Tình Yêu Phát Lộ Trong Cơn Đại Nạn

CARITAS – BÁC ÁI XÃ HỘI

Tình Yêu Phát Lộ Trong Cơn Đại Nạn

Tác giả: Linh mục Seoka

Kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trong khi cả thế giới phải gồng mình đối phó với cơn đại dịch kinh hoàng do Virus Corona chủng mới gây ra, thì người dân Miền Tây Việt Nam lại còn phải gồng gánh thêm một cơn đại nạn “khát nước” chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua. Khiến cho đời sống người dân bị đảo lộn tất cả, bởi nguồn nước ngọt trở nên cạn kiệt do hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong tháng 3 dòng chảy từ đầu nguồn sông Mekong về tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn ở mức rất thấp, xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt người dân. Dự đoán hạn mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những tháng tiếp theo. 

Với kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp hàng chục năm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã nhận xét hạn mặn năm nay “gay gắt chưa từng thấy”. Ông đánh giá “Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi”. 

Theo nguồn thông tin trên các báo đài thì hiện nay để có nước sinh hoạt, người dân ở các tỉnh ven biển, nhất là Bến Tre buộc phải mua lại nước ngọt từ những người chuyên chạy xe bồn để lấy nước ở các khu vực xa hơn. Với mỗi khối nước, người dân có thể phải chi trả mức giá dao động từ 100.000-150.000 VNĐ, tùy khoảng cách đường gần xa. Thậm chí có những nơi phải mua nước với mức giá 200.000 VNĐ/ khối nước.  

Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ gia đình ở khu vực hạn mặn như tỉnh Bến Tre phải chi trả thêm ít nhất 500.000-1,5 triệu đồng để có đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên, có lúc có tiền muốn mua nước cũng không thể có ngay lập tức, mà người dân phải gọi điện đặt hàng trước hoặc chạy tới nhà người cung cấp kêu chở. Bà Lan, ngụ tại xã Bình Thành tỉnh Bến Tre thở dài nói rằng “có khi 2-3 ngày họ mới chở cho mình, vì ưu tiên người đặt trước”. 

Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tính đến giữa tháng 2/2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng của hạn mặn. So với đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 khiến 600.000 người dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, 160.000 ha đất nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng, hạn, mặn năm nay được cho là sớm hơn 1 tháng và nguy cơ vượt ngưỡng năm 2016 là hoàn toàn có thể xảy ra. (báo Kinh tế & Xã hội, 18/02/2020).

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết: nước mặn có thể xâm nhập sâu vào đất liền từ 95-100 km, với độ mặn là 4-5%. Do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn khốc liệt của năm nay,  khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng. Lúa vụ Đông Xuân nơi nào gieo mạ sớm cũng chỉ thu hoạch được 20%. Nếu tình trạng này kéo dài, lúa và hoa màu, cây ăn trái cũng sẽ chết hết, chưa kể hàng trăm ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu lương thực, nước uống và gây ra cảnh nợ nần.

Trong tình cảnh đại nạn chồng chất đại nạn này, có lẽ điều quan trọng lúc này không phải là thời điểm chúng ta ngồi lại để đặt vấn đề, bàn cải xem ai là người gây nên những hiểm họa cho nhân loại, để rồi lên án kết tội nhau, cho bằng chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết chung tay giúp sức vượt qua những ngày dài gian khó.

Lưu tâm trước nguy cơ thiếu gạo và nước uống của người dân sống trên địa bàn Giáo Phận Cần Thơ, Đức Giám Mục đã thiết tha kêu gọi mọi người, nhất là bà con giáo dân hãy tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách: Nạo vét kinh mương, khơi thông dòng chảy; đào ao trữ nước ngọt tưới tiêu; xây và mua thêm bồn chứa nước… Nhất là ý thức chung tay gìn giữ và bảo vệ môi trường, ngôi nhà chung của nhân loại.


Trong 14 ngày cách ly này và rất có thể nhiều ngày nữa, sẽ có những hộ gia đình phải chịu cảnh thiếu hụt lương thực và nước uống. Nhìn thấy trước tình cảnh ấy, Đức Giám Mục cũng đã nhanh chóng gửi đến mỗi Họ đạo gần 1.000 kg gạo, cũng như nhiều bồn nhựa trữ nước, với mong muốn trợ giúp cho những hộ nghèo phải làm mướn kiếm sống hàng ngày, tạm thời vượt qua được thời điểm khó khăn này. Thật cảm động và trân quý biết bao trước tấm cao quý mà vị Cha chung của Giáo Phận Cần Thơ đã dành cho đoàn con!


Có thể nói chưa bao giờ hành động yêu thương, hiệp nhất, tương trợ và sẻ chia được coi trọng như lúc này. Phải chăng đây cũng là sứ điệp mạnh mẽ nhất mà Thiên Chúa muốn gửi đến nhân loại chúng ta ngang qua những cơn đại nạn này.

Ý thức điều đó nên trong lời cầu xin cho cơn đại dịch Covid-19, cũng như đại hạn Miền Tây sớm mau qua, chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả nhân loại biết mau quay về với cội nguồn của “tình yêu”.  Bởi có yêu Chúa con người mới biết khiêm tốn bỏ đi những ý riêng ích kỷ mà vâng theo thánh ý tốt lành của Thiên Chúa; Có yêu người chúng ta biết trân quý bảo vệ sự sống và tôn trọng phẩm giá con người. Chính nhờ yêu thương, chúng ta mới biết hy sinh góp phần xây dựng cuộc sống này thật sự nhân bản hơn. Yêu thương chính là giải pháp căn cơ nhất để nhân loại vượt qua mọi hiểm nguy, không phải chỉ trong cơn dịch và đại hạn này, nhưng phải kéo dài mãi trong suốt cuộc đời của chúng ta.

 

Nguồn: gpcantho.com