuyến. Theo nghĩa này, tôi nghĩ trong lòng rằng khi chúng ta có những kinh nghiệm như thế này trong cuộc sống vốn rất giống với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và sau đó chúng ta kết hợp kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của Chúa Giêsu, hoặc ít nhất là chúng ta cố gắng kết hợp điều đó trong lời cầu nguyện, thì đối với tôi, đó là điều tốt nhất”.
Niềm vui cử hành lễ Phục sinh chung
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina cũng chia sẻ rằng ngài nhìn thấy niềm vui của các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau khi được cử hành lễ Phục Sinh năm nay cùng chung một ngày. Ngài cho biết khi ngắm Đàng Thánh Giá, ngài đã cầu nguyện “xin Chúa ban cho chúng ta ơn tìm ra cách thức thống nhất việc cử hành lễ Phục Sinh trong tất cả các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo càng sớm càng tốt”.