Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích , Phần 2

2. BẢN CHẤT ĐỐI THOẠI CỦA NHIỆM CỤC BÍ TÍCH CỨU RỖI

15. [Nhập đề: kế hoạch và mục tiêu]. Trong chương này, chúng ta thực hiện một cuộc đột nhập tổng quát 2 mặt nhằm biện phân tính hỗ tương hiện có giữa đức tin và các bí tích. Trong phần đầu tiên, chúng ta xem xét nhiệm cục thần linh, bằng cách khám phá trong đó một bản chất bí tích [11]. Điều này cho phép chúng ta đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về bí tích như một chiều kích cấu tạo ra nó. Việc bàn tới tính bí tích như vậy tự nó đòi hỏi việc đào sâu đức tin, do đó, làm nổi bật mối liên kết qua lại giữa đức tin và tính bí tích và, cụ thể hơn, cả giữa đức tin và các bí tích nữa. Chúng ta kết thúc phần này với một bản tóm lược các trục cấu thành nhiệm cục bí tích hết sức đặc trưng trong trình bầy của chúng ta. Điều này soi sáng, trước tiên, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích. Trong phần thứ hai, chúng ta tạm dừng lại để xem xét đức tin, một mặt, và các bí tích đức tin đúng nghĩa, mặt khác, tuy nhiên cho thấy, trong cả hai trường hợp, mối liên kết hiện hành mật thiết giữa đức tin và các bí tích. Đức tin được xếp đặt như một thành phần cấu tạo ra việc cử hành bí tích. Bản chất đối thoại của các bí tích kêu gọi một đức tin thỏa đáng trong việc cử hành chúng. Cả hai phần của chương này đều có một chiều hướng bổ sung cho nhau, giúp chúng ta trình bầy cả chiều rộng lẫn chiều sâu của tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích, với những hệ luận khác nhau. Chương này kết thúc bằng một kết luận ngắn gọn.

2.1. Thiên Chúa Ba Ngôi: Nguồn và cùng đích của nhiệm cục bí tích

a) Nền tảng Ba Ngôi của tính Bí tích

16. [Tính bí tích: khái niệm]. Thuộc luận lý học bí tích là mối tương quan qua lại không thể tách biệt giữa một thực tại quan trọng, với một chiều kích hữu hình bên ngoài, tức nhân tính toàn diện của Chúa Kitô, và một ý nghĩa nữa có đặc tính siêu nhiên, vô hình, có sức thánh hóa, tức thần tính của Chúa Kitô [12]. Khi chúng ta nói tới tính bí tích, chúng ta có ý nói đến mối tương quan không thể tách rời này, theo cách biểu tượng bí tích chứa đựng và thông truyền thực tại được biểu tượng. Điều này giả thiết: mọi thực tại bí tích đều bao gồm trong chính nó một mối tương quan không thể tách rời với Chúa Kitô, nguồn cứu rỗi, và với Giáo hội, kho chứa và phân phát ơn cứu rỗi của Chúa Kitô.

