Lời khẩn nguyện Ai Ca

Ảnh: Vatican Media

Lần giở lại Kinh Thánh, chúng ta thấy nỗi bi thương thẫm đầy lịch sử thánh. Có hẳn một thể văn Kinh Thánh gọi là ai ca, và đó cũng là đề tài rất thường gặp trong Kinh Thánh.


Vinh Hưng, OP

Có lần, một anh bạn bên Ý thấy tôi xem một bộ phim Việt Nam liền thốt lên rằng: “Sao buồn vậy! Phim gì mà toàn nước mắt, nhạc gì nghe thê lương quá!” Thế mà trong những ngày này, tôi đã nghe thấy, không phải từ phim ảnh mà từ cuộc đời thực, “Tiếng khóc từ Italia”[1] đầy nấc nghẹn và quá đỗi bi ai: Những hàng quan tài lặng lẽ, những con số tử thần tăng chóng mặt, đám tang không người thân, không thánh lễ, những gương mặt thất thần vì thống khổ.

Tối thứ Sáu 27/3/2020, Đức thánh cha Phanxicô ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi giữa quảng trường thánh Phêrô không một bóng người, thê lương đến khó mà ngăn được dòng lệ.

Lần giở lại Kinh Thánh, chúng ta thấy nỗi bi thương thẫm đầy lịch sử thánh. Có hẳn một thể văn Kinh Thánh gọi là ai ca, và đó cũng là đề tài rất thường gặp trong Kinh Thánh. Ai ca diễn tả sự than vãn, ai oán, bi thương, ức uất vì khốn quẫn, cùng cực, tiếc thương, ân hận, tội lỗi… của một cá nhân hay cộng đồng đang đau khổ vì tai ương, bệnh tật, chết chóc, kẻ thù hung hãn, chiến tranh tàn phá, nô dịch đọa đày… Đó là những đau thương cùng khốn mà sức lực con người không thể vượt qua nên phải giãi bày lên Chúa, xin Người đoái thương và giải thoát cho khỏi mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo (x. Tv 25,22).[2]

Sách Ai Ca (còn gọi là Ca Thương) là quyển sách thánh gồm 5 bài thơ loại văn tế, than vãn bi ai, thương khóc cho cảnh nước mất nhà tan, đền thờ bị phá hủy, kẻ chết la liệt giữa thành quách tan hoang, dân Chúa tủi nhục trong cảnh lưu đày. Còn trong các thánh vịnh thì thể loại ai ca chiếm phần đa số, khoảng 33 đến 48 thánh vịnh. Trong các sách khác, nhất là sách ngôn sứ, cũng thấp thoáng đây đó những lời khẩn nguyện ai ca. Rất nhiều lời khẩn nguyện này được dùng trong phụng vụ, đặc biệt là trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Khi chịu khổ hình trên thập giá, Đức Giêsu đã cầu nguyện bằng các thánh vịnh ai ca, như Tin Mừng ghi lại: “Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Êlôi, Êlôi, lama xabácthani!’ nghĩa là: ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’” (Mc 15,34; x. Tv 22,2); Bấy giờ “Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.’ Nói xong, Người tắt thở.” (Lc 23,46; x. Tv 31,6); “Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát!’” (Ga 19,20; x. Tv 69,22).

Lời khẩn nguyện ai ca thường mở đầu và nhắc lại những lời tán thán như Ôi Thiên Chúa; Ôi lạy Chúa; Lạy Chúa Trời, Lạy Chúa; Thân lạy Chúa; Muôn lạy Chúa… diễn tả nỗi khắc khoải mong Chúa đoái nghe lời cầu khẩn và nhìn đến cảnh đau thương cùng quẫn:

Lạy Chúa, xin lắng tai nghe lời con nói,
hiểu thấu điều con thầm thĩ nguyện xin.
Lạy Đức Vua là Thiên Chúa con thờ,
xin Ngài nghe tiếng con đang cầu cứu. (Tv 5,2-3)

Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa,
ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt? (Tv 10,1)

Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ?
Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?
(Tv 13,2)

Lạy Chúa, xin tỉnh giấc! Ngài cứ ngủ được sao?
Xin trỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi! (Tv 44,24)

