
Vatican News
Ngày 03/7/2025, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã phổ biến sắc lệnh (số 283/24) về bản văn và các bài đọc dành cho Thánh lễ “cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng”. Bản văn lời nguyện mới, vốn được khởi xướng từ thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô với sự cộng tác của các cơ quan Toà Thánh, được thêm vào phần “Thánh lễ và Lời nguyện trong những hoàn cảnh khác nhau” trong Sách Lễ Roma.
Ngày 09/7 vừa qua, lần đầu tiên, tại Làng Laudato si’ ở Castel Gandolfo, Thánh lễ theo ý chỉ này đã được Đức Thánh Cha Lêô XIV cử hành. Liên quan đến chủ đề này, trang mạng SIR của Hội đồng Giám mục Ý đã có cuộc phỏng vấn dành cho thần học gia Simone Morandini.
Thưa giáo sư, có phải Thánh lễ “cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng” là một bước quan trọng không?
Việc phê chuẩn Thánh lễ cầu nguyện cho Thụ tạo là một dấu chỉ đẹp, khi được đặt trong một bối cảnh đặc biệt: năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 10 năm Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành thông điệp Laudato si’, trong đó ngài mời gọi đặt việc bảo vệ Thụ tạo vào trung tâm của một sự suy tư sâu sắc trong lòng Giáo hội Công giáo, một suy tư không chỉ ở bình diện đạo đức xã hội, môi trường, nhưng còn mở ra những suy tư thần học, thiêng liêng và việc cử hành.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ hai tháng sau khi công bố thông điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ủng hộ đề nghị ban đầu do Tòa Thượng phụ Constantinople đưa ra, và hiện đã được chia sẻ trong ngày 01/9, ngày cầu nguyện cho việc chăm sóc Ngôi nhà chung, bảo vệ Thụ tạo. Như vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự ủng hộ của ngài đối với một sự năng động đại kết liên quan đến những chủ đề này. Do đó, thật là ý nghĩa khi sau 10 năm kể từ những sự kiện đó, trong các cử hành phụng vụ của Giáo hội Công giáo, một Thánh lễ đặc biệt đã được thêm vào, một Thánh lễ tôn vinh Đấng Tạo Hóa Ba Ngôi, một quy chiếu đến Công trình Sáng tạo mọi sự trong Chúa Giêsu Kitô.
Như thế, bên cạnh rất nhiều yếu tố liên quan đến Công trình Sáng tạo đã hiện diện trong các cử hành phụng vụ khác, giờ đây còn có thêm một thời khắc cử hành phụng vụ cụ thể, mà mỗi cộng đoàn có thể lựa chọn thực hiện vào thời điểm thích hợp nhất, một thời khắc dành riêng để chiêm ngắm và tôn vinh Đấng Tạo Hóa và công trình của Người. Tôi nghĩ đây là bối cảnh đầu tiên cần được ghi nhớ.
Bên cạnh một nền đạo đức chăm sóc Ngôi nhà chung, chúng ta đừng quên, hay đúng hơn chúng ta cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc cử hành tôn vinh Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, Đấng đã đặt thực tại của thế giới này vào tay chúng ta như một điều được trao phó và cần được chăm sóc.
Có phải còn có một văn kiện khác liên quan đến cử hành cầu nguyện cho Thụ tạo là Sứ điệp của Thánh Gioan Phaolô II nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 1990, với chủ đề “Hòa bình với Thiên Chúa Tạo Hóa. Hòa bình với Thụ tạo”?
Hoàn toàn đúng, điều quan trọng là phải ghi nhớ toàn bộ tập hợp các văn kiện tham chiếu: Mối quan tâm đối với việc chăm sóc Thụ tạo, dĩ nhiên, đã đạt đến một đỉnh điểm với Laudato si’, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành trọn một thông điệp cho chủ đề này. Nhưng chủ đề này không bắt đầu với Laudato si’.
Cũng có một tham chiếu quan trọng đến Sứ điệp của Thánh Gioan Phaolô II nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 1990, cũng như sự tiếp nối 20 năm sau của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI với sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2010 “Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo vệ Thụ tạo”. Trong huấn quyền Công giáo, có các tài liệu phản ánh chiều kích này: quy chiếu về Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, là nguồn mạch của hồng ân thế giới mà chúng ta đang cư ngụ. Và trong giai đoạn này, Đức Thánh Cha Lêô đã thấy là điều thích hợp để thêm vào một phần hết sức ý nghĩa này.
Chúng ta cũng đừng quên rằng, trước cả thời của Thánh Gioan Phaolô II, đã có rất nhiều nghiên cứu đại kết về vấn đề này từ những năm 1970, và từ đó cũng sinh ra đề nghị tổ chức Ngày Thụ tạo và cả Mùa Thụ tạo.
