TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ: Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong cuộc chiến ở Yemen

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong cuộc chiến ở Yemen

WGPSG / CNA — Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, hỗ trợ nhân đạo đang là vấn đề vô cùng cấp bách đối với khoảng 24 triệu thường dân ở Yemen. 

Ngày 9/1, trong một cuộc họp với các nhà ngoại giao chính thức tại Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi tình hình hiện tại ở Yemen là “một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại”. 

Cuộc nội chiến Yemen giữa liên quân do Ả Rập Xê-út lãnh đạo và phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đã khiến hơn 100.000 người chết kể từ năm 2015, và hàng triệu người khác lâm vào cảnh cần trợ giúp lương thực và vật phẩm y tế. Trong cuộc xung đột, việc Ả Rập Xê-út không kích vào bệnh viện và trường học trong khi lực lượng Houthi cầm giữ con tin (các nhân viên viện trợ) đều là các hành động vi phạm luật nhân đạo quốc tế. 

Trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao hồi tháng trước, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích “sự thờ ơ của một bộ phận cộng đồng quốc tế” đối với sự đau khổ của người dân Yemen. 

Trong năm 2019, Liên Hợp Quốc thiếu 1,2 tỷ Mỹ kim so với mục tiêu đề ra là 4,2 tỷ từ các khoản quyên góp của cộng đồng quốc tế để giải quyết tình hình ở Yemen. Tuy nhiên, viện trợ lương thực và y tế là những thách thức cấp bách hơn đối với cho hàng triệu người Yemen trong lúc này. 

Lực lượng đặc nhiệm CSIS về Tiếp cận Nhân đạo cho biết, lệnh giới nghiêm (hạn chế di chuyển) gắt gao đối với các tổ chức nhân đạo, phi cơ oanh tạc và hạn chế nhập khẩu đã khiến 80% dân số Yemen lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực, nhiên liệu và thuốc men. 

Vào ngày 19/2, tờ báo Associated Press báo cáo rằng một nửa các chương trình cung cấp viện trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bị phiến quân Houthi chặn lại. Phiến quân yêu cầu lấy 2% của toàn bộ khoản ngân sách viện trợ, điều này làm tăng thêm mối lo ngại rằng họ đã và đang dùng các khoản viện trợ nhân đạo để tăng cường cho cuộc chiến. 

Người phát ngôn của tổ chức USAID nói với đài AP: “Việc đánh thuế vào các khoản viện trợ nhân đạo là không thể chấp nhận và đi ngược lại các nguyên tắc nhân đạo quốc tế”. 

Một viên chức của LHQ cho biết, việc họ (LHQ) và các nhà tài trợ khác từ chối trả khoản đòi hỏi 2% của phiến quân đã khiến hơn 300.000 thai phụ và bà mẹ đang cho con bú cùng những trẻ em dưới 5 tuổi không được bổ sung dưỡng chất trong suốt sáu tháng. 

Các cuộc không kích của liên quân do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đã nhằm vào các bệnh viện ở Yemen, vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Vào ngày 10-2-2020, LHQ báo cáo rằng thêm hai bệnh viện nữa ở phía bắc thành phố Marib đã bị tấn công. 

Cuộc xung đột đã làm hư hại nghiêm trọng các cơ sở y tế quan trọng, khiến cho hơn 19,7 triệu người ở Yemen không thể nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. 

Một đợt dịch tả ở Yemen đã ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người, nhưng các trường hợp nhiễm bệnh đã giảm đáng kể kể từ tháng 9/2019 khi Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo có 86.000 trường hợp vào thời điểm đó. Đến tháng 1 năm 2020, WHO báo cáo có 35.000 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch tả ở Yemen. 

Vào ngày 18/2, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng, các nhân viên viện trợ đã không nghe thấy có báo cáo về “những tình trạng giống nạn đói” trong năm 2020 như đã từng xảy ra vào năm 2018. Tuy nhiên, 7 triệu người dân Yemen vẫn đang bị suy dinh dưỡng do nước này phụ thuộc vào 90% nguồn ngũ cốc và thực phẩm khác từ nhập khẩu. 

Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột đã làm cho 26.800 người ở miền bắc Yemen phải rời bỏ nhà cửa trong những tháng đầu năm 2020. 

Trong tháng 1/2020, người đại diện của Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc đã có bài phát biểu trong một cuộc tranh luận diễn ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Nhà ngoại giao Vatican – ông Fredrik Hansen – nói với Hội đồng Bảo an rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lo ngại về “sự tiếp tục im lặng và thờ ơ” về tình hình ở Yemen, cùng mối trăn trở của Ngài vì sự vô tâm của cộng đồng quốc tế có thể gây thêm đau khổ và nhiều người phải mất mạng. 

Những năm gần đây, Đức Thánh Cha thường nài xin những lời cầu nguyện cho người dân Yemen trong những buổi tiếp kiến chung của Ngài. 

Người nói trong một buổi đọc kinh Truyền Tin vào tháng 2/2019: “Các con hãy cầu nguyện liên lỉ, vì có những đứa trẻ đang đói, khát, không có thuốc men và đang chết dần”. 

 

Courtney Mares (CNA) / Đức Trí chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG