CÁC BẠN TRẺ LÀ HIỆN TẠI CỦA THIÊN CHÚA
Ngay vào số đầu tiên (64) của chương 3, Tông huấn Christus Vivit nhắc với chúng ta rằng người trẻ không chỉ là tương lai của thế giới, mà họ là hiện tại và ngay bây giờ họ đang giúp làm giàu thế giới, khi mà họ “bắt đầu đảm nhận một số trách nhiệm, tham dự cùng với người lớn vào sự phát triển gia đình, xã hội và Giáo Hội”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: khi thời thế có nhiều biến chuyển và thay đổi, thì người trẻ ngày nay thực sự là thế nào? Và điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ?
Về mặt tích cực
Thượng Hội Đồng trong số 65 đã nhìn nhận rằng nhiều khi các thành viên của Giáo Hội, thay vì lắng nghe để thấu hiểu và cảm thông các người trẻ, thì thường xuyên có xu hướng đưa ra những câu trả lời hay giải pháp mang tính cách rập khuôn, không đi vào chiều sâu thực tế của các vấn đề hay thách đố mà người trẻ đang gặp. Nếu xu hướng này được tháo gỡ, thì người trẻ đóng góp phần mình cho cộng đồng, với sự nhạy cảm và cái nhìn mới về các vấn đề của xã hội.
Khi người lớn thường có thái độ liệt kê mọi vấn đề nan giải và sai sót của người trẻ, họ vô tình tạo nên một khoảng cách lớn giữa họ với những người trẻ (66).
Vì thế, những ai có trách nhiệm làm cha mẹ, mục tử và người hướng dẫn những người trẻ phải có tầm nhìn xa để có thể đánh giá cao và khơi dậy ngọn lửa nhỏ đang cháy trong họ, chứ không dập tắt hay bẻ gãy. Người hướng dẫn phải có khả năng biện phân được đường đi ngay trong những bế tắc, nhận ra được tiềm năng trong cái gọi là hiểm họa. Đó cũng là cách Thiên Chúa nhìn sự vật; Người biết cách trân trọng và nuôi dưỡng các hạt giống của lòng tốt gieo trong lòng người trẻ (67).
Có nhiều giới trẻ khác nhau
Các Nghị phụ cho thấy vẻ đẹp nổi bật của Giáo Hội hoàn vũ khi nói đến sự tham dự đông đảo của nhiều thành phần tại Thượng Hội Đồng. Đây là sự hiện diện và đóng góp của nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, với sự khác biệt về bối cảnh và văn hóa. Trong đó, những người trẻ (16-29 tuổi), bao gồm các nhóm khác biệt, mỗi nhóm có trải nghiệm cuộc sống riêng của họ (68).
Giữa những người trẻ thuộc các quốc gia khác nhau có sự khác biệt về lịch sử và truyền thống Kitô giáo: hoặc Kitô giáo cổ đại, với nền văn hóa mang một ký ức cần được bảo tồn, hoặc Kitô giáo chỉ là thiểu số, mới xuất hiện; có một số người Kitô hữu trẻ trở thành đối tượng của sự bắt bớ; có một số ngày càng có cơ hội tiếp xúc với toàn cầu hóa; một số khác bị gạt ra bên lề xã hội, loại trừ và hắt hủi, nhất là ở vùng nông thôn (69)… Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta không thể phân tích tường tận về người trẻ ngày nay, về lối sống và hoàn cảnh của họ, nhưng chúng ta phải nhìn nhận những đóng góp của họ trước và tại Thượng Hội Đồng (70).
Một số kinh nghiệm của người trẻ
Để có thể đồng hành và hướng dẫn những người trẻ, chúng ta cần phải nắm bắt và hiểu những trải nghiệm thực tế trong cuộc đời của họ. Vì thế, Đức Thánh Cha nói rằng không có “tuổi trẻ”, mà chỉ có “những người trẻ” với cuộc đời cụ thể của họ, nhiều cuộc đời phải đối mặt với đau khổ và bị lạm dụng (71): nhiều người trẻ đang sống trong cảnh chiến tranh và phải gánh chịu bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều người trẻ, vì đức tin của mình, khó tìm được một việc làm và phải chịu nhiều hình thức bách hại ngay cả cái chết. Rất nhiều người trẻ, vì bị ép buộc hay vì không còn chọn lựa nào khác, đang sống trong tình trạng phạm tội ác và gây bạo lực. Có những trường hợp bị lạm dụng và nghiện ngập cũng như bạo lực và những hành vi lệch lạc… Những lý do đó đã làm cho cuộc đời nhiều người trẻ tan nát, đặc biệt đối với một số nhóm sắc tộc và xã hội (72).
Người trẻ trong một thế giới đang khủng hoảng
Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, nhiều người trẻ bị biến thành công cụ tuyên truyền, bị lạm dụng để công kích, tiêu diệt người khác. Có những người trẻ bị biến thành miếng mồi ngon cho những trao đổi phi nhân và những kế hoạch hủy diệt của các tập đoàn chính trị hay các thế lực kinh tế (73). Phần lớn những người trẻ bị gạt ra bên lề và bị loại trừ khỏi xã hội cách này cách khác, vì lý do tôn giáo, sắc tộc hay kinh tế. Cuộc sống của họ đã khó nay lại trở nên khó khăn hơn (74).