17. [Thiên Chúa Ba Ngôi: nguồn gốc]. Sự hiểu biết luận lý học bí tích đòi có sự hiểu biết về cách thức hoạt động của nhiệm cục cứu rỗi, vốn xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, tức sự hiệp thông của những ngôi vị khác biệt nhau trong sự hợp nhất của một bản thể thần linh duy nhất, và từ việc phập thể đầy cứu chuộc, trong đó Ngôi Lời vĩnh cửu, trong khi không gây hại gì cho thần tính không giới hạn của Người, mặc lấy nhân tính của chúng ta với tất cả mọi hậu quả của nó. Khuôn khổ này khẳng định rõ ràng sự hiện diện của chính Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời được Chúa Cha sai đến, Đấng đã nhập thể từ Đức Trinh Nữ Maria bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Cuộc gặp gỡ với nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Thánh Thần xức dầu để thi hành sứ mệnh công khai của Người, nhờ đức tin, là một cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời nhập thể. Chính với những chìa khóa này, chúng ta hiểu được làm thế nào một lời ta cảm thấy, có tính bí tích, được con người chúng ta tri nhận được, đồng thời lại là lời chân thật của Thiên Chúa. Con người phàm nhân chỉ có khả năng tri nhận, trải nghiệm và truyền đạt theo cách “con người”, cả để có thể bước vào mối tương quan với Thiên Chúa. Làm thế nào các dấu hiệu bí tích hoặc những lời thánh thiêng của Kinh thánh không chỉ là những sáng tạo của con người mà còn chứa đựng sự hiện diện của chính Thiên Chúa? Để có được sự truyền đạt thực sự, việc gửi một sứ điệp là điều không đủ; còn cần có sự tiếp nhận nữa. Nếu Thiên Chúa Cha đã nói chuyện với chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô và không ai từng nghe được sứ điệp (đức tin) của Người, thì sự thông đạt giữa Thiên Chúa và nhân loại sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, theo lời chứng của Tân Ước, bất cứ ai bước vào mối tương quan với con người Giêsu đều có tương quan với chính Thiên Chúa, với Ngôi Lời nhập thể. Chính Chúa Thánh Thần hoạt động theo cách Lời của Thiên Chúa, dù bị giới hạn bởi nhân tính của Chúa Giêsu, vẫn được các tín hữu tri nhận là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô thành Nazianzus đã phát biểu thực tại này như sau: “Từ ánh sáng là Chúa Cha, chúng ta hiểu Chúa Con trong ánh sáng, điều này hiện hữu trong Chúa Thánh Thần”. Và ngài nói thêm: “[đó là nền] thần học ngắn gọn và đơn giản về Thiên Chúa Ba Ngôi” [13].

18. [Đức tin như một tiếp nhận mặc khải bí tích trong đối thoại]. Do đó, không những có việc không thể tách rời nhân tính của Chúa Giêsu với Lời của Thiên Chúa, mà còn có việc các tín hữu tiếp nhận (đức tin) Lời này như là thần linh nhờ sự can thiệp của Chúa Thánh Thần. Luận lý học bí tích nằm ở chính đó, nhờ thế, chính Thiên Chúa tự hiến mình Người trong các bí tích. Tính bí tích đệ nhất đẳng của Chúa Giêsu Kitô, một tính bí tích xuất phát từ Giáo hội và tính bí tích của bảy bí tích được đặt cơ sở trên đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Chỉ khi nào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, Người mới có thể mặc khải cho chúng ta bộ mặt của Thiên Chúa. Nhưng trong trường hợp này, hiệp thông bí tích với Chúa Giêsu Kitô là hiệp thông bí tích với Thiên Chúa. Nếu Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa thật, thì Người có thể mở lòng chúng ta đón nhận Thiên Chúa và dẫn chúng ta vào sự sống thần linh qua các dấu chỉ bí tích [14].

19. [Triển khai tính bí tích]. Vì sự mặc khải xảy ra theo cách bí tích, nên yếu tố bí tích phải thẩm thấu vào mọi hiện hữu tin và chính đức tin. Thực thế, tính bí tích của mặc khải, của ơn thánh và của Giáo hội được tiếp theo sau bởi tính bí tích của đức tin, hiểu như một việc chào đón và đáp lại sự mặc khải này (DV 5). Đức tin được phát sinh, được vun đắp, lớn lên và tự phát biểu trong tính bí tích, trong cuộc gặp gỡ đó với Thiên Chúa hằng sống qua các phương tiện nhờ đó Người tự ban chính mình Người. Như vậy, tính bí tích là nhà của đức tin. Nhưng trong tính năng động này, đức tin cũng tự tỏ mình như cánh cửa (xem Công vụ 14:27) để tiếp cận thể bí tích: để gặp gỡ và tương quan với Thiên Chúa Kitô trong sáng thế, trong lịch sử, trong Giáo hội, trong Kinh thánh [15], trong các bí tích. Không có đức tin, các biểu tượng của bản chất bí tích không hiện thực hóa được ý nghĩa của chúng, chúng hoàn toàn câm lặng. Tính bí tích ngụ ý sự thông đạt và sự hiệp thông bản vị giữa Thiên Chúa và tín hữu qua Giáo hội và các trung gian bí tích.

