LINH MỤC
Thư của Chánh tòa ân giải tối cao gửi các linh mục giải tội dịp lễ phục sinh 2020
Tác giả: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ penitenzieria.va
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ phải viết một lá thư cho Tòa ân giải và cho tất cả các cha giải tội, trong thời điểm xảy ra đại dịch, với những hạn chế và cách ly xã hội, tại nhiều quốc gia, được yêu cầu để ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch.
Tuy nhiên, lòng thương xót thì không dừng lại và Thiên Chúa không bị tách xa.
Cách ly xã hội cần thiết vì lý do sức khỏe, nhưng không thể và không bao giờ bị biến thành cách ly với Giáo hội, càng không thể biến thành cách ly thần học – bí tích.
Theo nghĩa này, trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Ân Giải đã ban hành một Sắc lệnh vào ngày 19/3, với một Lưu ý để làm rõ ý nghĩa của việc ban các ân xá nhằm hỗ trợ công việc của các cha Giải tội và các Thừa tác viên thánh chức đang ở tuyến đầu cạnh các bệnh nhân, những người đang hấp hối và tất cả các nhân viên y tế.
Lòng thương xót không dừng lại vì lý do không thể cử hành các bí tích như thường lệ, chúng ta được cam kết để cầu nguyện, an ủi, để dâng các linh hồn cho Lòng Thương Xót Chúa, bằng cách hoàn thành vai trò trung gian của linh mục được phong ban cho chúng ta trong ngày truyền chức.
Lòng thương xót không dừng lại bởi vì tất cả chúng ta cần sự gần gũi và ” âu yếm” của Chúa Giêsu, được cụ thể hóa trong giây phút lắng nghe và đối thoại, có khả năng mở ra một viễn tượng đầy hy vọng và ánh sáng trong hoàn cảnh thử thách này.
Lòng thương xót không dừng lại mà được thể hiện trong sự sáng tạo mục vụ của tất cả anh em linh mục đang cố gắng bằng mọi cách để làm cho mình được gần gũi với những người được trao phó cho mình, khi làm chứng cho đức tin, lòng can đảm, tình hiền phụ, bằng cách sống chức linh mục của họ cách trọn vẹn.
Lòng thương xót không dừng lại mà được thể hiện qua những cử chỉ âu yếm nhỏ nhặt và yêu thương trọn vẹn dành cho những người nghèo nhất: cho những người chết trong bệnh viện, các nhân viên y tế, người đang cô đơn và hoảng sợ, những người không có nhà ở đang trải qua thời gian cách ly hoặc những người không thể sống sót.
Lòng thương xót không dừng lại vì hy lễ của Thánh lễ không dừng lại, ngay cả khi được cử hành không có sự hiện diện thể lý của con người, từ đó mọi ân sủng tuôn trào cho Giáo hội và thế giới. Từ Thập giá, hy lễ đổ máu của Chúa Kitô, khả năng cứu độ và hòa giải đã được ban cho tất cả mọi người; qua việc cử hành Thánh Thể, hy lễ không đổ máu, tái hiện thực hy lễ đổ máu của Chúa Kitô, cũng tuôn trào ơn cứu độ như vậy. Theo nghĩa này, dù trong hoàn cảnh bi thương hiện nay, chúng ta được mời gọi tái khám phá tính trung tâm của chức vụ linh mục và nhất là khám phá điều thiết yếu nơi đó : công việc của Chúa Kitô hơn là của chúng ta, thực thi bí tích cứu độ, mà chúng ta là các thừa tác viên, là những người phục vụ.
Lòng thương xót không dừng lại mà được thể hiện trong mọi cân nhắc do đại dịch thúc đẩy, trong việc tái khám phá các giá trị đáng sống và đáng chết, trong việc tái khám phá sự thinh lặng, chầu thánh thể và cầu nguyện, trong việc khám phá lại sự gần gũi với người khác và nhất là với Thiên Chúa.
Lòng thương xót không dừng lại trong việc cử hành phụng vụ thánh, là hiện thực hóa cách trung thành các mầu nhiệm cứu rỗi nhưng trở nên đức ái sống động, rộng tay giúp đỡ những người đau khổ và ơn thứ tha của Thiên Chúa được trao ban trong chức vụ linh mục.
Lòng thương xót không dừng lại ngay cả với những người đã được kêu gọi về cõi đời đời, bởi vì mỗi người trong đó đều đạt được ân sủng nhờ lời kinh chuyển cầu trong niềm tin chắc rằng cái chết không phá vỡ các mối tương quan nhưng được biến đổi, củng cố trong sự hiệp thông với các thánh.
Chúng ta phó thác thời gian này, chức vụ Hòa giải và Lễ Phục sinh bất thường này cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ, Mẹ của Đấng Xót thương, trong niềm xác tín vào sự bầu cử của Mẹ, để sự sống mới được ban cho hết thảy mọi người, là ước mong của người tín hữu và của con người.
Nguồn: gpquinhon.org