BÀI HỌC :
Tại sao ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm sâu sắc sự giằng co sâu xé trong nội tâm của mình như điều mà thánh Phaolô vừa diễn tả ?
Kitô giáo trả lời: chính do tội nguyên tổ mà sự ác đã xâm nhập thế giới và làm cho con người dễ nghiêng chiều về sự tội qua trình thuật về sa ngã :
St 3,1.4-7.11-15
- 3,3,1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra…
- 3,4 Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!
- 3,5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” 3,6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.
- 3,7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. …
- 3,11 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” 3,12 Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.”
- 3,13… Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”
- 3,14 Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:…
- 3,15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
- Con người không chấp nhận thân phận thụ tạo của mình.
- Con người muốn trở thành Thiên Chúa bằng sức riêng mình.
- Con người theo sở thích riêng của mình, lấy mình làm mẫu mực tối cao, làm thước đo chân lý.
- Tội lỗi làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa, gây xáo trộn nơi bản thân, và làm mất sự hoà hợp với người khác, con người đổ lỗi cho nhau, nghi ngờ nhau, giết nhau.
- Tội lỗi làm mất sự hòa hợp với thiên nhiên (vạn vật trở nên gai góc, lao khổ đối với con người) và hậu quả nặng nề là cái chết. Thực ra cái chết gắn liền với thân phận thụ tạo của con người theo bản tính, bởi vì không ai tự mình mà có nên sẽ chẳng tồn tại mãi mãi và sẽ có lúc tiêu tan. Bất tử chỉ là hồng ân được ban thêm cho nguyên tổ khi chưa sa ngã, còn sau sa ngã đã bị rút lại.
- Tội nguyên tổ đã đưa tất cả loài người vào tình trạng thất sủng, mất ơn nghĩa của Thiên Chúa khi chống lại Người. Chính vì sự liên đới này mà tội nguyên tổ truyền lại cho con cháu.
1* Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do và trí thông minh.
Chính khả năng đó khiến con người có thể tuân phục hoặc chống đối Thiên Chúa. Tuân phục bằng cách lắng nghe và thực hành Lời Chúa, và bất tuân khi không muốn lệ thuộc vào Chúa. Khi con người tự ý rời bỏ Thiên Chúa tốt lành thì đương nhiên phải nhận lãnh hậu quả xấu là tội. Không tiếp nhận ánh sáng thì đương nhiên ở trong bóng tối, chứ bóng tối không hiện hữu độc lập giống như ánh sáng.
2* Tội lỗi đã xuất hiện ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại.
Chúng ta không thể xác định chi tiết tội nguyên thủy là gì, mà cũng không cần thiết, chỉ biết con người phạm tội bằng cách phản nghịch ý muốn của Thiên Chúa khi :
Tóm lại, tội nguyên tổ chính là con người muốn tự mình định đoạt về điều lành và điều dữ mà không cần lệ thuộc Thiên Chúa. Nói cách khác, bản chất của nguyên tội là muốn sống mà bất cần đến Chúa.
3 * Nguồn gốc của tội lỗi :
Tội không nằm trong vật chất, không nằm trong nguồn gốc vũ trụ, song nằm ngay trong ý thức nội tâm của con người.
Có thể nói khi Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do và trí thông minh là Thiên Chúa đã liều mình chấp nhận sự tôn thờ hay phản bội của con người, và do đó, nguồn gốc của sự dữ ở ngay trong ý thức tự do trách nhiệm của con người, chứ không nằm trong nguồn gốc vũ trụ. Nguồn gốc của tội là thái độ tinh thần khi con người dối trá, bất trung, lừa đảo…
Thánh Kinh cho thấy tội chính là ma quỉ (Satan, thụ tạo vô hình) nhưng ma quỷ nguyên thủy cũng là thụ tạo (con rắn) của Thiên Chúa, không ngang hàng với Thiên Chúa, cũng do bất trung mà chống đối Thiên Chúa và lôi kéo con người theo mình. Vì thế, tội lỗi cũng là do con người nghe theo lời xúi giục của ma quỷ.
