CÁC BÍ QUYẾT CỦA MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC:
Tác giả: Dr. Allen Hunt
Chuyển ngữ: Louis Tuấn
Trích từ: “The 21 Undeniable Secrets of Marriage”
WHĐ (19.11.2021) – Phân li nghĩa là gắn bó. Cleaving means cleaving.
Mẹ chồng (mẹ vợ). Thoạt nghe cái từ đó thường gây một cảm giác lạnh xương sống nơi người bạn đời của bạn. Người ta vẫn thường lo ngại chuyện bà nhạc gia cứ hay xen vào làm rầy rà gia đình riêng của con trai hay con gái. Các chị em lo lắng có sự điều khiển từ phía sau “hậu trường” thường thấy từ mẹ chồng.
Phải làm sao đây? Chúng tôi có bí quyết phân li.
Bạn hãy nghe lại lời Chúa Giêsu nói về hôn nhân: “Nhưng lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li” (Mc 10,6-9).
Bạn đã biết, từ bí quyết đồng lao cộng tác, làm thế nào để hai thành một. Nhưng hãy lưu ý Chúa Giêsu đặc biệt nói rằng một người đàn ông phải lìa cha mẹ mình mà thành lập gia đình của riêng mình. Mục đích là để “gắn bó” với vợ của mình.
Gắn bó. Gắn bó có nghĩa là bám chặt lấy. Trung thành với. Giữ nghĩa thủy chung. Nói cách khác, gắn bó là giữ mãi, với một lòng rất thiết tha. Như thể ta bám chặt lấy một cái phao. Như khi bạn ôm chặt lấy người bạn lần cuối cùng trước khi người ấy đi ra chiến trận.
Hai vật hay hai người gắn bó với nhau khi họ kết hợp với nhau thân thiết đến nỗi hầu như không thể phân li. Hai kẻ kết giao với nhau hết sức nồng nàn. Họ không chỉ là bạn cùng phòng hay bạn bè theo thời vụ vì chung lợi ích.
Những nội hàm ấy của từ gắn bó là quan trọng để diễn tả đời sống hôn nhân, để hôn nhân triển nở tốt đẹp. Gắn bó là điều hết sức quan trọng.
Khi một cái cây được trồng trong một cái chậu nhỏ và có một hạt giống rơi từ đó xuống đất thành một cây con mới, thì điều gì sẽ xảy ra? Sẽ không có đủ chỗ trong cái chậu nhỏ cho cây con thứ hai ấy thực sự phát triển mạnh mẽ và sung túc. Nó sẽ bị chèn ép bởi cây cha cây mẹ.
Cũng giống như thế, để một cuộc hôn nhân được thực sự triển nở sung sức, đôi vợ chồng mới phải đứng vững trên đôi chân trong mảnh đất của riêng mình. Nếu cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ cứ lởn vởn hòng xen vào và kiểm soát, đôi vợ chồng mới sẽ phải đấu tranh để được đứng độc lập. Cả trường hợp người chồng chưa hoàn toàn lìa bỏ cha mẹ mình, cũng như trường hợp cha mẹ vợ cản trở người chồng gắn bó thực sự với vợ của anh. Cả hai trường hợp đều làm cuộc hôn nhân mới trở thành bạc nhược và lệ thuộc, hơn là làm cho nó mạnh mẽ và hoàn toàn độc lập.
Đó là bí quyết phân li. Một người chồng và vợ phải tách biệt khỏi gia đình gốc của họ để xây dựng cuộc sống hôn nhân – gia đình, làm cho gia đình mới phát triển hết mức trong khả năng giới hạn của mình. Tách biệt có thể theo nghĩa về thể lí hay địa lí. Sống chung nhà hoặc ở sân sau của nhà cha mẹ vợ (hay chồng) làm cho vợ chồng khó gắn bó với nhau và hình thành nên căn tính riêng của đôi bạn.
Nhiều cặp vợ chồng thấy cần phải sống chung hay ở gần gia đình cha mẹ, vì hoàn cảnh thiếu thốn về tài chính, hay để được ông bà giúp trông nom cháu nhỏ, hoặc để chăm sóc ông bà già yếu bệnh tật. Sắp xếp cuộc sống như thế có thể có nhiều thuận lợi đôi bề, nhất là khi vợ chồng đã kết hôn sau nhiều năm trước khi dọn nhà về sống chung hay gần ông bà. Gia đình nhiều thế hệ có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, trường hợp các cặp vợ chồng mới kết hôn, các cặp trẻ thường gặp những thách đố trong việc tạo lập nên dây liên kết hôn phối riêng của họ, khó độc lập mà không chịu sự chi phối của cha mẹ.