Đứng trước những thảm kịch xảy đến với con cái của mình, Giáo Hội là mẹ không thể vô cảm. Giáo Hội phải khóc để xã hội trở thành người mẹ đúng nghĩa hơn, thay vì bạo lực và sát hại, xã hội học biết cách sinh thành, nuôi dưỡng và chăm sóc. Nhưng quả là tệ hại khi chúng ta, những thành viên của Giáo Hội, dùng cách mà thế gian vẫn làm: ru ngủ người trẻ bằng những thông điệp khác, những mối bận tâm khác, những điều tầm thường khác (75) ngoài những điều đang xảy đến với họ.
Đức Thánh Cha nói rằng: Có lẽ chúng ta không biết khóc là bởi vì cuộc sống chúng ta không thiếu thốn gì. Có những thực tế trong cuộc đời chỉ có thể nhìn thấy bằng đôi mắt đẫm lệ. Khóc là cách diễn tả lòng thương xót và trắc ẩn. Nếu chúng ta không biết khóc thì hãy xin Chúa cho chúng ta biết khóc, để đau nỗi đau của người khác, để có thể làm điều gì đó cho người khác với cả tấm lòng (76).
Đôi khi có người trẻ đau nỗi đau xé lòng vì phải trả giá quá đắt cho việc thăng tiến, khiến họ không còn tin vào ai nữa. Nhưng họ đã tìm được lối đi nhờ vào lời an ủi của Chúa Giêsu: “Phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5,4). Như vậy, cộng đoàn Kitô hữu hãy ở bên bạn trẻ đang đau khổ, biến lời an ủi của Chúa Giêsu thành hiện thực bằng những cử chỉ, sự bao bọc và trợ giúp cụ thể đối với họ (77).
Thường thì những người nắm quyền – những nước giàu, các tổ chức quốc tế – trợ giúp phần nào những nước nghèo, đặc biệt là các bạn trẻ, nhưng cái giá mà họ phải trả là quá đắt: chấp nhận bị ràng buộc bởi các quan điểm của phương Tây về tính dục, hôn nhân, sự sống hay công bằng xã hội. Cuối cùng người trẻ trở thành món đồ bị vứt bỏ (78).
Điều này các Đức Giáo Hoàng cũng đã lên tiếng từ lâu. Chẳng hạn, trong những năm 1960, các nước giàu đã nghĩ rằng kiểm soát dân số là một giải pháp không thể thiếu cho phát triển. Ngày 09/11/1974, Đức Phaolô VI đã mạnh mẽ nói với các vị tham dự Hội Nghị Thế Giới thuộc Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (FAO – Food Agriculture Organization): “…một hành động phi lý và một chiều, chống lại sự gia tăng dân số”, rồi ngài thêm: “Một điều không thể nào chấp nhận được, đó là những người đang nắm trong tay tài sản và những tài nguyên của nhân loại lại tìm cách giải quyết vấn đề nạn đói bằng cách cấm không cho những con người được sinh ra, hoặc để cho những trẻ em nghèo phải chết đói, những trẻ em mà cha mẹ của chúng không có chỗ đứng trong những kế hoạch có tính lý thuyết, hoàn toàn xây dựng trên những giả thuyết về tương lai nhân loại theo kiểu nhìn của họ. Xưa kia trong một quá khứ mà chúng ta hy vọng là đã qua đi, nhiều nước đã gây chiến để chiếm lấy những tài sản của những nước lân cận. Ngày nay phải chăng đây cũng là một hình thức mới của chiến tranh khi người ta áp đặt chính sách hạn chế sinh sản cho những dân tộc khác, để các dân tộc này đừng đòi cái phần chính đáng của họ về tài sản của trái đất?”[1]
Hay chúng ta có thể nhắc đến Sứ điệp của các Giám mục trên thế giới, lúc kết thúc Thượng Hội Đồng về gia đình, họp tại Roma năm 1980, gởi cho các gia đình Kitô hữu, khi nói đến việc các chính quyền và các tổ chức quốc tế thường gây áp lực trên các gia đình khi giúp họ giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội: “Các chính quyền và các tổ chức quốc tế thường gây áp lực trên các gia đình… Các gia đình bị cưỡng bách, – và đây là điều mà chúng tôi mạnh mẽ chống đối – là họ bị cưỡng bách phải sử dụng những phương tiện vô luân như chống thụ thai, hoặc tệ hơn nữa, phải triệt sản, phải phá thai và chết êm dịu, hòng giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội. Bởi vậy, Thượng Hội Đồng khuyến cáo cách tha thiết là hãy soạn thảo một hiến chương về các quyền lợi của gia đình, để bảo đảm các quyền lợi của các gia đình ở mọi nơi trên thế giới”[2].
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một bài diễn từ đọc trước Tổng Thư ký của Hội Nghị Quốc Tế về Dân số họp tại Mexico, năm 1984, đã đứng ta bên vực quyền lợi của cá nhân, của gia đình, của các phụ nữ và thanh thiếu niên; ngài lên án các chính quyền và các tổ chức quốc tế đã tài trợ và cổ võ việc ngừa thai, triệt sản và phá thai. Các chương trình này đã gia tăng sự buông thả về tính dục và khuyến khích những thái độ vô trách nhiệm[3].