Lạy Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện,
con khẩn nài, xin đừng nỡ làm ngơ,
xin để ý đến con và thương đáp lại. (Tv 55,2-3)

Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,
xin Ngài thương xót con,
này con đến ẩn náu bên Ngài;
dưới bóng Ngài, này con ẩn náu,
tới khi nào hết tai hoạ khổ đau. (Tv 57,2)

Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con,
vì thân con nghèo hèn túng quẫn. (Tv 86,1)

Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa:
“Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con!” (Tv 116,4)

Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,
muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. (Tv 130,1)

Lạy Đức Chúa, xin hãy nhìn xem:
giữa cảnh khốn cùng, ruột gan con đòi đoạn,
trái tim con thổn thức bồi hồi. (Ac 1,20)

Lạy Đức Chúa, từ thánh điện Ngài,
xin đoái nhìn, xin nghĩ đến chúng con;
lạy Đức Chúa, xin ghé tai nghe! (Br 2,16)

Lạy Chúa, xin khấng nghe!
Lạy Chúa, xin tha thứ!
Lạy Chúa, xin đoái thương! (Đn 8,19)

Trong lời khẩn nguyện ai ca, tác giả thường kể lể nỗi thống khổ đang phải chịu, lắm lúc hầu như kiệt sức và tuyệt vọng. Những lời kể khổ này một đàng rất thật và đơn sơ, đàng khác là để suy gẫm về ý nghĩa của khổ đau.

Lời than vãn, xin giãi bày lên Chúa,
nỗi ngặt nghèo, kể lể trước thiên nhan. (Tv 142,2)

Đường phố Xion đượm màu tang tóc,
chẳng còn ai trẩy lễ lên đền.
Cổng thành vắng lặng không một bóng.
Tư tế thở than, nữ trinh sầu thảm,
cả thành chìm ngập giữa đắng cay! (Ac 1,4)

Suối lệ tuôn trào đến mòn đôi mắt,
ruột gan tôi đòi đoạn, tâm can tôi rối bời;
vì con gái dân tôi rã rời tan nát,
còn lũ sơ sinh và bầy trẻ dại
gục ngã khắp quảng trường. (Ac 2,11)

Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con,
và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng.
Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng,
khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. (Ac 3,19-20)

Rên siết đã nhiều, nên con mệt mỏi,
trên giường ngủ, những thổn thức năm canh,
từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối,
mắt hoen mờ vì quá khổ đau. (Tv 6,7-8a)

Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
Dù con thảm thiết kêu gào,
nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!
Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng,
đêm van Ngài mà cũng chẳng yên. (Tv 22,2-3)

Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. (Tv 39,6-7a)

Mọi kẻ ghét con đều bàn tán thì thào,
tưởng tượng con mắc bệnh gì ghê gớm:
Chứng nan y thâm nhập nó rồi,
đã liệt giường là không dậy nổi đâu!” (Tv 41,8-9)

Nghe trong mình tim đau thắt lại,
bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con.
Bao run sợ nhập cả vào người,
cơn kinh hãi tư bề phủ lấp. (Tv 55,5-6)

Lửa chiến chinh hủy diệt đời trai tráng,
thiếu nữ chẳng còn được nghe điệu vu quy!
Hàng tư tế bị gươm đao sát hại,
góa phụ thương chồng mà chẳng được khóc than! (Tv 78,63-64)

Vì hồn con ngập tràn đau khổ,
mạng sống con âm phủ gần kề,
thân kể như đã vào phần mộ,
ví tựa người kiệt sức còn chi!
Con nằm đây giữa bao người chết,
như các tử thi vùi trong mồ mả. (Tv 88,4-6)

Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi. (Tv 90,10)

Tim héo hắt tựa hồ cỏ giập,
nên chẳng còn tưởng đến miếng ăn.
Vì con những kêu gào rên rẩm,
mà thân thể chỉ còn da bọc xương. (Tv 102,5-6)

Chúng con đợi hòa bình nhưng chẳng thấy may lành chi hết,
mong tới thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh. (Gr 14,19)

Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết,
lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn,
chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa
để chúng con được Chúa xót thương. (Đn 3,38)