Thật ra đó không phải là điều không thể làm được. Các cặp vợ chồng mới và cha mẹ của họ có thể trao đổi thẳng thắn, chân thành, xác định với nhau đâu là những giới hạn giữa các bên và viết ra thành văn tự rõ ràng để nhắc nhớ mọi người lúc thích hợp. Có lẽ cần có những quãng thời gian để tách li khỏi cha mẹ, rời khỏi cái bóng che của cha mẹ, có thể có quyết định (có hiện diện của giáo hội nếu thấy cần thiết) đôi vợ chồng dùng bữa riêng ở đâu, hoặc sống thời gian nghỉ với nhau như thế nào. Đôi vợ chồng cần có những môi trường hoàn cảnh của riêng họ mà không bị ai quấy rầy.
Tách biệt cũng theo nghĩa tâm lí tình cảm nữa. Nếu một người mà quá phụ thuộc vào cha, mẹ, về mặt tình cảm (thường đối với người mẹ) thì tình thương dành cho người phối ngẫu của họ sẽ không được biểu lộ trọn vẹn.
Trái lại, hoàn cảnh sống riêng độc lập của đôi vợ chồng có thể cho thấy sự đúng đắn. Đối với Ron và Vicky, thách đố không do từ phía phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ và gia đình, cho bằng là họ không có một gia đình thực sự mẫu mực nào để học tập theo hoặc không có một cơ sở giúp tạo lập cuộc sống gia đình mới ổn định và yêu thương. Khi chúng tôi cùng làm tham vấn cho các cặp tiền hôn nhân, qua những trao đổi riêng, chúng tôi chia sẻ về lịch sử gia đình và những gì mỗi người phối ngẫu tương lai sẽ đóng góp phần mình cho cuộc hôn nhân của họ. Hầu hết các cặp có khuynh hướng tạo lập hôn nhân của họ theo kiểu của cuộc hôn nhân trong đó họ đã thấy và sống qua khi lớn lên trong sự bảo hộ của đấng sinh thành, dưỡng dục.
Đó là một mối băn khoăn của Ron. Anh chia sẻ mẹ anh đã từng kết hôn ba lần còn anh thì chưa từng gặp mặt bố anh. Anh nói về cuộc hôn nhân đầu tiên của anh và đã li dị cùng những hậu quả thiệt hại cho hai đứa trẻ bởi sự li dị. Anh cảm thấy rất cô đơn trong cuộc sống đến nỗi khi tôi hỏi anh có những thói quen nào từ gia đình (Wilsons) mang đến cho cuộc hôn nhân mới này, anh nói “tôi là gia đình Wilson”.
Đối với Ron, học để gắn bó chúng ta phải chấp nhận nhưng đầy thách thức. Anh ao ước được sống mối quan hệ gắn bó với vợ như thế, thế nhưng anh đã trải nghiệm một hôn nhân đổ vỡ và thất vọng về mọi quan hệ trong gia đình anh đã từng biết. Đối với anh, gia đình gốc không nên xen vào gia đình trẻ. Họ hoàn toàn không nên hiện diện trong gia đình trẻ, ngoại trừ nỗi đau họ để lại cho đời sống của anh. Đối với anh, gắn bó có lẽ là một ý niệm mới chăng. Anh cần phải tạo lập những tập quán mới để học tập làm thế nào gắn bó với vợ Vicky của mình một cách lành mạnh.
Ta có thể tách li bằng nhiều cách, và thậm chí có khi cần tham vấn trợ giúp các đôi vợ chồng thấy rằng nếu phụ thuộc quá mức sẽ kềm hãm sự phát triển hôn nhân như một toàn thể hợp nhất của họ. Đôi khi, sự tách li cần thiết ấy xảy ra cách tự nhiên khi đôi vợ chồng mới cưới cùng gặp khủng hoảng về mặt tình cảm và bước ra khỏi đó đến bờ bên kia, lại thấy hòa hợp với nhau trọn vẹn hơn và độc lập. Không gì có thể tạo ra sự gắn bó vợ chồng cho bằng khi họ đã cùng nhau trải qua kinh nghiệm những thời kì hết sức đau khổ.
