Mùa Giáng sinh được đánh dấu với nhiều cử hành do Đức Thánh Cha chủ sự. Cử hành đầu tiên của Đức Thánh Cha sẽ là Thánh lễ Vọng Giáng Sinh, vào lúc 7 giờ 30 tối thứ Bảy 24/12, tại đền thờ thánh Phêrô.
Vào ngày Giáng Sinh, vào lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật ngày 25/12, Đức Thánh Cha sẽ đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá “Urbi et Orbi”, cho thành Roma và toàn thế giới.
Thứ Bảy 31/12, vào lúc 5 giờ chiều, cũng tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự giờ Kinh Chiều I của lễ trọng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, và kinh “Te Deum – Tạ Ơn Chúa”, nhân dịp kết thúc năm 2021. Và ngày hôm sau, Chúa nhật, ngày 01/01/2023, chính ngày lễ trọng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, và Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 56, vào lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Tiếp đến là lễ Hiển Linh, thứ Năm 06/01/2023, cũng tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng. Cuối cùng, như truyền thống, lúc 9 giờ 30 Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, tại Nhà nguyện Sistine, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ và ban bí tích Rửa tội cho một số trẻ em.
Năm nay, vào ngày 8/12 tới đây, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha có thể sẽ đến tôn kính Đức Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha vào buổi chiều như truyền thống có từ lâu đời. Trong hai năm qua do tình hình đại dịch và để tránh tụ họp đông người gây lây nhiễm, Đức Thánh Cha đã đến đây một mình không có sự hiện diện đông đảo của các tín hữu, hoặc ngài chỉ làm một việc đạo đức riêng tư, phó dâng thành Roma, các cư dân và nhiều người bệnh ở mọi nơi trên thế giới cho Đức Mẹ.
Ngày 08/9/1857, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã khánh thành tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở quảng trường Mignanelli của Roma, bên cạnh quảng trường Tây Ban Nha. Gần một thế kỷ sau, vào ngày 8/12 hàng năm, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã yêu cầu đặt một bó hoa dưới chân tượng đài. Sau đó, Đấng kế vị ngài là Thánh Gioan XXIII, vào ngày 08/12/1958, lần đầu tiên đã rời Vatican và mang theo một số hoa hồng trắng dâng kính Đức Mẹ, rồi đến cầu nguyện tại đền thờ Đức Bà Cả. Truyền thống này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.