Chuyện vừa lọt tai, ruột đã rối bời bời,
mới nghe điều đó, môi miệng con run rẩy,
bệnh mục xương đã nhập vào mình,
chân lảo đảo không còn vững bước. (Kb 3,16)

Lời khẩn nguyện ai ca cũng thường diễn tả tâm tình thống hối khi coi những khốn khó đang phải chịu là hậu quả của tội lỗi cá nhân hay cộng đồng. Thú nhận tội lỗi với lòng sám hối là để đáng được Chúa tha thứ, cứu chữa và ban cho được sống:

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi
thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.
Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa”
Và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con. (Tv 32,3.5)

Tội đã phạm, con xin xưng thú
lỗi lầm vương phải, con áy náy băn khoăn. (Tv 38,19)

Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài. (Tv 51,5-6)

Cùng các bậc tổ tiên, chúng con đã phạm tội,
đã ở bất công, làm điều gian ác. (Tv 106,6)

Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế,
mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ.
Tất cả chúng con héo tàn như lá úa,
và tội ác chúng con đã phạm,
tựa cơn gió, cuốn chúng con đi. (Is 64,5)

Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác
và cha ông sai lỗi đã nhiều.
Quả chúng con đều đắc tội với Chúa. (Gr 14,20)

Quả chúng con đã phạm tội,
đã làm điều gian ác khi dám lìa xa Ngài.
Trong mọi sự, chúng con đã nặng nề sai lỗi. (Đn 3,29)

Lời khẩn nguyện ai ca tuy đa sầu nặng khổ nhưng không tuyệt vọng. Chen giữa những cung bậc bi ai, lại vang lên thanh âm của hy vọng, và thường kết thúc với niềm cậy trông tín thác vào Thiên Chúa quyền năng và lân tuất:

Phần con đây, con tin cậy vào tình thương Chúa,
được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng.
Con sẽ hát bài ca dâng Chúa, vì phúc lộc Ngài ban. (Tv 13,6)

Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa
cho thế hệ tương lai,
truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người,
rằng: “Đức Chúa đã làm như vậy!” (Tv 22,31-32)

Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo. (Tv 30,4.6b)

Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa,
Người sẽ đỡ đần cho,
chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ. (Tv 55,23)

Lạy Chúa là sức mạnh của con, xin đàn hát mừng Ngài,
bởi Ngài là thành luỹ bảo vệ con,
lạy Thiên Chúa, Đấng đầy lòng yêu mến. (Tv 59,18)

Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel,
từ muôn thuở cho đến muôn đời.
toàn dân hãy hô lớn: Amen! Amen! (Tv 106,48)

Khi gặp bước ngặt nghèo,
Họ kêu lên cùng Chúa,
Người đưa tay kéo họ
ra khỏi cảnh gian truân. (Tv 107,6.13.19.28)

Uớc chi họ dâng lời cảm tạ
vì tình thương của Chúa,
và vì những kỳ công
Chúa đã thực hiện cho người trần. (Tv 107,8.15.21.31)

Bao kẻ lành xúm lại mừng con
Vì con đã được Ngài thi ân giáng phúc. (Tv 142,8)

Lượng từ bi Đức Chúa đâu đã cạn,
lòng thương xót của Người mãi không vơi.
Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới.
Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!
Tôi tự nhủ: “Đức Chúa là phần sản nghiệp của tôi,
vì thế nơi Người, tôi trông cậy.” (Ac 3,22-24)

Đức Chúa là Chúa Thượng, làm cho tôi thêm mạnh sức,
cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai,
và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời. (Kb 3,19)