Thêm vào đó, nền văn hóa hiện nay trình bày hình mẫu con người gắn liền với hình ảnh của người trẻ. Quảng cáo luôn dùng thân xác của người trẻ để bán các sản phẩm. Đây không phải cách tôn trọng, yêu thương và chăm sóc người trẻ (79). Đây quả thật là một sự lạm dụng đáng mỉa mai.
Chẳng hạn, tác giả Trần Đức tổng hợp, đăng trên trang tuoitre.vn, ngày 06/12/2017, nói về sự lạm dụng của quảng cáo trên thân thể các người mẫu.[4]
Ngay cả khi những người mẫu là trẻ em cũng bị lạm dụng, theo tác giả Pi Uy, đăng trên trang dantri.com.vn[5]. Hình ảnh những cô bé tuổi teen khoác lên mình bộ đồ hàng hiệu đắt tiền cố gắng uốn éo trong những tư thế sexy, gợi cảm, hoặc cố tỏ ra buồn bã, xa xăm… Đó là một thực trạng ngược đời trong giới người mẫu hiện nay.
Ngoài ra, một số người trẻ bị mất mọi điểm quy chiếu khi thoát ly khỏi các truyền thống gia đình để theo nền văn hóa đã được toàn cầu hóa. Gia đình, theo Tông huấn Familiaris Consortio¸ “toàn bộ những tương quan liên vị được dệt nên – những tương quan về tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em – qua những tương quan ấy, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong ‘gia đình nhân loại’ và ‘gia đình Thiên Chúa’ là Giáo Hội”[6]. Hơn nữa, nói đến ‘văn hóa’ là nói đến “toàn bộ những thủ đắc về văn chương, nghệ thuật, thủ công nghiệp, kỹ thuật, khoa học, phong hóa, luật lệ, cơ chế, tục lệ, truyền thống, những cách suy nghĩ và những cách sống, những cách ứng xử thuộc mọi lãnh vực, những lễ nghi, những thần thoại và tin tưởng tạo nên một di sản cộng đồng và cá tính của một nước, một dân tộc hay một sắc dân, một quốc gia”[7].Và truyền thống văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác[8]. Như vậy, khi bị toàn cầu hóa, truyền thống văn hóa không còn nét đặc sắc, riêng biệt của dân tộc nữa, mà tế bào nhỏ là gia đình cũng bị ảnh hưởng. Lúc này các tương quan theo truyền thống tốt lành trong gia đình lâu nay không còn nữa. Chúng ta có thể hiểu nó như là một sự tha hóa vậy, mạnh áp đảo và thống lĩnh. Và dĩ nhiên sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực, ngoài những mặt tích cực của toàn cầu hóa: về lối cư xử, cách sống, tự do tính dục, quan niệm về sự sống… cũng bị ảnh hưởng.
Cách riêng đối với Á châu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong Thông điệp Hội Thánh tại Á Châu:
“Chiều kích của nền văn hóa toàn cầu, được thực hiện hóa bởi các kỹ thuật truyền thông hiện đại, có lẽ là chiều kích quan trọng đang nhanh chóng lôi cuốn các cơ cấu xã hội Á Châu vào nền văn hóa tiêu thụ toàn cầu phát xuất từ chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất mà hậu quả là việc xói mòn truyền thống gia đình và các giá trị xã hội vốn là sợi dây nối kết con người và xã hội”[9].
Có khi, vì ảnh hưởng của toàn cầu hóa đó, mối quan hệ giữa người trẻ và người lớn chỉ dừng lại trên phương diện tình cảm chứ không chạm đến chiều kích giáo dục và văn hóa. Dĩ nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng là bởi vì người lớn không cố gắng hay không truyền đạt những giá trị căn bản của cuộc sống, hoặc có lối sống chưa trưởng thành. Và như vậy sẽ khó cho việc thông truyền đức tin (80) cho thế hệ trẻ. Đây là một thách đố đối với các gia đình Kitô hữu trong thế giới toàn cầu hóa và kỹ thuật số ngày nay.
Những khao khát, những tổn thương và những tìm kiếm
Thân xác và tính dục có tầm quan trọng trong đời sống và tiến trình trưởng thành trong căn tính của người trẻ. Vì thế, Giáo Hội cần đối thoại giúp người trẻ về những vấn đề liên quan đến sự khác biệt căn tính và tính hỗ tương giữa người nam và người nữ, cùng với vấn đề đồng tính luyến ái (81). Điều này cho chúng ta thấy sự cấp thiết để tổ chức những lớp học chuẩn bị hôn nhân cho các đôi bạn trẻ. Mà xa hơn, chúng ta sắp xếp thế nào để lồng vào chương trình Giáo lý phổ thông sự giáo dục về ý thức của người trẻ về thân xác và tính dục.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ y sinh, như chỉnh sửa DNA, cấy ghép cơ phận, làm thay đổi nhận thức của con người về thân xác, cũng như các vấn về nhân học và đạo đức. Sự thay đổi này có thể làm cho con người quên rằng sự sống là một ân ban (82). Vì thế, con người ngày nay thường dùng phương pháp ưu sinh để chọn và giữ những ‘cá thể người’ mà ngay từ đầu theo họ là xứng đáng để sống[10]; cả khi con người ta quyết định bỏ mặc không chữa trị hoặc chấp nhận an tử và trợ tử cũng không ngoài quan niệm đó[11]. Và người trẻ không thoát khỏi sự cám dỗ này.