20. [Tương quan qua lại của tính bí tích với nhân học]. Con người là một tinh thần nhập thể [16]. Con người chúng ta không chỉ là vật chất vô tri vô giác hay tinh thần không có thân xác như thiên thần. Điều xác định chính xác nhất cho chúng ta là sự kết hợp bổ sung giữa thân xác – vật chất, hữu hình và tinh thần-không thân xác, vốn không tách rời khỏi vật chất và được biết đến nhờ vật chất. Trường hợp khuôn mặt bản thân, vốn là biểu thức của một thân xác vật chất, nói lên một cách tuyệt vời sự kết hợp này giữa hữu thể vật chất của chúng ta, tức khuôn mặt, và thực tại tinh thần, tức trạng thái của tâm trí và nhân dạng bản thân. Khuôn mặt phát biểu toàn bộ con người. Cấu trúc bí tích của mặc khải thần linh nhắc nhớ thực tại chân thực nhất của chúng ta [17]. Nó rất ăn khớp với hữu thể căn để nhất của chúng ta, tức năng lực và cách chúng ta tương quan lại với nhau trong các chiều kích thông đạt sâu xa nhất. Những cuộc gặp gỡ sâu sắc nhất giữa những con người nhân bản luôn có tính chất liên bản vị trong bản chất. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tham dự vào bản chất này: đó là cuộc gặp gỡ bản vị với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tự tỏ mình ra trong Kinh thánh, trong Giáo hội và trong các dấu bí tích.

21. [Tính bí tích của Đức tin]. “Tính bí tích của đức tin”, xét về mặt căn bản, lặp lại những gì đã được nói về đức tin Kitô giáo, bởi vì trọn đức tin Kitô giáo là đức tin bí tích nhờ sự trung gian của Giáo hội khi chúng ta hành hương về quê hương thiên đàng. Đức tin là việc tiếp nhận và đáp ứng sự mặc khải bí tích của Thiên Chúa; và đức tin tự phát biểu và nuôi dưỡng chính nó một cách bí tích, không thể không làm như vậy để trở thành một đức tin Kitô giáo thực sự. Từ quan điểm này, các bí tích, về mặt căn bản, được hiểu như một hành vi đức tin của giáo hội. Đức tin của Giáo hội đi trước, tạo ra, duy trì và nuôi dưỡng đức tin của Kitô hữu. Về phần nó, đức tin không xa lạ với bí tích, nhưng được cấu thành trong chính bản chất của nó bằng sự thấm đượm và luận lý học bí tích. Do đó, trong mối tương quan giữa đức tin và các bí tích, hai yếu tố cùng bước vào hành động một cách hết sức hỗ tương: các bí tích, vốn giả thiết và nuôi dưỡng đức tin bản thân và đức tin giáo hội; và sự phát biểu đức tin cần thiết bằng bí tích. Các bí tích, do đó, được cấu hình như một loại biểu tượng truy niệm (anamnestic) nhằm cập nhật và làm cho đức tin hiển thị.

b) Tính bí tích của sáng thế và lịch sử

22. [Thiên Chúa Đấng Tạo Thế]. Theo chứng tá Kinh Thánh, sáng thế (xem St 1-2) là bước đầu tiên của nhiệm cục thần linh. Kitô giáo chủ trương đặc tính tự do của sáng thế. Thiên Chúa không sáng tạo vì cần thiết hoặc thiếu một điều gì đó, vì nếu như thế, Người đâu còn là Thiên Chúa nữa; nhưng chỉ vì tình yêu dư tràn mà Người vốn là, để phân phát ơn ích của nó cho những hữu thể có khả năng tiếp nhận chúng và đáp ứng bằng một luận lý học yêu đương vốn chủ trì trên sáng thế [18].

23. [Tính bí tích của sáng thế]. Chúa Cha thực hiện thiết kế sáng tạo qua Ngôi Lời và Ngôi Thánh Thần. Vì lý do này, chính sáng thế cũng chứa đựng dấu vết được định hình bởi Ngôi Lời và được Ngôi Thánh Thần hướng dẫn đến chỗ viên mãn trong cùng một Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa định hình dấu ấn của Người lên sáng thế, nên thần học đã nói tới một “tính bí tích của sáng thế” nào đó, theo nghĩa loại suy, miễn là, trong chính nó, trong hữu thể cấu thành tạo vật của chính nó, có sự qui chiếu tới Đấng tạo ra nó (xem Kn 13: 1-9; Rm 1: 19-20; Cv 14: 15-17; 17: 27-28), một điều cho phép nó sau đó được nâng cao và thành toàn trong công trình cứu chuộc mà không có sự áp đặt miễn cưỡng từ bên ngoài. Theo nghĩa này, người ta nói nó là cuốn sách thiên nhiên [19].