Anita và tôi đã kinh nghiệm bí quyết phân li qua nhiều cách như thế. Vài năm sau khi kết hôn, chúng tôi dọn đến New Haven, Connecticut. Chuyển đến đó bởi vì tôi cần hoàn tất học trình Ph.D. về Tân ước và Các Nguồn gốc Kitô giáo cổ xưa tại Đại học Yale. Đây là một cơ hội rất may mắn, nhưng đòi hỏi chúng tôi phải chuyển nhà đi xa quê nhà Georgia của chúng tôi cả ngàn dặm, và xa mọi người bà con thân thuộc. Hoàn cảnh đó không luôn dễ dàng cho chúng tôi vì khi ấy chúng tôi có hai con nhỏ dưới hai tuổi, nhưng đó cũng là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi để sống cuộc hôn nhân của mình đầy đủ và tự lập, sẵn sàng cho phát triển hưng thịnh.
Thế nhưng, hành trình đó không dễ dàng chút nào. Đó là một thời kì quyết liệt và hứa hẹn thành đạt, nhưng không dễ dàng, có lẽ vì đó là lần đầu tiên chúng tôi học biết đau khổ cùng với nhau. Và không có chi thử thách hôn nhân, làm cho nó nên tốt đẹp hay nên xấu tệ hơn, như là trải qua đau khổ cùng nhau. Thời gian ở New Haven đặt hôn nhân và gia đình trẻ của chúng tôi trong lò luyện gian khổ, hoặc sẽ tôi luyện chúng tôi nên cứng cáp tốt đẹp, hoặc sẽ làm tan vỡ chúng tôi.
Đau khổ làm thay đổi mọi sự. Tôi không biết tại sao. Tôi không tìm đến nó. Chắc chắn tôi cũng không khuyến khích gặp những dịp đau khổ như thế trong cuộc sống của tôi. Tôi ít khi gặp ai đi xin Chúa trao chuyển cho đau khổ nhiều hơn. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, khi ít khi nhiều, bàn tay Chúa đã dùng những thời gian khó khăn, thách đố nhiều nhất trong cuộc đời tôi để tôi luyện tôi trưởng thành tâm linh và làm tôi lớn lên bằng những cách thức kì diệu không thể khác đi được. Những bài học sâu sắc nhất thường đến từ Đại học Dập-Nát-Tơi-Bời. Những bài học không thể học được chỉ từ sách vở. Cái gì đó mà chúng ta chỉ học được khi chúng ta sống nó mà thôi.
Nói vắn tắt là, thời gian chúng tôi sống ở New Haven là ba năm khó khăn nhất của cuộc sống hôn nhân chúng tôi. Nhưng đó cũng lại cho thấy là ba trong số những năm tuyệt vời nhất của cuộc sống hôn nhân chúng tôi. Thử thách của Đau khổ hoạt động như thế đó.
Cho tới khi ấy, thành thật mà nói, Anita và tôi đã có một cuộc sống tương đối thoải mái. Trong suốt những năm đó, tôi khổ sở vì căn bệnh viêm loét đại tràng mạn tính, các bác sĩ và chúng tôi chưa bao giờ khống chế được, thậm chí bằng những điều trị thử nghiệm với liều lượng lớn thuốc chống viêm cũng không thành công. Mỗi ngày vài tiếng đồng hồ trong nhà vệ sinh tôi chống chọi với cơn đau quặn ruột và xuất huyết, cơ thể tôi sụt giảm gần mười lăm kilô. Căn bệnh thể xác ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, đến con cái, đến cuộc sống hôn nhân của chúng tôi. Tôi, vì ảnh hưởng của thuốc trị liệu, ngày càng trở nên hay cáu gắt nóng nảy và khó sống với mọi người, tính khí thất thường. Anita cũng trở nên nói năng cư xử thận trọng, dè dặt hơn với tôi, và bảo vệ các cô con gái trước tính khí thất thường ấy của bố. Cả nhà có đi đâu với nhau, chúng tôi luôn dự kiến mỗi chặng đường xem có nhà vệ sinh công cộng không để tôi có thể dùng mỗi khi xảy ra chuyện khẩn cấp. Những việc khẩn cấp xảy ra khá thường xuyên, và lắm lúc chúng tôi cũng bối rối bởi phải chịu tình cảnh bừa bãi, nhớp nhúa, xảy ra ngoài ý muốn. Cuộc sống chung của chúng tôi rất mỏng manh dễ vỡ.
Tình trạng đó cuối cùng dẫn đến tôi phải giải phẫu cắt bỏ toàn bộ đại tràng và ruột già, và phải mang một cái túi theo mình thường xuyên suốt đời, đó cũng là một dấu nhắc nhở cuộc chiến đấu ấy.
