Tháng trước, ông Gotabaya Rajapaksa, tổng thống Sri Lanka đã bổ nhiệm một nhân vật gây tranh cãi, là nhà sư Phật giáo Galagodaaththe Gnanasara Thera, được biết đến với lập trường chống Hồi giáo, làm người đứng đầu một đội đặc nhiệm gồm 13 thành viên, để đưa vào đất nước khái niệm “Một quốc gia, một luật lệ”, đồng thời nghiên cứu một dự luật cho mục đích này. Khẩu hiệu “Một quốc gia, một luật lệ” cũng là khẩu hiệu được ông Rajapaksa sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2019, khi ông đắc cử tổng thống với sự ủng hộ đông đảo của đa số Phật tử cả nước. Theo sắc lệnh của tổng thống, lực lượng đặc nhiệm sẽ trình bày các khuyến nghị của ông với nhà chức trách mỗi tháng một lần và báo cáo cuối cùng vào ngày 28/02/2022.
Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 02/11/2021, Đức cha Winston S. Fernando, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka kêu gọi bãi bỏ sắc lệnh, và khẳng định rằng loại trừ nhóm tiểu số người Tamil, Ấn Độ giáo, Công giáo và các Kitô hữu khỏi lực lượng đặc nhiệm là một thiếu sót.
Về việc bổ nhiệm người đứng đầu đội đặc nhiệm, Đức cha Fernando nói: “Việc bổ nhiệm một người đứng đầu đội đặc nhiệm nhưng không xem xét bất kỳ tiền lệ nào là nguyên nhân gây thêm sự xúc phạm”. Theo Đức cha, thực tế nhà sư đã có liên quan đến các cuộc bạo động chống Hồi giáo vào năm 2013, và đã bị ủy ban điều tra của tổng thống buộc tội vì các vụ khủng bố vào Lễ Phục sinh năm 2019. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Giám mục nhấn mạnh rằng sắc lệnh của tổng thống “phải được bãi bỏ và một hiến pháp mới cần được soạn thảo để đảm bảo rằng mọi công dân đều được đối xử bình đẳng trước pháp luật”.
Các tổ chức Hồi giáo cũng đã ra tuyên bố chung, lên án mạnh mẽ việc bổ nhiệm nhà sư Phật giáo. Tuyên bố đã được ký bởi 24 cơ quan quan trọng. Bên cạnh đó, các nhóm đối lập cũng chỉ trích quyết định của tổng thống, bởi vì khẩu hiệu “Một quốc gia, một luật lệ”, sẽ dẫn đến nguy cơ là sự đa dạng sẽ bị loại bỏ và chỉ còn ý muốn của đa số.
Đáp lại những lời chỉ trích, nhà sư nhấn mạnh rằng “mục tiêu của lực lượng đặc nhiệm này là xây dựng một môi trường cho tất cả mọi người, bao gồm người Sinhalese, người Tamil, người Hồi giáo, Phật giáo, Công giáo và Ấn Độ giáo, cùng chung sống theo một luật lệ và một quốc gia”. (CSR_7283_2021)