Dĩ nhiên, người trẻ cũng có những va vấp, thất bại và những ký ức đau buồn. Nhưng như Đức Kitô đã đến để trao ban tình bạn, niềm an ủi và sự đồng hành, Hội Thánh cũng hãy trở nên khí cụ của Đức Kitô bằng con đường đó, để phục hồi nội tâm và đem bình an cho tâm hồn người trẻ (83). Thiết nghĩ chúng ta cần phải có những người được đào tạo về chuyên môn tâm sinh lý và tính dục, hay ít ra chúng ta, những mục tử, phải quan tâm tìm hiểu để giúp đỡ những người trẻ.
Nơi những người trẻ có những khát vọng khác nhau: khát vọng về Thiên Chúa, tình huynh đệ, phát triển tài năng để cống hiến cho đời, nghệ thuật, thiên nhiên, truyền thông, hay muốn sống đời mình cách khác biệt. Đó là những khởi điểm thật sự, những nguồn lực nội tại đang chờ đợi và sẵn sàng đón nhận một lời thúc đẩy, soi sáng và khích lệ (84). Như vậy, hướng dẫn và thăng tiến các bạn trẻ cũng có nghĩa là tìm cách khơi dậy và giúp họ phát huy những năng lực và khát vọng đang có trong họ.
Thế giới kỹ thuật số
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa đã được số hóa rộng rãi bởi thế giới kỹ thuật số. Nó ảnh hưởng đến quan điểm và nhận thức về không gian và thời gian, về bản thân, tha nhân và thế giới, về tương quan giao tiếp, học hỏi và tìm hiểu thông tin (86). Theo Netcraft, một công ty theo dõi Internet, trang Web trực tuyến đầu tiên xuất hiện vào tháng 8 năm 1991. Từ trang Web thí nghiệm này, hiện nay, nó đang là nguồn tài liệu chính cho hàng tỉ người sử dụng Internet trên toàn thế giới[12].
Tại những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Nhật và các quốc gia Âu Châu, Internet đã trở thành nguồn cung cấp tài liệu quan trọng cho mọi giới. Tại Hoa Kỳ, năm 2002, có khoảng hơn 80% người sử dụng Internet đã dùng Internet để tìm hiểu về các ứng cử viên chính trị của họ, và hàng trăm triệu người dùng Internet để tìm tài liệu liên quan đến sức khỏe[13]. Trên toàn cầu, tổng số tiền giao dịch thương mại trực tuyến (e-commerce) trị giá hơn 2.293 tỉ đô la Mỹ, đây là số ước lượng chỉ trong khoảng thời gian 4 năm (2000-2004)[14].Với đà gia tăng này hiện nay con số này có thể đã gia tăng gấp bội[15].
Internet và các trang mạng xã hội đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để những người trẻ đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Môi trường kỹ thuật số tạo điều kiện để tham gia chính trị và xã hội, thực thi quyền công dân tích cực, truyền tải thông tin độc lập và bảo vệ hữu hiệu những người yếu thế (87). Theo nghiên cứu của Lm. FX. Nguyễn Văn Tuyết, “Theo báo cáo của eMarketer, thị trường giáo dục và huấn nghệ toàn cầu trị giá khoảng 2 ngàn tỷ mỹ kim. Hoa Kỳ chiếm 37.5% thị trường. Báo cáo cũng tiên đoán rằng e-learning (học trực tuyến) sẽ gia tăng từ 83.1 tỷ mỹ kim trong năm 2006 và sẽ vượt qua khoảng 212 tỷ mỹ kim trong năm 2011. eMarket cũng tiên đoán rằng hằng năm các đại công ty sẽ chi khoảng 33.6 tỷ mỹ kim để huấn luyện nhân viên và thị trường giáo dục và huấn nghệ trong tương lai sẽ dựa nhiều vào việc huấn nghệ trực tuyến (e-learning).”[16]
Cũng theo nghiên cứu của Cha Tuyết, “trong một gia đình với Internet hiện nay, người trẻ đang càng lúc càng bỏ nhiều thời gian sử dụng Internet hơn là xem truyền hình”[17]. Theo một nghiên cứu thực hiện bởi Statistical Research và Knowledge Networks cho thấy 33% giới trẻ Hoa Kỳ (tuổi 8-17) chọn Internet hơn là truyền hình, phát thanh hay điện thoại[18]. Tại Hồng Kông, theo tài liệu nghiên cứu của 500 em (tuổi 15-19) được thực hiện bởi NFO World Group, việc sử dụng Internet nơi trẻ em nam cũng đang vượt qua việc xem truyền hình[19].
Tuy nhiên, Internet có những giới hạn và khiếm khuyết của nó: những trang Web đen, bạo lực, khiêu dâm. Cho nên cần phải phân biệt truyền thông với sự giao tiếp hoàn toàn ảo (88).Theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên VN, nếu như năm 2004 chỉ có 17,3% thanh niên Việt Nam sử dụng internet, thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã tăng vọt lên 73% và trên 60% thanh thiếu niên truy cập mạng để tán gẫu và chơi game.
Đại tá Trần Văn Doanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an VN), cho biết: “Các đối tượng này còn lợi dụng mạng xã hội, phòng chat ảo, game online… để làm quen, tiếp cận, sau đó dụ dỗ, lôi kéo các em để thực hiện hành vi dâm ô hoặc tham gia vào hoạt động mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp. Không dừng lại ở đó, bọn tội phạm còn sử dụng mạng để đe dọa, gây áp lực lên trẻ em, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập, thậm chí dẫn đến tự tử”[20].
