BẾP TU SĨ ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO
Sr. Tuyết Mai- Rndm
Niềm vui của phục vụ, hạnh phúc của sẻ chia, hy vọng của phục hồi, sự sống của anh em, bình an của Sài Gòn… đã là động lực cho chị em Đức Bà Truyền Giáo và các tu sĩ…
Mấy hôm nay cả cộng đoàn đang bừng lên bầu khí “vội vã lên đường như Đức Maria”. Các chị em đăng ký vào nhóm thiện nguyện đợt II đã sẵn sàng, chỉ chờ thông báo của văn phòng Tu sĩ là đeo balô lên vai và lên đường. Chị em đùa vui với nhau: “Chúng ta đang sống mùa Vọng giữa mùa Thường niên năm B”.
Ngẫu nhiên chị em trong cộng đoàn được phân ra hai nhóm, nhóm chị em dưới 50 tuổi và nhóm chị em “cao niên và hơi cao niên”, nghĩa là những chị U60, U70, U80… không được tuyển chọn ra tuyến đầu. Cộng đoàn có hơn một nửa là U50 đã đăng ký lên đường, sứ mạng rõ ràng nên tinh thần phấn chấn và hăng hái. Các chị cao niên còn lại tự nhận mình là “hậu phương”, sẽ chu toàn sứ mạng cầu nguyện cách đặc biệt cho các em thiện nguyện ở tuyến đầu là các bệnh viện điều trị và bệnh viện dã chiến.
Chợt tin khẩn cấp đến, chị Giám tỉnh thông báo: Cha Đào Nguyên Vũ – Thư ký Ủy ban Mục vụ Di dân của Hội đồng Giám mục – có trao đổi thông tin về những khó khăn và nhu cầu của người Sài Gòn trong thời gian đối diện với dịch bệnh, và mời gọi các Hội Dòng cộng tác. Ngài nói: “Từ đầu mùa dịch năm ngoái và trong đợt dịch này, cũng như mọi khi, nhiều cộng đoàn đã chủ động nhiều cách thế chia sẻ với bà con lao động, thất nghiệp, cách ly, phong tỏa. Nhưng nhu cầu ngày càng nhiều và càng rộng. Kể cả các y bác sĩ đang phục vụ tuyến đầu hoặc ở lại tuyến cuối (các bệnh viện điều trị) cũng nhiều ngày nhọc mệt, đói lả… Chúng ta có thể thiết lập một lực lượng ứng cứu để đáp ứng nhu cầu bữa ăn của bất kỳ hoàn cảnh nào đang cần… Vì vậy, chúng ta kết nối với nhau và đáp lại tiếng gọi của Chúa mà Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đang trăn trở: Anh (chị) em hãy cho họ ăn.”
Vậy là cụm từ “Bếp tu sĩ” được nhanh chóng truyền đi. Các chị U60, U70, U80 đã bắt đầu cảm thấy phấn khởi vì mỗi ngày sẽ giúp làm bếp để cho “ra lò 300 phần ăn”. Chị phụ trách cộng đoàn đã nhanh nhẹn phân chia danh sách: Nhận thực phẩm tươi sống, nhặt rau, nấu cơm, nấu canh, làm thức ăn mặn, đóng hộp, dọn dẹp… Sứ mạng đã rõ ràng, và nhóm các chị này không phải “sống mùa Vọng giữa mùa Thường niên năm B” như các chị U50 nữa. Công việc bắt đầu từ 6g30 sáng đến 10 giờ là giao cơm cho xe đến lấy, sau đó nghỉ một tí, lo việc thiêng liêng và cá nhân xong, đến 3 giờ chiều xuống bếp lại để chuẩn bị vật liệu cho ngày mai.
Thực đơn hôm nay gồm có: Canh cà chua trứng, bắp cải – cà rốt xào, cá kho tiêu… “Tưởng dễ mà không dễ tí nào!”, mồ hôi nhễ nhại, đôi tay thoăn thoắt, miệng không được nói (không được nói chuyện, chỉ nói điều cần thôi), đúng giờ, đúng hẹn, giữ đúng 5K, sạch sẽ trong ngoài… Các chị cao niên bắt đầu “cầu viện” và lệnh “tổng động viên” được ban hành, vậy là “Bếp Tu sĩ” nhà ta có thêm một số em Đệ tử và Tập sinh giúp sức.
Niềm vui của phục vụ, hạnh phúc của sẻ chia, hy vọng của phục hồi, sự sống của anh em, bình an của Sài Gòn… đã là động lực cho chị em Đức Bà Truyền Giáo và các tu sĩ các Hội dòng dấn thân không mệt mỏi, dù ở tuyến đầu hay hậu phương.
Tạ ơn Thiên Chúa đã gợi lên những sáng kiến tuyệt vời cho các nhà lãnh đạo ở mọi lãnh vực và mọi cấp độ để chăm sóc anh chị em của mình. Cám ơn Đức Tổng Giám mục Giuse và quý cha đã luôn đồng hành, hướng dẫn và chăm lo cho đoàn dân Chúa vượt qua đại dịch.
Sr. Tuyết Mai- Rndm
Một số hình ảnh từ “Bếp Tu sĩ Đức Bà Truyền Giáo”
Nhóm sơ chế thức ăn và chuẩn bị đũa, khăn ăn:
Nhóm nấu thực phẩm trong bếp:
Nhóm đặt thức ăn vào hộp:
Nhóm đưa thành phẩm lên xe:
Nguồn: tgpsaigon.net