Trong cơn ngặt nghèo khốn quẫn, người tín hữu có thể chọn những lời khẩn nguyện ai ca để đọc, suy niệm và cầu nguyện, hầu tìm được niềm ủi an và cậy trông nơi Chúa. Xin được giới thiệu một số lời khẩn nguyện ai ca: Lời kêu than của người lành (Tv 13); Người lành gặp đau khổ (Tv 22); Xin ơn tha thứ và cứu thoát (Tv 25); Lời khẩn cầu của người sầu khổ (Tv 31); Kẻ liệt lào hy vọng nơi Chúa (Tv 39); Lời cầu của bệnh nhân (Tv 41); Chúa là nơi ta nương ẩn (Tv 46); Lời nguyện thống hối (Tv 51); Lời cầu trong cơn quẫn bách (Tv 86); Cầu xin trong lúc ngặt nghèo (Tv 88), Kiếp người phù du (Tv 90); Than van rên siết trong cảnh gian truân (Tv 102); Tiếng kêu từ vực thẳm (Tv 130); Bên bờ sông Babylon (Tv 137); Lời cầu trong cơn nguy biến (Tv 141); Chúa là nơi trú ẩn (Tv 142); Lời cầu xin lúc gặp hiểm nguy (Tv 143); Lời than thở nguyện cầu của ông Tôbít (Tb 3,1-6); Suy niệm lịch sử Israel (Is 63,7–64,11); Ai ca của Giêrêmia (Gr 14,17-22); Bài ai ca thứ năm (Ac 5,1-22); Thánh ca của Adaria trong lò lửa (Đn 3,24-45); Ai ca của ngôn sứ Khabacúc (Kb 3,1-19); Giôna cầu nguyện từ trong bụng cá (Gn 2,3-10).

Nhiều bài thánh ca đã lấy ý tưởng từ các lời khẩn nguyện ai ca: Thánh vịnh 50/51– Thái Nguyên;[3] Trong ngày thảm sầu (Tv 76/77) – Kim Long;[4] Đấng từ bi (Tv 102/103) – Viết Chung;[5] Thánh vịnh 129/130 – Thái Nguyên;[6] Thân phận lưu đày (Tv 136/137) – Tiến Dũng-Đỗ Xuân Quế;[7] Trong gian truân (Gn 2,3-10) – Kim Long-Hoàng Khánh;[8] You raise me up (Tv 41?).[9]

Thánh Ambrôsiô đã diễn giải thật tuyệt vời về ý nghĩa phong phú và sức mạnh thần thiêng của lời cầu nguyện bằng thánh vịnh:[10]

“Thánh vịnh là tiếng nói của Hội Thánh, là lời tuyên tín vang lừng, là lòng sùng mộ đầy tràn và đích thực, là niềm hoan hỷ của con người tự do, là tiếng reo mừng, và là âm vang của niềm hoan hỷ. Thánh vịnh làm nguôi cơn giận, giúp trút bỏ gánh âu lo, làm vơi nỗi ưu phiền. Thánh vịnh là khí giới ban đêm, là thầy dạy ban ngày, là khiên che lúc sợ hãi, là lễ hội thánh thiện, là hình ảnh của yên tĩnh, là bảo chứng của bình an hoà thuận. Tựa cây huyền cầm, thánh vịnh tấu lên một ca khúc duy nhất gồm nhiều giọng khác nhau. Mặt trời ló rạng, tiếng thánh vịnh ngân lên. Mặt trời ngả bóng, tiếng thánh vịnh còn vang dội.

Thánh vịnh là gì nếu không phải là cây đàn các nhân đức mà vị ngôn sứ khả kính đã dùng cái vĩ của Thánh Thần mà tấu lên, cho điệu nhạc êm ái của trời cao được ngân vang trên trái đất? Vua Đavít đã dạy chúng ta phải ca lên trong lòng, phải đàn hát trong lòng… Vì thế, để cho linh hồn mình được cứu chuộc, thánh ngôn sứ đã tự nhắc nhở là phải đàn hát. Người nói:

Lạy Thiên Chúa, con dạo khúc hạc cầm,
tạ ơn Ngài thành tín.
Gảy cung tỳ bà, con ngâm vịnh
kính dâng Ngài, lạy Đức Thánh của Israel.
Miệng con sẽ reo hò theo nhịp đàn mừng Chúa.
Hồn con nữa, hồn con Ngài cứu chuộc,
cũng vui sướng hò reo.”[11]

Giữa cảnh tang thương và sợ hãi này, lời cầu nguyện ai ca sẽ có sức ủi an và khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng vào Thiên Chúa quyền năng và lân tuất mà duy chỉ mình Người mới là tiếng nói cuối cùng của mọi thăng trầm trong lịch sử.