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Sứ điệp Ngày Truyền thông thế giới 2005, có khuyến cáo rằng: Tốc độ của nền truyền thông kỹ thuật số không tạo ra hình thức mới của việc làm trái luân lý nhưng chỉ là sự tiếp nối theo chiều kích mới và trở thành vấn đề nghiêm trọng trong xã hội. Một trong những vấn đề này là hình ảnh khiêu dâm[21]. Trong buổi tiếp kiến đại diện các tôn giáo trong Liên Minh Tôn Giáo chống lại hình ảnh khiêu dâm, ĐTC Gioan Phaolô II đã lên tiếng mạnh, nhất là hình ảnh khiêu dâm trẻ em:
“Bản chất chính yếu của phim ảnh khiêu dâm là từ chối ý nghĩa đích thực về bản năng tính dục con người như là quà tặng của Chúa ban với mục đích để con người mở rộng chính mình để yêu thương và chia sẻ công việc sáng tạo của Chúa qua trách nhiệm sinh sản. Bằng việc hạ thân thể xuống thành dụng cụ để thỏa mãn cảm giác nhục dục, hình ảnh khiêu dâm chống lại sự phát triển luân lý đích thực và làm hao mòn sự phát triển các mối quan hệ trưởng thành và lành mạnh. Nó đưa đến tình trạng vô cảm đối với việc khai thác con người, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất, và bi kịch hiển nhiên nhất là hình ảnh khiêu dâm trẻ em”[22].
Cũng cần lưu tâm đến những hoạt động nhằm mục đích kinh tế khủng đang diễn ra trong thế giới kỹ thuật số. Chúng có thể kiểm soát và làm thao túng lương tâm cá nhân và tiến trình dân chủ của nhiều dân tộc. Nó cũng là cơ hội để những người đồng quan điểm gặp gỡ nhau, từ đó có sự chống đối, gây hận thù, xúc phạm, đe dọa người khác. Điều này cũng liên quan đến Hội Thánh và các mục tử (89).
Ví dụ về động cơ lợi nhuận của hình ảnh khiêu dâm trên Internet, nhiều tường trình của nhiều cơ quan khác nhau cho thấy tính dục là một trong những ảnh hưởng chính của việc lớn mạnh Internet. Năm 2006, cơ quan Family Safe Media cho thấy 12% trang Web trên thế giới là khiêu dâm với doanh thu là 12 tỷ mỹ kim[23]. Nhật báo Sydney Morning Herald lúc đó cũng tiên đoán rằng đến cuối năm 2006 doanh thu thị trường tính dục trực tuyến sẽ là 70 tỷ mỹ kim[24].
Trong một nghiên cứu chung, Trabet và Nordenstrend đưa ra nhận định rằng việc kiểm soát nền truyền thông hiện nay đang ở trong tay của một số ít người và khả năng truyền đạt lệ thuộc vào khả năng chi phí[25]. Điều này cũng được ghi nhận trong một nghiên cứu của Chesney rằng hiện nay chỉ có một số ít công ty truyền thông quốc tế thống trị thế giới truyền thông. Trong số này, hai công ty lớn nhất là Disney và Time Warner[26]. Với kỹ thuật mà họ đang có, các công ty này có ảnh hưởng rất lớn về hiện tượng toàn cầu hóa, cả tốt lẫn xấu. Các công ty này, ngay cả, nắm giữ nhiều sức mạnh về tài chánh và mặc cả hơn là những chính phủ mà họ đang hay muốn thương lượng. Vì thế tiềm lực tham nhũng là căn bệnh trong những mối liên hệ giữa họ và các nhà cầm quyền địa phương[27].
Ngày 01.2.2006, các chính trị gia Mỹ và các nhóm nhân quyền đã lên án các đại công ty kỹ thuật của Mỹ – Google, Microsoft, Cisco và Yahoo – vì đã hợp tác với nhà cầm quyền Bắc Kinh để kiểm duyệt hay giám thị Internet. Theo đó, Bắc Kinh ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp cận những trang Web chứa đựng những tài liệu mà Bắc Kinh cho là không thích hợp, hoặc dùng Internet trong những hoạt động mà Bắc Kinh phản đối, ngay cả có những trường hợp, các công ty này đã giúp Bắc Kinh bắt giam những nhà bất đồng chính kiến với chế độ[28].
Theo Herman Tavani, Internet đang góp phần vào việc tranh luận vào việc tranh luận quyền riêng tư ít nhất theo hai cách. (1) Internet đã tự tạo cho nó một khả thể chắc chắn về những đe dọa quyền riêng tư bị vi phạm trên một qui mô rộng lớn chưa từng xảy ra trước khi có Internet. (2) Internet có những thiết bị đặc biệt có thể đe dọa đến quyền riêng tư mà nền kỹ thuật viễn thông trước đây chưa bao giờ có. Kỹ thuật hiện đại đang cung cấp những khả thể vi phạm nhân quyền chưa hề thấy liên quan đến cuộc sống riêng tư. Việc phát triển các kỹ thuật truyền thông được cài sẵn với những khả năng theo dõi như: data veillance, data gathering, data exchange và data mining[29]. Cùng với việc gia tăng thu nhập và lạm dụng dùng sai dữ kiện và sự suy yếu của việc bảo vệ dữ kiện đang làm gia tăng sự lo lắng về việc tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền[30].
