Một nhóm Tập Sinh của nhà dòng nọ, sau thời gian được gởi đi thực tập Tông Đồ nơi các cộng đoàn nhỏ của Hội dòng. Ngày về lại Tập Viện họ thao thao kể về đời sống vui buồn, sướng khổ cũng như những kết quả đạt được trong thời gian thử tập ấy.
Vị Giám sư bình thản ngồi nghe các môn sinh của mình chẳng khác nào Chúa Giêsu ngày xưa khi các Tông Đồ ra đi thực tập truyền giáo trở về.
Sau khi nghe các học trò của mình thuật chuyện, vị thầy ôn tồn khen ngợi các đệ tử đã hoàn thành thật tốt những công việc mà chương trình huấn luyện đòi hỏi.Bà lấy làm hài lòng về những nỗ lực mà các trò đã cố gắng để có những kinh nghiệm thật quí báu khi đi vào thực tế,chính những trãi ngiệm ấy sẽ làm cho các con lớn thêm, cứng cáp hơn với sóng gió có thể xảy ra trong hành trình của người môn đệ đi theo Đức Giêsu. Nhờ trãi qua những khó khăn, thử thách mà lúc này các con xác tín hơn về con đường mình đang đi có đúng vậy không? Các trò vui vì thầy hiểu được tâm trạng của mỗi người…
…Còn một vài điểm không được vui trong cuộc sống chung, Vị Tập Sư, nhẹ nhàng đặt câu hỏi: “Các con đã uống café bao giờ chưa ?
Hơn tám mươi phần trăm các môn sinh đang có mặt trả lời : “Dạ có!”
Các con hãy nói cảm giác của mình mỗi khi dùng loại thức uống đó xem sao!
Nhiều người trong nhóm bảo hương vị thơm ngon; người khác cho rằng đắng và có mùi vị khét nghẹt…Người khác nữa trả lời, cho từng ngụm café từ từ tan trong miệng và thưởng thức thì trên cả tuyệt vời. Lại có ý kiến cho rằng uống loại thức uống này làm cho tinh thần sảng khoái và tỉnh táo hơn …
Bà giáo hiền từ nhìn các học trò rồi kể chuyện lịch sử Cà Phê Việt Nam “Cây cà phê đến Việt Nam theo dấu chân của những người Pháp vào giữa thế kỷ 19. … Sau khi giống cà phê arabica được du nhập vào Việt Nam năm 1857 thì sau đó vào năm 1908,Pháp du nhập thêm 2 giống cà phê vào Việt Nam” (vietcoffee.com.vn), kể từ đó thức uống này được nhiều người dùng với những cách pha chế khác nhau tùy theo cơ địa, sở thích…
Bà giáo cho biết thêm về lợi ích cũng nhưnguyên tắc cơ bản về việc sử dụng loại thức uống bổ dưỡng này.“Cà phê thực sự rất tốt cho sức khỏe. Trong cà phê chứa chất chống oxi hóa và những chất dinh dưỡng có lợi để cải thiện sức khỏe. Cà phê giúp bớt mệt mỏi và tăng mức độ năng lượng vì trong cà phê có chứa cafein một loại chất truyền dẫn kích thích ức chế thần kinh trong não, giúp hưng phấn não bộ.”(www.archcafe.net).
Đừng hâm café, đã pha xong là dùng ngay, bởi nếu hâm lại café sẽ mất hết hương thơm và vị không ngon lại có mùi khét.
Trầm ngâm trong chốc lát bà tiếp, cuộc sống cũng vậy-
Việc hâm ly café trên bếp cũng như việc suy nghĩ về những khuyết điểm của người khác hay cứ gặm nhắm những tổn thương trong tâm hồn mình. Những nuối tiếc hay bực bội về quá khứ chỉ mang lại cho ta thêm buồn chán, khó chịu. Hôm qua đã thuộc về quá khứ, quá khứ là những gì đã qua rồi, đừng nên nhắc lại hãy sống với hiện tại của ngày hôm nay, giây phút này.
Và các con biết tại sao có lúc uống café thấy đắng không?
Xay café quá nhuyễn, pha café quá liều lượng mà sở thích cần. Café nhiều mà sữa hoặc đường không đủ.
Đời sống chung trong cộng đoàn cũng thế, không có mẫu cộng đoàn nào lý tưởng ngoài cộng đoàn Ba Ngôi và gia đình Nagiarét.
