Bản tin ngày 2 tháng 12 năm 2019 của Hãng tin CNA cho hay: các Giám Mục Úc ủng hộ các tiêu chuẩn báo cáo “có tính nhất quán toàn quốc” việc lạm dụng các vị thành niên, nhưng các Giám Mục cho biết không thể ủng hộ các tiêu chuẩn luật lệ mới áp dụng khắp nước buộc các linh mục báo cáo việc lạm dụng trẻ em có thực hoặc hoài nghi biết được nhờ tính bảo mật hoàn toàn của bí tích xưng tội.
Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Úc, nói trong một tuyên bố với hãng tin Reuters rằng “Việc loại bỏ các biện pháp bảo vệ theo pháp luật sẽ không hiệu quả, phản tác dụng và bất công: không hiệu quả vì những kẻ lạm dụng không tìm cách xưng tội và chắc chắn sẽ không tìm cách nếu họ biết các hành vi phạm tội của họ sẽ bị báo cáo”.
Ngài nói thêm “phản tác dụng vì cơ hội hiếm hoi trong đó một linh mục có thể khuyên những kẻ lạm dụng tự thú với cảnh sát và sửa đổi cuộc sống của họ sẽ bị mất; và bất công bởi vì nó sẽ xác lập, như một vấn đề pháp luật, một tình huống trong đó một linh mục sẽ không thể tự bảo vệ mình trước một lời buộc tội chống lại ngài”.
Các bộ trưởng tư pháp trong các Chính phủ liên bang và tiểu bang tại Úc đã đồng ý về các tiêu chuẩn báo cáo buộc các linh mục phá vỡ ấn tín bí tích hoặc vi phạm các quy tắc báo cáo lạm dụng bắt buộc của Úc. Hơn nữa, các linh mục sẽ không thể sử dụng việc bảo vệ các việc truyền thông đặc quyền trong ấn tín giải tội để tránh đưa ra bằng chứng chống lại bên thứ ba trong tố tụng hình sự hoặc dân sự.
Một thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp ngày 29 tháng 11 của các bộ trưởng tư pháp nói rằng “Đặc quyền giải tội không thể dựa vào để tránh việc bảo vệ trẻ em hoặc nghĩa vụ hình sự để báo cáo các tin tưởng, các nghi ngờ hoặc kiến thức về việc lạm dụng trẻ em”.
Nếu các linh mục phải tuân theo các đòi hỏi mới này và phá vỡ tính bảo mật, họ sẽ phạm tội trọng và tự động bị tuyệt thông. Bộ Giáo luật năm 1983 cho rằng ấn tín bí tích là “bất khả xâm phạm” và “tuyệt đối cấm một vị giải tội phản bội bằng bất cứ cách nào một hối nhân bằng lời nói hay bằng bất cứ cách nào và vì bất cứ lý do gì”. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói rằng sự bí mật của tòa giải tội “không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào”.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 về một đạo luật của tiểu bang Victoria tìm cách vi phạm tính bảo mật của tòa giải tội trong các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên, Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của Melbourne nói rằng bản thân ngài sẽ giữ ấn tín.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng những lời thú tội lạm dụng tình dục trẻ em trong bối cảnh xưng tội cực kỳ hiếm hoi. Ngài sẽ thúc giục bất cứ ai thú tội lạm dụng tự báo cáo với cảnh sát. Tuy nhiên, thực hành Công Giáo cấm một linh mục ra lệnh cho một hối nhân phải tự thú với các nhà cầm quyền.
Đức Tổng Giám Mục Comensoli cho biết ngài cũng sẽ khuyến khích người thú tội lạm dụng lặp lại việc thú nhận một lần nữa bên ngoài bối cảnh xưng tội, nơi ấn tín sẽ không được áp dụng và vị linh mục sẽ được tự do báo cáo kẻ lạm dụng với cảnh sát.
Ủy ban Hoàng gia về Các Đáp ứng của các Định Chế đối với việc Lạm dụng Tình dục Trẻ em, tức cuộc điều tra kéo dài năm năm của chính phủ Úc, đã kết thúc vào năm 2017 với hơn 100 khuyến cáo. Các khuyến cáo này bao gồm việc đòi các nhà lãnh đạo tôn giáo báo cáo việc lạm dụng trẻ em.
Các giáo viên, cảnh sát và các người thực hành y khoa đã bị luật lệ đòi phải báo cáo các cáo buộc lạm dụng thể chất và tình dục trẻ em.
Vào tháng 9, khi cơ quan lập pháp Tasmania thông qua luật báo cáo bắt buộc không dự liệu về tính bảo mật của tòa giải tội, Đức Tổng Giám Mục Julian Porteous của Hobart nói rằng Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố rõ ràng rằng “không thể có ngoại lệ đối với tính bất khả xâm phạm của ấn tín xưng tội”.
Ngài nói, Giáo hội sẽ tuân thủ tất cả các đòi hỏi khác của luật báo cáo bắt buộc.
Các linh mục và tất cả những người làm việc cho Giáo hội hiểu nghĩa vụ của họ trước pháp luật trong việc báo cáo về các vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên, các linh mục không thể tuân thủ luật pháp buộc họ vi phạm cam kết của họ đối với giáo huấn Giáo hội nhất quán về tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích.
Ngài nói, “Các chính phủ có thể đưa ra mọi loại biện minh cho việc muốn biết những gì đã được xưng thú với một linh mục, từ những biện minh cao quý nhất (bảo vệ cuộc sống của người vô tội) đến những biện minh đê tiện nhất (duy trì quyền lực chính trị)”.
Trích dẫn gương sáng của các vị thánh đã hy sinh mạng sống của họ thay vì vi phạm ấn tín xưng tội, Đức Tổng Giám Mục Porteous nói “Nếu một linh mục phá vỡ nó, các tín hữu sẽ mất tin tưởng rằng những gì họ xưng thú có thể được công khai hoặc sử dụng để chống lại họ”.
Hiến pháp Úc xác lập tự do tôn giáo. Điều không rõ là liệu thách thức pháp lý đối với các quy tắc này có thể thành công hay không.
Tờ Mail, hôm Chúa Nhật, tường trình rằng đạo luật đầu tiên buộc các linh mục phải báo cáo những lời thú tội lạm dụng đã được thông qua năm 2018 tại Lãnh thổ Thủ đô Úc. Các tiểu bang New South Wales, Queensland và Tây Úc đã bảo vệ các biện pháp bảo vệ pháp lý cho các linh mục tìm cách giữ bí mật.
Đức Hồng Y George Pell, người từng là Tổng Giám mục Sydney từ năm 2001 đến 2014, hiện đang kháng cáo bản án về năm cáo buộc rằng ngài đã lạm dụng tình dục hai ca viên vị thành niên sau Thánh lễ Chúa Nhật trong khi ngài là Tổng Giám mục Melbourne trong các năm 1996 và 1997. Ngài hiện đang thi hành bản án sáu năm tù.
Nguồn Vietcatholic