Riêng ở Việt Nam, trong bài “Mạng xã hội đang dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro”, đăng ngày 24/02/2020, nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang (tác giả sách Thiện, ác và smartphone) nói: “trên mạng xã hội Việt Nam, bất cứ chủ đề nào cũng có thể dẫn tới những cuộc thánh chiến khiến huynh đệ tương tàn, bạn bè ly tán [….] Quan tâm đến thời cuộc và thể hiện chính kiến là điều tốt, tuy nhiên có nguy cơ chúng ta không lên mạng để học hỏi, kết bạn và giao lưu được nữa, vì mạng đang dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro”[31].
Hay như ông Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Nhật Bản về giáo dục lịch sử, tác giả sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?) nói: “Mỗi khi tranh luận với ai đó có quan điểm khác biệt, vô số người chuyển sang chửi bới, đe dọa bằng lời lẽ hiếu chiến, bạo lực và tục tĩu. Những lời này, chính những người đó có lẽ không dám dùng trong đời sống thực. Khả năng ẩn danh của Internet và giao tiếp cách mặt (tạo cảm giác an toàn và vô trách nhiệm giả tạo) đã kích hoạt sự hung hãn phi chuẩn mực nói trên”[32].
Trước khi diễn ra Thượng Hội Đồng, các bạn trẻ (300) trên thế giới cũng đã cho thấy tác hại của việc sống trong thế giới ảo: các tương quan trên mạng có thể trở nên phi nhân, làm méo mó nhận thức, xa rời gia đình, các giá trị văn hóa và tôn giáo (90).
Theo Tiền Phong, trong bài “Đừng để thế giới ảo ‘xâm chiếm’ cuộc sống thực của bạn”, đăng 12/9/2019, có đề cập đến những yếu tố làm ảnh hưởng cuộc sống những người sống thế giới ảo: (1) lãng phí thời gian, (2) mang lại nhiều phiền toái cho cuộc sống, (3) làm tổn thương cái tôi của bản thân, (4) cuộc sống riêng bị ảnh hưởng, (5) các mối quan hệ ảo không bền chặt, (6) làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ hiện có, và (7) bị hiểu lầm[33].
Hay theo Pet Hồ Thái Hùng, Báo chí K34 – Trường ĐHKH Huế, đăng trong bài “Đánh mất ý nghĩa cuộc sống vì lấn sâu vào thế giới ảo”, có đoạn viết: “Hiện nay trên thế giới có khoảng 2,1 tỉ người đã tiếp cận được với Internet, rất nhiều người sống một cách lệ thuộc vào nó và có nhiều trường hợp tử vong do sử dụng các tiện ích từ mạng Internet như Game, phim ảnh, các mạng xã hội… Thực trạng đáng lo ngại ấy đặt ra nhiều câu hỏi về bản lĩnh sống của con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay”[34].
Khi nghiên cứu về giới trẻ thế giới và tình trạng nghiện mạng xã hội, Bác sĩ Mubarak Rahamathulla, chuyên gia về Internet và sức khỏe tâm thần Trường Đại Học Flinders (Úc), cho biết: “Những người nghiện Internet thường có xu hướng lệch lạc hành vi và các mối quan hệ trên thế giới ảo có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của họ.”[35] Hay như Giáo sư Sir Simon Wessely, Chủ tịch Trường Cao đẳng Tâm lý học Hoàng Gia (Anh), nhận định: “Tôi chắc chắn rằng các mạng xã hội góp phần không nhỏ trong việc khiến người trẻ thấy không hạnh phúc”[36].
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra một trong những mặt tiêu cực của truyền thông, cụ thể Internet, là gây thiệt hại đến phúc lợi của toàn thể nhân loại nhất là với các người trẻ: “Người trẻ đang bị lôi cuốn vào hầm bẫy của những tư tưởng dâm ô và bạo động hoặc bị đưa vào những con đường nguy hiểm của lưỡng lự, lo lắng và mơ hồ”[37].
Và quả là nguy hiểm khi truyền thông cho đăng tải những phim ảnh xấu, như Đức Thánh Cha Pio XI đã nói trong thông điệp Vigilanti Cura (VC):
“Mọi người đều biết sự nguy hại của các phim ảnh xấu đối với linh hồn. Chúng là những cơ hội của tội lỗi: Chúng quyến rũ người trẻ bước vào con đường của sự dữ bằng cách vinh danh những đam mê; và trình bày cuộc sống dưới cái nhìn sai lạc; làm vẩn đục tư tưởng, hủy diệt tình yêu trong trắng, không tôn trọng đời sống hôn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến gia đình. Chúng có khả năng tạo ra định kiến giữa cá nhân và sà hiểu lầm giữa các quốc gia, các tầng lớp trong xã hội, cũng như các chủng tộc”[38].
Vì thế, người trẻ phải biết tổng hợp và phân tích thông tin để vượt qua kiểu giao tiếp ảo, hầu có được một lối truyền thông tốt đẹp và lành mạnh (90).
Thiết tưởng cần phải đưa ra một phương pháp giáo dục hợp lý giúp các người trẻ học cách để tự kiểm soát chính mình, hầu có thể xây dựng căn tính của mình. Điều này đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến đào tạo lương tâm của người trẻ.