24. [Con người: Các đáp trả đối với Thiên Chúa]. Trong sáng thế hữu hình, con người nổi bật vì đã được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (St 1:26). Thánh Phaolô nhấn mạnh chiều kích Kitô học của hình ảnh này: chính Chúa Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1:15; 2 Cr 4: 4), vì Ađam đầu tiên là hình tượng của Đấng sắp tới (xem Rm 5:14). Điều này làm cho con người trở thành một hữu thể trong đó việc Thiên Chúa tự hiến mình Người trong sáng thế có thể tìm được một đáp ứng bản vị và tự do. Vì, trong hình ảnh của Thiên Chúa, con người càng thể hiện một cách thâm hậu chính hữu thể (bản sắc) của mình, họ càng tự hiến chính mình trong mối tương quan yêu đương (tính hướng về người khác).

25. Thực tại phong phú của con người nhân bản như imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa) bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó, nhờ giống Thiên Chúa, khả năng đáp ứng Thiên Chúa được nêu bật, vì được đồng hóa hữu thể mình với hữu thể thần linh [20]. Trong số các khía cạnh này, việc hiệp thông và phục vụ là những điều nổi bật [21]. Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi, trong yếu tính, là mối tương quan hiệp thông và liên bản vị, thì con người nhân bản, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, đã được tạo ra để sống trong hiệp thông và mối tương quan liên bản vị. Điều này đã được phát biểu một cách tuyệt vời trong sự khác biệt giới tính: “Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của chính Người, trong hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã tạo ra họ, Người đã tạo ra họ có nam có nữ ” (St 1:27). Do đó, con người nhân bản đạt được hữu thể riêng của mình khi họ triển khai tính tương quan và khả năng hiệp thông của họ: với những con người nhân bản khác, với sáng thế và với Thiên Chúa. Trong Chúa Giêsu Kitô, việc thực hiện năng động tính này của hiệp thông và tương quan tỏa sáng trong sự viên mãn của nó. Cuộc sống hiếu thảo được tỏ hiện nơi họ biểu lộ chiều cao trong ơn gọi nhân bản (x. GS 10, 22, 41).

26. Là một sinh vật có tương quan được tạo ra để hiệp thông, con người nhân bản có thể được định nghĩa bằng ngôn ngữ. Bây giờ, ngôn ngữ là một thực tại thuộc trật tự biểu tượng, một trật tự, một mặt, chỉ rõ việc phát biểu thực tại tự nó là gì (sáng thế của Thiên Chúa), và mặt khác, chỉ rõ việc thông đạt liên bản vị (hiệp thông). Là một hữu thể biểu tượng, được tạo ra giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người đạt tới thực tại chân thực nhất của mình khi họ lồng việc hiện thực hữu thể mình vào phạm vi chuyên biệt của phát biểu tượng trưng, trong đó, trọn sự phong phú của hữu thể họ được khai triển: như một hữu thể tạo dựng, như một hữu thể liên bản vị và như một hữu thể được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Một cách trung thực và hữu hiệu, các bí tích tập hợp, diễn tả, phát triển và củng cố khuôn khổ phong phú này.

27. Như một dấu hiệu hùng hồn chỉ phẩm giá và tình bạn của mình với Thiên Chúa, con người cũng có nhiệm vụ thi hành việc ủy quyền cai quản sáng thế (St 2:15; xem 1:28; Kn 9: 2), đặt tên cho tất cả các tạo vật khác (St 2: 19-20) và chăm sóc chúng theo kế hoạch của Thiên Chúa [22]. Vì lý do này, hoạt động của con người trên thế giới hướng tới việc tôn vinh Thiên Chúa, thừa nhận trong đó dấu ấn của Đấng Tạo Hóa (x. GS 34). Theo cách này, con người nhân bản dẫn dắt sáng thế thông qua một loại “chức linh mục vũ trụ” hướng tới mục đích thực sự của nó: biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa.