Kinh Thánh có rất nhiều chỗ nhắc đến công trình của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, đến Công trình Sáng tạo như là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa…
Thực tế, có rất nhiều bản văn có thể được chọn cho Thánh lễ theo ý chỉ riêng, cũng bởi vì cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều đưa ra những chỉ dẫn quan trọng. Điều chung của Kinh Thánh chính là tư tưởng này: thực tại của thế giới không phải là công trình của chúng ta, mà là một hồng ân đi trước chúng ta, là hồng ân đầu tiên của Đấng Tạo Hóa, là bí tích đầu tiên của tình yêu Người. Sau đó, Tân Ước còn thêm một quy chiếu rất quan trọng: vai trò trung gian của Chúa Giêsu Kitô. Mọi sự đã được tạo thành nhờ Người; là Ngôi Lời, Logos, qua đó mọi hiện hữu đã được tạo thành. Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả điều này rất rõ trong Laudato si’, khi nói rằng Công trình Sáng tạo là một thực tại thuộc về trật tự của tình yêu, một cách nền tảng, vượt lên trên mọi cuộc đối thoại phi đức tin hay các cách diễn giải triết học. Điều mà chúng ta đón nhận từ các bản văn Kinh Thánh, từ sách Sáng Thế đến các sách ngôn sứ và các thư của Thánh Phaolô là Công trình Sáng tạo là biểu hiện vĩ đại đầu tiên về tình yêu của Thiên Chúa đối với các thụ tạo của Người. Đó đã là khởi đầu của một lịch sử cứu độ; có một phúc lành ban đầu trong hành động sáng tạo.
Thánh lễ đặc biệt này cũng rất quan trọng, chính vì Thụ tạo đang bị đe dọa bởi rất nhiều hành vi của con người. Mối nguy này cũng đã được nhắc đến trong Sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc Thụ tạo.
Rõ ràng là, cũng như mọi yếu tố khác trong lời tuyên xưng đức tin của chúng ta, việc tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa cũng mang một giá trị thực hành, mời gọi chúng ta có một thái độ tôn trọng và chăm sóc thế giới này, bởi vì đó là công trình của Thiên Chúa, là quà tặng tình yêu Người, và là điều được dành cho cuộc sống của các thế hệ tương lai, những người xứng đáng được sống trong một thế giới ở điều kiện ít nhất là tương đương với những gì mà thế hệ chúng ta đã được hưởng.
Từ đó, dễ thấy rằng trong sự tiếp nối với các vị tiền nhiệm, đặc biệt với huấn quyền kéo dài suốt một thập kỷ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thánh Cha Lêô muốn phê chuẩn bản văn phụng vụ này vào cùng ngày công bố sứ điệp cho Ngày Thụ tạo. Điều thú vị khác là Đức Thánh Cha cũng đã lấy lại chủ đề đã được Ủy ban đại kết đề xuất trong nhiều năm qua cho ngày 01/9. Theo nghĩa đó, việc phê chuẩn Thánh lễ này có thể được xem như một bước đi ý nghĩa trong tiến trình đại kết, vốn đang đặt câu hỏi về khả năng các Giáo hội Tây phương cũng có thể cử hành phụng vụ cho biến cố Sáng tạo, hoặc thậm chí là lễ trọng như các Giáo hội Chính thống vẫn làm, với năm phụng vụ bắt đầu vào ngày 01/9.
Đối với Tây phương, điều đó có thể sẽ mang một hình thức khác, nhưng thật đáng chú ý khi thấy sự hài hòa giữa việc phê chuẩn Thánh lễ và năng động đại kết. Có người gọi đó là tiến trình Assisi, vì nhiều hội thảo đã được tổ chức tại Thành phố Laudato si’, Assisi.
Việc đưa Thánh lễ này vào phụng vụ có thể giúp lan tỏa một ý tưởng văn hoá khác về việc chăm sóc Thụ tạo, giữa mọi người không?
Chắc chắn điều này sẽ giúp các cộng đoàn chúng ta, trước hết và quan trọng nhất, nhận ra mối liên hệ giữa phụng vụ và một thực hành chăm sóc rất cụ thể được thể hiện trong lối sống giản dị và bền vững, qua những lựa chọn và thực hành của cộng đoàn, và đôi khi trong cam kết chính trị xã hội. Ví dụ, tôi đang nghĩ đến chiến dịch tuyệt vời do Văn phòng Quốc gia về Các vấn đề xã hội và Lao động của Hội đồng Giám mục Ý tiến hành để ủng hộ ý tưởng về các cộng đồng dựa trên năng lượng bền vững và năng lượng tái tạo. Nhận ra mối liên hệ giữa các khía cạnh khác nhau là một chiều kích xác định đức tin của chúng ta.
Nếu một mặt chúng ta chăm sóc Ngôi nhà chung vì trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai, thì mặt khác, trong hành động đó, chúng ta cũng diễn tả niềm xác tín rằng thế giới đang bị đe dọa, thế giới cần được chúng ta quan tâm và gìn giữ trước hết là một hồng ân đến từ Thiên Chúa. Chúng ta nợ Người vì sự vĩ đại, vẻ đẹp và sức quyến rũ kỳ diệu của món quà này.
Đó cũng là một cách khơi lại cái nhìn chiêm ngiệm, cái nhìn đã tìm thấy sự diễn tả trọn vẹn nhất trong Bài ca Mặt Trời của Thánh Phanxicô Assisi, cách đây 800 năm.