Di dân, một mẫu thức của thời đại chúng ta
Giáo Hội cũng quan ngại cho những anh chị em di dân, cách riêng những người trẻ, đang phải chạy thoát khỏi chiến tranh, bạo lực, đàn áp chính trị hay tôn giáo, thảm họa thiên tai hay tình trạng nghèo đói, để mong có được một tương lai tốt đẹp hơn. Đó cũng là hình ảnh thân phận “ngoại kiều và lữ khách trên mặt đất” (Dt 11, 13) (91).
Có những di dân vì bị lôi cuốn bởi nền văn hóa phương tây; đôi khi họ ấp ủ những kỳ vọng không thực tế khiến họ bị thất vọng ê chề. Họ trở nên những miếng mồi ngon cho những kẻ buôn người, phải đối diện với bạo lực và bị lạm dụng về tâm lý thậm chí về thể lý. Có những di dân bị tị nạn lâu năm, không có cơ hội học hành hay thi thố khả năng. Có nơi những di dân bị bài trừ vì người dân bản xứ lo ngại về vấn đề chính trị. ĐTC nói: Giáo Hội cần phải phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng này (92).
Di cư tạo nên sự ly tán trong gia đình. Hơn nữa, khi di cư người trẻ thường cảm thấy bị mất gốc về văn hóa và tôn giáo. Giáo Hội có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các gia đình ly tán, cũng như có những sáng kiến để đón nhận di dân (93). Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta nên có chương trình mục vụ di dân để giúp các anh chị em đến làm việc và sinh sống tại Giáo phận Nha Trang này.
Thượng Hội Đồng thu thập được nhiều quan điểm về di dân nhờ các Nghị phụ đến từ các nước khác nhau. Trong đó có các thành viên của Hội Thánh là di dân vì phải trốn chạy chiến tranh và bách hại. Đây là điều kiện để Giáo Hội thực hiện vai trò ngôn sứ của mình đối với xã hội. ĐTC khuyên: Các bạn trẻ đừng tham gia vào mạng lưới chống lại các bạn trẻ di cư khác (94).
Chấm dứt mọi hình thức lạm dụng
Gần đây, người ta mạnh mẽ lên tiếng về sự lạm dụng dưới mọi hình thức, trong đó cũng có liên quan đến một số giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Điều này gây nên cản trở nghiêm trọng cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội (95).
Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên xảy ra ở tất cả các nền văn hóa và xã hội.
The Guardian, do tác giả Dũng Mạnh đăng ngày 14/3/2017, “Theo thống kê của những tổ chức uy tín thế giới, trẻ em ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị lạm dụng, xâm hại tình dục, sức khỏe, bóc lột sức lao động,… Mỗi năm có khoảng 40 triệu trẻ em bị lạm dụng trên toàn thế giới và con số này không ngừng gia tăng…. Tất cả những hành vi này đều ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, để lại những dư chấn nặng nề và khó hồi phục”[39].
Tuy nhiên, ĐTC nói nó là một tai họa, là sự phản chiếu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, Đấng bị phản bội và xúc phạm, khi việc lạm dụng này lại xảy ra trong Hội Thánh (96).
Thượng Hội Đồng cương quyết không bỏ qua điều này, bắt đầu bằng biện pháp tuyển chọn và đào tạo. Cần thiết phải sử dụng những biện pháp và hình phạt (97). Thiết nghĩ, việc tuyển chọn và đào tạo này phải được áp dụng ngay từ trong chương trình huấn luyện và đào tạo dự tu từ các giáo xứ.
Quả là có nhiều loại lạm dụng khác nhau. Nhưng phải xoá sạch những hình thức lạm dụng: giáo sĩ trị, quyền bính, tinh thần thiếu trách nhiệm và thiếu minh bạch dẫn đến lạm dụng, thiếu đối thoại và thiếu minh bạch, các hình thức sống hai mặt, tình trạng trống vắng tâm linh, cũng như những tâm lý yếu đuối là những mảnh đất màu mỡ để thói biến chất sinh sôi nảy nở (98).
ĐTC Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã lên tiếng tố cáo sự dữ họ phải hứng chịu. Họ giúp Giáo Hội ý thức những gì đã xảy ra và cần phải phản ứng quyết liệt. Ngài cũng cảm ơn các nam nữ giáo dân, tu sĩ, linh mục và giám mục đang tận tụy hy sinh phục vụ giới trẻ. Các bạn trẻ thật sự cần có những tấm gương để quy chiếu (99).
May là số các linh mục phạm các tội này chỉ là thiểu số. ĐTC khuyên các bạn trẻ hãy tin vào đa số những linh mục còn lại. Và nếu có linh mục nào rơi vào trong tình trạng nguy hiểm, thì các bạn trẻ hãy can đảm nhắc nhở ngài về lời cam kết của ngài với Chúa và dân Chúa. Khi làm như vậy, các bạn trẻ góp phần quan trọng vào việc chữa lành vết thương và canh tân Giáo Hội (100).
Đây không phải là tội lỗi duy nhất, mà lịch sử của Hội Thánh đã từng có bóng tối. Tội lỗi phản ánh nơi những nếp nhăn trên khuôn mặt ngàn năm của Hội Thánh. Hội Thánh vẫn bước đi khi đang chia sẻ “niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi thống khổ của con người”. Hội Thánh không ngại phơi bày tội lỗi các thành viên của mình, kẻ mà cố tình che đậy, không để cho ánh sáng Lời Chúa rửa sạch và thanh luyện. Hội Thánh luôn tin tưởng vào lòng thương xót thứ tha của Chúa (101).