“Không có bất cứ sự xấu nào của tội lỗi mà lại do ý muốn của Thiên Chúa; nếu không, tội lỗi xấu xa sẽ không còn đáng trách nữa vì nó sẽ viện dẫn Thiên Chúa như là người tạo ra và là tác giả. Nhưng sự dữ phát sinh từ bên trong, nó hình thành do hiệu quả của ý muốn chúng ta mỗi khi linh hồn lìa xa sự thiện. Aùnh sáng biến mất dần dần thì cũng kéo theo bóng tối vì bóng tối không hiện hữu trước ánh sáng“ (Giáo phụ Grégoire de Nysse).
Về vấn đề này, Hội Thánh dạy: ma qủi là loài thiêng liêng, đã được dựng nên tốt lành nhưng đã phạm tội vì tự do của nó và đã lôi cuốn con người phạm tội (Cđ Latran IV 1215). Hình ảnh con rắn cám dỗ là một sức đẩy từ bên ngoài, nhưng con người vẫn có thể thắng vượt tội lỗi. Sa ngã như một tấm gương đã vỡ nhưng vẫn phản chiếu vinh quang Thiên Chúa, song lại dễ bị bóp méo. Bản tính con người đã bị tổn thương bởi tội lỗi nên dễ bị nghiêng chiều về điều xấu.
4* Hậu quả của tội nguyên tổ.
Phải chăng tội nguyên tổ là tội di truyền?
Di truyền là tiếp nhận từ tổ tiên và không cưỡng lại được, còn tội là hành vi cá nhân, có thể chống cưỡng. Và như thế, nếu là di truyền thì không có tội, và nếu là tội thì không do di truyền.
Thực ra, chúng ta chỉ có thể hiểu được tội di truyền trong sự liên đới tập thể. Một khi sợi dây liên đới bị nhiễm trùng thì không ai thoát khỏi vết viêm nhiễm ấy. Dù trẻ em vô tội nhưng cũng bị ràng buộc với người lớn, và tội mang tính tập thể là như vậy.
5 * Đau khổ cũng là một mầu nhiệm
Tại sao con người phải đau khổ ? Nếu có một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện thì tại sao sự dữ lại tung hoành trong thế giới như thể vào chỗ không Thiên Chúa vậy?
a) Thái độ phản kháng:
Đối diện với đau khổ, có người nổi loạn, có người cam chịu và cũng có người buông xuôi thất vọng. Một số các triết thuyết qui trách đau khổ cho một sức mạnh ở bên ngoài con người, con người không phải là tác nhân gây đau khổ, thế nên con người cũng không phải chịu trách nhiệm về đau khổ và tội lỗi nữa. Và như vậy, cứ tự do thác loạn và sa đoạ mà không phải e dè sợ sệt.
b) Thái độ đón nhận:
Mạc khải Kitô giáo cho biết đau khổ cũng là mầu nhiệm như chính con người. Thiên Chúa tạo dựng và ban cho con người có tự do và trí thông minh, nghĩa là con người có khả năng suy nghĩ, lựa chọn và đáp trả. Trong câu chuyện nguyên tổ sa ngã có sự xúi giục của ma quỉ nhưng tác giả Thánh Kinh không dám gọi đích danh là ma qủi (Satan) mà chỉ bảo là con rắn xảo quyệt. Sở dĩ như vậy là vì tác giả sợ người ta đặt ma quỉ ngang hàng với Thiên Chúa như là hai nguyên lý song song : Thiện và Ác.
Trước khi sa ngã, sự dữ đã có đó, nhưng ma quỉ tự nó không phải là kẻ ngang hàng với Thiên Chúa, và nó cũng không hẳn là nguồn gốc của đau khổ loài người.
