
Hồng Thủy – Vatican News
George Aslan thuộc Đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân đã đặt câu hỏi về thông tin cho rằng nhà thờ này sẽ được cải tạo và biến thành một đền thờ Hồi giáo. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà thờ này không chỉ về mặt lịch sử và văn hóa mà còn về ý nghĩa tôn giáo đối với cộng đồng Armenia, đồng thời đặt câu hỏi liệu quyết định này có vi phạm tính đa tôn giáo và đa văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Nhà thờ Ani
Nhà thờ chính tòa Ani đã trải qua nhiều lần thay đổi mục đích sử dụng trong lịch sử, bao gồm việc trở thành đền thờ Hồi giáo sau khi người Seljuk chiếm được thành Ani vào thế kỷ 11, và sau đó lại được sử dụng cho mục đích Kitô giáo khi các triều đại Armenia tiếp quản thành phố.
Gần đây, các cơ quan truyền thông nhà nước đã đưa tin rằng nhà thờ này sẽ được cải tạo thành một đền thờ Hồi giáo mà không đề cập đến lịch sử Kitô giáo của nhà thờ. Điều này gây lo ngại về việc tẩy xóa những dấu vết lịch sử này. Thậm chí, trong một bài báo của Anadolu Agency (Hãng thông tấn nhà nước), nhà thờ này chỉ được gọi là đền thờ Fethiye (đền thờ Chinh phục), mà không nhắc đến tên gọi Kitô giáo “Mẹ Thiên Chúa” của nhà thờ và không công nhận vai trò lịch sử của nhà thờ đối với người Armenia.
Chính sách chuyển đổi các địa điểm tôn giáo Kitô giáo thành đền thờ Hồi giáo
Việc chuyển đổi các địa điểm tôn giáo Kitô giáo thành đền thờ Hồi giáo trong những năm gần đây là một phần của chính sách quốc gia của tổng thống Erdoğan, nhằm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo và quên đi các di sản Kitô giáo lâu đời của đất nước. Việc chuyển đổi này cũng là một phần trong chiến lược chính trị để củng cố quyền lực và đánh lạc hướng công chúng khỏi các vấn đề kinh tế trong nước.
Tình trạng này đặt ra câu hỏi về tương lai của các công trình tôn giáo cổ xưa ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà quyền tự do tôn giáo đang bị thách thức, trong bối cảnh các hành vi bạo lực và đàn áp nhắm vào các cộng đồng Kitô giáo ngày càng gia tăng, ví dụ như vụ ám sát linh mục Andrea Santoro năm 2006 và giám mục Luigi Padovese năm 2010.a