Vào ngày 25 tháng 2, hơn hai mươi thầy đang trong tiến trình huấn luyện, đã bị buộc phải chạy trốn khỏi Chủng viện Thánh Tâm, cách Kyiv 30 km về phía đông sau khi quân đội Liên bang Nga chiếm giữ Sân bay Quốc tế của thủ đô và tiến đến Vorzel.
Cướp bóc và thiệt hại
Sau khi chủng viện bị thiệt hại do hai đợt pháo kích bằng súng cối, những binh lính tiến vào các tòa nhà và lấy đi bất cứ thứ gì có thể. Họ thậm chí còn lấy một chén thánh do thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tặng khi ngài đến thăm Ucraina vào năm 2001.
Xuyên suốt cuộc chiến này, có những câu chuyện đầy đau khổ nhưng cũng có những tia sáng và hy vọng.
Hỗ trợ từ Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ
Đối với chủng viện ở Vorzel, hy vọng này đang được hỗ trợ bởi tổ chức bác ái của Giáo hoàng, tổ chức này đã hứa sẽ trang trải chi phí thay thế đồ đạc và thiết bị đã bị đánh cắp bên cạnh việc xây dựng lại. Sự kết nối này có nghĩa là chủng viện có thể mở cửa trở lại vào tháng Chín.
Nhớ lại cảnh tượng bị tàn phá, cha Ruslan Mykhalkiv giám đốc chủng viện nói với Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ rằng các tòa nhà bị bỏ lại trong tình trạng tồi tệ.
Buộc phải chạy trốn
Cha nói: “Họ lấy mọi thứ có thể – dụng cụ nhà bếp, máy giặt, máy tính và điều hòa nhiệt độ. Phòng của các chủng sinh bị lục soát và họ lấy các đồ phụng vụ.”
Quân đội Nga đã chiếm đóng Bucha, nơi họ được cho là đã giết hàng trăm thường dân.
Khi họ đến gần Vorzel, các chủng sinh và nhân viên trong chủng viện đã phải chạy trốn cùng với năm trẻ em từ trại trẻ mồ côi gần đó và hai nữ tu đang chăm sóc các trẻ.
Cha Mykhalkiv đã trở lại vào tháng trước sau khi các lực lượng Nga bị đánh lùi khỏi khu vực xung quanh thủ đô Ucraina.
Cha nói: “Chúng tôi sẽ rất biết ơn Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, nếu các chủng sinh của chúng tôi quay trở lại vào tháng 9.”
Việc hỗ trợ đang diễn ra
Người đứng đầu Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ phụ trách các dự án tại Ucraina, cô Magda Kaczmarek, nhấn mạnh rằng việc giúp Giáo hội phục hồi sẽ là một phần trong công việc liên tục của tổ chức bác ái tại quốc gia này.
Cô nói: “Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chúng tôi đã hỗ trợ hết mình cho Giáo hội địa phương cả nghi lễ Latinh lẫn Công giáo Hy Lạp,.
“Trước tiên là sự hỗ trợ khẩn cấp ở các vùng chiến sự và những người tị nạn ở phía tây của đất nước… Hơn nữa, trong giai đoạn hai, chúng tôi đã giúp đỡ các giáo xứ và tu viện ở Ucraina mở cửa đón người tị nạn, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho họ. Trong giai đoạn thứ ba, và trong khả năng của mình, chúng tôi muốn giúp sửa chữa những thiệt hại.”
Kể từ khi Nga xâm lược Ucraina, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã viện trợ khẩn cấp hơn 2 triệu bảng Anh để giúp Giáo hội hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Việc viện trợ được công bố vào tuần trước bao gồm cung cấp thực phẩm và nơi ở cho hơn 200 phụ nữ và trẻ em phải di tản hiện đang được chăm sóc bởi Tổng giáo phận Ivano-Frankivsk ở miền tây Ucraina.