Điều Thánh Kinh muốn nói với chúng ta qua trình thuật sa ngã của nguyên tổ chính là con người đã phạm tội, đã phản bội Thiên Chúa, tự gây đau khổ cho mình và cho người khác, và con người phải gánh chịu hậu quả trách nhiệm trước mặt Chúa.
c) Rút tỉa điều lành:
Chúng ta cũng không được đồng hóa đau khổ với tội lỗi, chúng có liên hệ với nhau nhưng lại khác biệt nhau hoàn toàn. Dưới cái nhìn Kitô giáo, tội lỗi là cái ta cần phải đoạn tuyệt, còn đau khổ có thể là con đường dẫn tới Thiên Chúa.
Mặt khác, Kitô giáo cũng không bao giờ chủ trương đi tìm kiếm hay gây ra đau khổ, và cũng không bao giờ khẳng định đau khổ, cũng như tội lỗi, phát xuất từ Thiên Chúa. Cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá là một nỗi đớn đau tột cùng mà chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ là tác giả. Thế nhưng, quyền năng Thiên Chúa lại được tỏ lộ khi Người biến tội ác và đau khổ thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta qua việc Người chấp nhận ở lại đến cùng trên cây thập giá để cảm thông với nỗi khổ đau của chúng ta.
6* Lời hứa ban ơn cứu độ.
Bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu, cho dù con người có phản bội, Thiên Chúa vẫn nâng con người lên, vẫn luôn sáng kiến tìm cách cứu độ con người, qua kiểu nói: “dòng giống người đàn bà sẽ đạp giập đầu con rắn”.
Ngày xưa, nguyên tổ muốn tự mình trở thành Thiên Chúa, còn nay nhờ Chúa Giêsu Kitô, chúng ta trở thành Thiên Chúa. Điều ấy có nghĩa là con người không thể trở nên thánh thiện mà không tùy thuộc vào Thiên Chúa. Con người chỉ có thể trở nên giống Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, nghĩa là nhờ ơn cứu độ mà Con Thiên Chúa mang đến cho con người. Trở thành Thiên Chúa có nghĩa là được làm con Thiên Chúa, được tham dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc Nước Trời.
Như thế, dưới một góc cạnh nào đó thì tội lỗi cũng là một hồng phúc, một cơ may để nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa mới biết rõ nguyên do và hậu quả tội nguyên tổ là gì, nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là tội lỗi đã được tha và đã bị huỷ diệt trong Đức Giêsu Kitô.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, con ý thức mình thật yếu đuối, và cám dỗ thì tinh vi; xin Chúa ban cho con sức mạnh lướt thắng cám dỗ để sống đẹp lòng Chúa và mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Học kinh : Tôi thú nhận, trang 13
TÓM LƯỢC :
1* Tội do đâu mà có ?
– Tội là do con người bị cám dỗ sử dụng sự tự do không theo ý muốn tốt đẹp của Thiên Chúa.
2* Tội nguyên tổ là gì ?
– Tội nguyên tổ là tội của con người ngay từ ban đầu đã chống lại Thiên Chúa, và truyền lại cho con cháu khuynh hướng nghiêng chiều về điều xấu.
3* Đau khổ và tội lỗi khác nhau thế nào ?
– Đau khổ và tội lỗi có liên hệ với nhau nhưng lại khác biệt. Tội lỗi là cái ta cần phải đoạn tuyệt, còn đau khổ gắn liền với thân phận con người và có thể là con đường dẫn tới chân lý là Thiên Chúa.
4* Thiên Chúa có thái độ nào khi nguyên tổ phạm tội ?
– Thiên Chúa đã nghiêm phạt con người, nhưng vẫn một lòng xót thương và hứa ban Đấng cứu độ.
QUYẾT TÂM :
Cám dỗ có muôn ngàn cách thế tinh vi, tôi phải chống trả quyết liệt ngay từ đầu để khỏi sa chước cám dỗ.