Đức Giêsu không bao giờ bỏ rơi Hội Thánh của Người, sẽ ban sức mạnh và những công cụ để Hội Thánh bước đi trên con đường mới. Trong thời điểm này, với sự trợ giúp của giới trẻ, có thể thực sự là cơ hội để thực hiện một cuộc cải cách có tầm vóc lịch sử (102).
Một lối thoát
Với phân tích này, ĐTC Phanxicô khuyến khích các cộng đoàn trân trọng và nghiêm túc xem xét hoàn cảnh của giới trẻ nơi mình đang sống, để tìm ra đường hướng mục vụ thích hợp nhất (103).
Trong hoàn cảnh như vậy, nhưng ĐTC tin là Hội Thánh có lối thoát. Trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta có Đấng đáng kính Carlo Acutis, ngài biết cách sử dụng những công nghệ thông tin mới để truyền đạt Tin Mừng, để truyền thông các giá trị và vẻ đẹp (104, 105).Trong khi các bạn trẻ khác chạy theo những cơ chế của chủ nghĩa tiêu thụ và giải trí, không phát huy và cống hiến cho thế giới những tài năng riêng tư và độc đáo mà Thiên Chúa đã ban, Carlo đã không để cho điều đó xảy ra với mình (106).
Về việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định: “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện ưu thế này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 45).
Trong Sắc lệnh Inter Mirifica mời gọi mọi tín hữu hãy sử dụng một cách hiệu quả và ngay lập tức các phương tiện truyền thông xã hội cho việc mục vụ trong một cách thức mới và hiệu quả hơn[40]. Và Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Redemptoris Missio, cũng đã chỉ ra rằng:
“Phương tiện truyền thông xã hội đang trở thành phương tiện chính quan trọng của thông tin và giáo dục, của hướng dẫn và cảm hứng trong thái độ của chúng ta như là một cá nhân, gia đình và rộng hơn trong xã hội, đặc biệt Phúc Âm Hóa. Bởi vì tiến trình Phúc Âm Hóa trong nền văn hóa hiện đại tùy thuộc rất nhiều vào sự nới rộng ảnh hưởng của truyền thông”[41].
Trong thế giới kỹ thuật số hiện đại ngày nay, Giáo Hội mong muốn truyền đạt cho thế giới điều Giáo Hội tin và giải thích lập trường của mình trên bất cứ vấn đề hoặc các biến cố đang xảy ra; đặc biệt những người trẻ là những người thực hiện sứ mạng này, bởi vì:
“Chúng lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi với những phát triển mới, và đây là bổn phận để chúng biết dùng những dụng cụ mới này để đối thoại rộng rãi và nhiệt tâm hơn giữa mọi chủng tộc và những giai cấp khác nhau, những người cùng chia sẻ cùng một ‘địa cầu nhỏ này’”[42].
ĐTC Phanxicô khuyên các bạn trẻ đừng là ‘những bản sao’, mà hãy là ‘mình’ hơn nữa, vì nhân vị thì quan trọng hơn bất cứ gì khác. Những thứ bên ngoài chẳng ích lợi gì cả. Các bạn trẻ được mời gọi vươn lên và đạt đến mục tiêu cao cả là nên thánh (107).
Sống tuổi trẻ là sống quảng đại cho đi, chân thành cống hiến (108). Khi cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi hoặc thất vọng, hay đắm chìm trong thói quen tật xấu, ích kỷ hoặc thú vui không lành mạnh, các bạn trẻ hãy chạy đến với Chúa Giêsu. Người sẽ ban ơn trợ giúp cho (109).
ĐTC khuyên các bạn trẻ hãy sống liên đới với người khác và cộng đồng. Sống cô lập và cô độc, các bạn trẻ sẽ dễ dàng đầu hàng trước những cạm bẫy cám dỗ của ma quỷ, nhục dục thân xác, ích kỷ và những xấu xa tồi tệ nhất của thời đại (110).
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Trong hoàn cảnh hiện tại, cha mẹ thường quá bận tâm đến công ăn việc làm nên ít có thời gian theo dõi con cái dùng Internet như thế nào. Vậy, chúng ta cần có chương trình gì giúp cho cha mẹ hay trực tiếp giúp cho các em?
2. Như ĐTC Phanxicô nói, các bạn trẻ nên sống liên đới với người khác và cộng đồng. Chúng ta nên tổ chức những sinh hoạt, hay sân chơi nào nơi Giáo xứ để tạo cơ hội giúp các em sống đời sống liên đới với người khác và cộng đồng?
3. ĐTC Phanxicô có nêu gương sáng của Carlo Acutis trong việc sử dụng những công nghệ thông tin mới để truyền đạt Tin Mừng, để truyền thông các giá trị và vẻ đẹp. Chúng ta cần có hướng mục vụ nào để quy tụ và khuyến khích các bạn trẻ giỏi về công nghệ thông tin trong Giáo xứ? Cách truyền đạt Tin Mừng và những giá trị và vẻ đẹp như thế nào trong thế giới kỹ thuật số ngày nay?
Nguồn: giaophannhatrang.org