BỘ MẶT ẨN GIẤU CỦA CÁI ÁC
Tác giả: Ron Rolheiser, OMI
Chúng ta thường có suy nghĩ ngây ngô về cái ác, ít nhất là với những gì nó trông như thế nào trong đời sống hàng ngày. Hình ảnh chúng ta có về cái ác thường được cấu thành một cách giả tạo, lấy từ các chuyện thần thoại, tín ngưỡng tôn giáo, từ sách vở phim ảnh mô tả cái ác nhân cách hóa trong các thế lực thần linh nham hiểm. Các con quỷ ám trong các căn nhà, ở các lễ hội, ở các tấm ván cầu cơ triệu hồi về với cơ thể vặn vẹo và bị nước thánh xua đuổi. Tất cả cái ác ở bên trong khái niệm của lực ma quỷ này đều vô cùng lu mờ trước cái ác chúng ta xem trong các bản tin hàng ngày, trong đời sống bình thường và biểu hiện ngay cả trong chính chúng ta một lúc nào đó.
Phần lớn chúng ta mù quáng trước cái ác tiềm ẩn đang rình rập bên trong chúng ta, chia rẽ các cộng đồng, ăn mòn Chúa và ăn mòn lòng tốt. Các Tin Mừng có thể giúp chúng ta hiểu điều này.
Trong các Tin Mừng, cái ác có hai tên vì cái ác hành động theo hai cách. Đôi khi các Tin Mừng gọi thế lực ma quỷ là “Ma quỷ” (“the Devil”) và ở các lần khác thì lại gọi là “Satan”. Vậy có gì khác biệt ở đây? Dù sao thì rốt cùng cả hai đều ám chỉ cùng một lực (hoặc một người) nhưng dưới hai tên gọi để chỉ cách thức hoạt động khác nhau của cái ác. Trong tiếng Hy Lạp, ma quỷ có nghĩa là vu khống và xé nát mọi thứ. Nhưng trớ trêu thay, Satan lại có nghĩa gần như hoàn toàn ngược lại. Nó có nghĩa là hợp nhất mọi thứ, nhưng theo một cách bệnh hoạn và ác độc.
Như thế cái ác hoạt động theo hai cách: ma quỷ hoạt động trong chúng ta bằng cách chia rẽ chúng ta, và chúng ta có thói quen vu khống lẫn nhau để cộng đồng mãi mãi bị chia rẽ do ghen tị và buộc tội. Còn Satan thì làm ngược lại nhưng với kết quả tương tự. Satan kết hợp chúng ta theo một cách bệnh hoạn, có nghĩa là dưới tác động cuồng loạn của đám đông, dưới hình thức đấu đá truyền thông xã hội, các ý thức hệ ích kỷ, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, ghen tị, hận thù và bằng vô số cách ác độc khác để lôi kéo chúng ta vào đám đông – hận thù, cưỡng hiếp tập thể, hành hung và đóng đinh. Đó là lực satan đã đóng đinh Chúa Giêsu.
Khi chúng ta nhìn thế giới ngày nay, từ chính trị đến mạng xã hội, đến những gì đang xảy ra bên trong khuôn viên tôn giáo, chúng ta phải mù mới không thấy sức mạnh của “quỷ” và của “satan” đang làm việc (dù bạn định nghĩa như thế nào và hình dung những loại này như thế nào).
Chúng ta thấy quỷ làm việc ở đâu? Chung chung là khắp mọi nơi. Ngày nay, gần như đâu đâu chúng ta cũng thấy có những người gây chia rẽ, họ gán các động lực sai cho người khác, họ gieo ngờ vực và tẩy chay. Thật vậy, đây gần như là yếu tố nổi trội chúng ta thấy trong chính trị và trên mạng xã hội. Kết quả là sự tan vỡ cộng đoàn, sự bế tắc trong đường lối chính trị, sự phá vỡ nền văn minh, sự mất tin tưởng vào ý nghĩa của sự thật, niềm tin tự mãn, nhưng đặc biệt là câu khẩu hiệu đặc trưng của chúng ta hoạt động như thật, và gần như quên đi đức ái phổ quát. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự tan vỡ nguy hiểm của lòng tin và phép lịch sự, đức tính thẳng thắn đơn thuần bị xói mòn. Con quỷ chắc đang mỉm cười.
Chúng ta thấy satan làm việc ở đâu? Cũng mọi nơi. Càng ngày chúng ta càng co mình vào các bộ tộc, các băng nhóm, với những người nghĩ giống chúng ta và có cùng lợi ích phải bảo vệ. Dù điều này có thể là điều tốt, nhưng nó sẽ không tốt khi chúng ta kết hợp với nhau, bám rễ trong các ý thức hệ theo lợi nhuận, theo các đặc quyền kinh tế, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, chủ nghĩa dân tộc sai lầm, tham lam và thù hận. Khi điều này xảy ra, nhóm của chúng ta không còn là một cộng đồng, thay vào đó nhóm chúng ta trở thành đám đông, trở thành kẻ bệnh hoạn, mà cuối ngày, dù khẩu hiệu có riêng biệt như thế nào thì cũng kết thúc như đám đông ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã hô vang: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” Điều đáng kể là trong các Tin Mừng, chữ “đám đông” khi được dùng thì luôn mang một ý nghĩa xấu. Các nhà chú giải đều nói với chúng ta, hầu như không có ngoại lệ, mỗi khi chữ “đám đông” xuất hiện trong Tin Mừng, nó có thể được đặt trước tính từ “thiếu suy xét”. Đám đông là thiếu suy xét, còn tệ hơn, nó thường có khuynh hướng bệnh hoạn nghiêng về đóng đinh. Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Séc Milan Kundera nhấn mạnh điều này khi ông chia sẻ nỗi sợ hãi to lớn của ông về “cuộc tuần hành vĩ đại”, cơn sốt bệnh hoạn làm lây nhiễm đám đông và chẳng bao lâu sau, họ hô vang: “Thả Ba-ra-ba cho chúng tôi, còn đối với Chúa Giêsu thì giết nó đi, đóng đinh nó vào thập giá!” Đây là bộ mặt của satan trong đời sống bình thường, bộ mặt thực của cái ác.
Ngày nay chúng ta cần đặt tên cho điều này khi chúng ta thấy sự phân cực ngày càng mãnh liệt và cay đắng bên trong gia đình, cộng đồng, khu phố, thành phố và quốc gia chúng ta. Chủ nghĩa bè phái, giận dữ, cay đắng, ngờ vực, buộc tội và hận thù đang gia tăng ở hầu hết mọi nơi, ngay cả trong chính gia đình chúng ta, nơi chúng ta ngày càng cảm thấy khó ngồi lại với nhau, cư xử lịch sự với nhau khi nói chuyện về các vấn đề chính trị, xã hội và các khác biệt về giá trị đạo đức. Đáng buồn thay, ngay cả trong đại dịch chết người đe dọa toàn thế giới, chúng ta lại có khuynh hướng chia rẽ thay vì đoàn kết.
Cái ác thường không có khuôn mặt và cảm giác của ác quỷ như trong phim kinh dị Rosemary’s Baby; nó có bộ mặt và cảm giác của bản tin cuối ngày.
Nguồn: ronrolheiser.com