Ly café cuộc đời chúng ta có hấp dẫn, đầy hương thơm ngọt ngào, bốc khói thánh thiện là nhờ vào cách pha chế của mỗi người. Biết người khác “đắng” mình ngọt ngào dịu dàng thêm một chút; biết người khác tẻ lạnh, nhạt nhẽo tôi thêm tí đường của sự hài hướt, thêm tí sữa của sự quan tâm, tế nhị. Biết người kia ù lì, cầu an; tôi thêm chút hương thơm của sự nhiệt tình, khích lệ…
Cuối cùng, hãy bảo đảm café của các con luôn tươi mới. Hãy uống ngay café vừa pha xong đừng để quá mười lăm phút.Nếu để lâu trên bếp hay trong tủ lạnh thường hương vị của nó sẽ không còn nguyên vẹn.
Thưởng thức ngụm café vừa pha xong trong những giây phút đầu tiên của ngày sống mới sẽ cho cảm giác tỉnh táo, sảng khoái;Vì thế hãy bắt đầu mỗi ngày trong sự vui tươi của người được sống trong Ân Sủng,trong tình yêu.
Tại sao không bắt đầu mọi thứ ngay lúc này, hôm nay; hôm nay là cơ hội cho ngày mai. Không nên lãng phí thời gian mà hãy sử dụng thời gian để làm những việc có ích cho bản thân và những người sống chung quanh.
Hãy thay đổi mọi sự từ chính mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi cách thưởng thức một ly café. “Hãy rộng lòng thêm một chút, mạnh dạn bày tỏ tình cảm với mọi người, và đón nhận những tính cảm họ dành cho ta, để biết “cảm giác bình thường tuyệt vời” của tình yêu thương, để sống chan hòa và cởi mở”. (akinavn.vn)
Hãy xem lại cách pha chế, hãy xem lại cách gia giảm đường- sữa…Nguyên tắc này cũng giống như việc đòi hỏi sự quan tâm săn sóc trong tình yêu đôi lứa, tình yêu trong hôn nhân gia đình và tình yêu nơi cộng đoàn sống đời thánh hiến. Thường xuyên cân nhắc trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động… Đừng để làm tổn thương, gây chia rẻ, bất an, thành kiến, nghi ngờ…Sự quan tâm quá mức đôi khi không mang lại kết quả như ý muốn mà có thể làm hư hỏng dẫn đến việc chia tay,đổ vở trong tình yêu hôn nhân.Và có thể sẽ trở nên chán ngán, khép kín, thu mình trong vỏ sò hay bỏ cuộc trong tình yêu của đời sống tu trì. Nhưng nếu thiếu quan tâm săn sóc, hời hợt, lạnh nhạt, dững dưng thì tình cảm cũng sẽ trở nên khô khan, cứng cỏi,mất hương vị, đánh mất ý nghĩa -dần dần sẽ trở thành thứ nước loãng sẽ bỏ đi.Cuộc sống không phải luôn luôn hoàn hảo nhưng nó là kết quả của những gì chúng ta tạo ra. Vì thế hãy làm nó có giá trị, làm sao cho nó đáng nhớ, làm cho nó đạt đến mục đích và đừng bao giờ để thứ gì, cái gì hoặc ai đó đánh cắp hạnh phúc của chính mình.
Ly café thiếu vị đắng sẽ không phải là café nguyên chất,
Ly café thiếu vị béo của sữa, không có chút ngòn ngọt của đường hay không có chút lành lạnh của viên đá…thì chưa phải là café “rin” và cũng không phải là thức uống mang lại cho con người nguồn sảng khoái, khích thích năng lực làm việc mỗi ngày. Pha chế café không đúng cách -người dùng café chưa phải là kẻ “ sành điệu”, nó cũng chẳng phải là thức uống mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe con người.
Cũng vậy; hãy pha trộn, chế biến thế nào để ly café cuộc sống luôn là “Ba trong một” để đời sống chung luôn hòa hợp, cảm thông yêu thương. Tuy ba trong một nhưng cách thức pha chế riêng vì mỗi người có “vị giác” riêng, cách thưởng thức khác biệt. Mỗi người có cách pha chế riêng miễn sao sau khi pha chế, mỗi người thưởng thức từng ngụm café thơm mát cho phấn khởi tâm hồn, làm cho cuộc sống thêm vui tươi hạnh phúc. Mang lại sự bền vững cho tình yêu đôi lứa, gia đình hạnh phúc; Cho người sống đời thánh hiến thêm niềm vui, cộng đoàn thêm sức sống mới…đó là nguồn vui không ai lấy mất được.“Anh Chị em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh Chị em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giê su” ( 1 Tx 5.16-18 ). Và sống niềm vui, niềm hạnh phúc của người luôn nhìn người khác với con mắt của Thiên Chúa điều mà Đấng đáng kính H.Y Phanxicôxavie Nguyễn văn Thuận đã dạy trong sách “đường hy vọng”“ Đừng phàn nàn café đắng, bởi đường của con chưa ngọt đủ” ( ĐHV 790).
Nt. Anna Lê Tuyết ( Dòng MTG QN)