28. [Tính bí tích của lịch sử]. Ý Thiên Chúa ước ao thông truyền các ơn phúc của Người không bị hạn chế ở việc để lại dấu ấn tình yêu của Người trong sáng thế. Câu chuyện dân Israel như một toàn thể có thể được coi một cách thích đáng như một câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân của Người. Trong lịch sử này, một số biến cố đặc biệt nổi bật, dự kiến các khía cạnh chủ yếu, cho thấy mối tương quan bí tích của Thiên Chúa với dân của Người, mối tương quan sẽ đạt đến đỉnh cao nơi Chúa Kitô. Trong tất cả các biến cố này, có việc có thể tri nhận một cách hữu hình cách thức Thiên Chúa liên hệ với dân của Người, ban ơn thánh cho họ. Do đó, một loại ngữ pháp đầu tiên cho việc cấu thành ngôn ngữ bí tích Sensu stricto (theo nghĩa hẹp) sau này đã được phát hiện trong chúng. Trong số những biến cố này, những biến cố có thể được chúng ta đọc một cách bí tích, ta thấy: việc chọn Ápraham, Đavít và dân Do Thái, và hồng phúc Lề Luật, vốn sẽ trở thành nền tảng của mọi ngôn từ bí tích; nhiều liên minh, trong một thiết kế thần linh duy nhất, trong đó một mối tương quan mới được thiết lập giữa Thiên Chúa và nhân loại, và trong đó, tính bí tích hoạt động một cách đặc biệt; việc giải phóng Dân Do Thái khỏi Ai Cập, việc lưu đầy và trở về Giêrusalem, trong đó, ơn cứu rỗi tương lai của Chúa Kitô được dự đoán một cách mới mẻ, khi chức năng bí tích của Giáo hội được trình bầy bằng hình tượng (Typos=tiên trưng); sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người trong Nhà tạm và trong Đền thờ, một sự hiện diện sẽ nhận được một nồng độ đặc biệt nơi Chúa Kitô và các bí tích Kitô giáo. Israel sẽ ghi nhớ và hiện thực hóa nồng độ hiện diện này của Thiên Chúa qua các nghi thức thờ phượng khác nhau (thí dụ: các hy lễ), các dấu hiệu thánh thiêng (thí dụ: cắt bì) và ngày lễ (thí dụ, Lễ Vượt Qua), luôn được soi sáng bằng việc đọc Lời Chúa. Thần học Kitô giáo gọi các thực tại này là các bí tích của Luật cũ và gán cho chúng một đặc tính cứu rỗi bằng cách qui chiếu chúng vào Chúa Kitô [23] và theo tỷ lệ với đức tin của những người cử hành chúng (ex opere operantis). Do đó, người ta phát hiện ra rằng chính lịch sử cứu rỗi cũng đã có tính chất bí tích nào đó rồi [24]. Thông qua các biến cố lịch sử, các dấu hiệu và lời nói, liên kết chặt chẽ với nhau, chính Thiên Chúa đến gần với dân Người và truyền đạt cho họ ý chí, tình yêu, sự sủng ái của Người, cùng một lúc với việc Người chỉ cho họ thấy con đường làm bạn với Thiên Chúa và cuộc sống chân thật nhất của con người.

29. [Tội lỗi]. Trong suốt lịch sử, nhiều tín hữu của mọi thời đại đã sống trong tình bạn với Thiên Chúa, chấp nhận hồng phúc của Người và đáp lại một cách quảng đại lòng thương xót và lòng trung thành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều cũng đúng là, bất chấp sự nài nỉ của Thiên Chúa, con người không phải lúc nào cũng chấp nhận lời đề nghị yêu thương này. Ngay từ đầu, không những có cơn cám dỗ bỏ qua con đường tình bạn với Thiên Chúa, như là phương tiện tốt nhất để thể hiện điều thực sự con người là, mà cả lời đề nghị của Người cũng bị bác bỏ (St 3). Lịch sử Israel và lịch sử của nhân loại, có thể được hiểu như một cuộc tìm cách háo hức để Thiên Chúa tái chinh phục tình bạn thân thiết với con người khi nó bị đánh mất (xem: Edk 16). Từ điều này, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc này: nhiều dấu hiệu văn hóa trong trật tự cứu độ của Cựu Ước chứa đựng ý nghĩa của đền tội hoặc hòa giải với Thiên Chúa (thí dụ: lễ thanh tẩy chay, lễ hiến sinh).

Kỳ sau: c) Nhập thể: Trung tâm, đỉnh cao và chìa khóa dẫn vào nhiệm cục bí tích