Suốt ba năm ấy, Anita cũng gặp tai nạn hai lần vì sẩy thai. Thật thế, một ngày nọ xảy ra cả hai chúng tôi phải nằm trị bệnh trong cùng một bệnh viện, ở hai phòng không xa nhau mấy, trong lúc một người chị bà con từ xa ngàn cây số đến giúp chăm sóc các con của chúng tôi. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy mình yếu đuối bất lực như thế.
Tình trạng tồi tệ hơn khi một vài tháng sau đó bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư hắc tố da (melanoma) giai đoạn đầu, một bệnh có nguy cơ tử vong. Nhưng rất may mắn, khám phá sớm căn bệnh đã giúp việc chữa trị mau thành công.
Thật khó mô tả, cũng thật khó tưởng tượng, nhưng một cách nào đó, qua giai đoạn bị tách biệt xa gia đình ruột thịt này trong lúc phải chịu tôi luyện đau đớn của bệnh tật thể xác, mỗi người chúng tôi cảm nghiệm được bàn tay yêu thương của Thiên Chúa cách mới mẻ và thiết thực.
Nhờ tình thương và sự giúp đỡ của bạn bè ở đây, trong thành phố mới này nơi chúng tôi sống, nhờ lời cầu nguyện của nhiều người tín hữu ở khắp nơi, và qua Thánh Thần Chúa hiện diện trong những giờ khắc đen tối nhất của cuộc đời, cả hai chúng tôi cách nào đó thấy mình được lớn lên trong đức tin và cảm thấy gần Chúa hơn và gần nhau hơn. Điều đáng nhớ là, Thiên Chúa đã hành động trong hoàn cảnh đau khổ này cho tôi kinh nghiệm sắp xếp lại các điều ưu tiên và cho tôi thấy cái gì thực sự giá trị nhất trong cuộc đời này. Một số điều trước đây tôi hi vọng sẽ làm trong cuộc đời và sứ vụ của tôi bỗng chốc thấy chúng bị văng qua bên lề những bận tâm. Tôi nhận ra rằng Chúa rõ ràng ban cho tôi sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu và nhiều điều khác trong cuộc sống là những hệ luận chỉ làm xao lãng ơn gọi chính yếu kia.
Tôi không biết chắc chắn mình còn sống được bao lâu. Thiên Chúa cho tôi thấy khá rõ ràng rằng thời gian là thiết yếu và phải luôn thức tỉnh sẵn sàng. Đối diện với cái chết, tôi học được bài học kinh nghiệm lành mạnh là: chớ dung túng trong cuộc sống mình những điều thật vô ích. Quan trọng hơn, Anita và tôi, như một cặp vợ chồng, học biết kiên nhẫn khi xảy ra tình trạng có vẻ đen tối hay ảm đạm. Thiên Chúa vẫn quan phòng điều khiển mọi sự và chúng tôi học biết đặt niềm tin cậy nơi Ngài.
Các bác sĩ không thể trợ giúp; gia đình không thể cứu giúp; việc học hành của tôi không giúp được gì; những ước mơ và mục đích của chúng tôi không thể thực hiện. Chỉ có Chúa cứu giúp và là nguồn cậy trông của chúng tôi. Ngài dạy chúng tôi biết kiên nhẫn. Không trải qua khổ đau, chúng tôi khó có thể học được điều đó.
Kết quả sau cùng là Anita và tôi, khi bước ra khỏi thử thách đau khổ, cảm nhận gắn bó với nhau rất thâm sâu như một xương một thịt. Chúng tôi chắc hẳn đã không nhận thấy được như thế khi đang trải qua thời gian ba năm đó khi chúng tôi lìa xa các gia đình ruột thịt nội ngoại hai bên và hoàn toàn đứng một mình. Nhưng đó lại là thời gian hôn nhân của chúng tôi được trưởng thành, chuẩn bị cho hai mươi lăm năm chung sống tiếp theo sau đó. Chúng tôi cùng sẻ chia kinh nghiệm, tốt đẹp cũng như tệ hại, trọn vẹn nghĩa phu thê không ai khác ngoài hai vợ chồng. Chúng tôi đã có chung một lịch sử độc đáo, có chung những câu chuyện và cảm nghiệm của hai đứa chỉ chúng tôi biết, và từ đó, Thiên Chúa ban cho một sức mạnh bền đỗ.
Nói tóm lại, thời gian của chúng tôi ở New Haven đã giúp chúng tôi gắn bó với nhau và với Chúa hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm đó ở trong mầu nhiệm Quan Phòng của Thiên Chúa. Bí quyết phân li cho ta sức mạnh để một cặp hôn nhân triển nở tốt đẹp trong Chúa.