Điều này đã được khẳng định trong một tuyên bố chung của Đức cha Georg Bätzing, Giám mục Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức; Giám mục Heinrich Bedford-Strohm, chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin lành Đức và Đức TGM Augustinos, chủ tịch Hội đồng Giám mục Chính thống Đức. Với tuyên bố chung này, các vị lãnh đạo các Giáo hội trình bày sáng kiến cho chương trình từ ngày 27/9 đến 04/10 với chủ đề “Sống với nhau, cùng nhau phát triển”.
Khoảng 5.000 sự kiện riêng lẻ được lên kế hoạch trong hơn 500 thành phố và đô thị ở Đức. Nhận thức được các vấn đề nảy sinh từ đại dịch covid-19, các Giám mục mời gọi các nhà tổ chức Tuần lễ liên văn hóa lần thứ 45 hành động “với nhiều sáng tạo”. Theo các Giám mục, đại dịch đã làm thay đổi cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới. Những ảnh hưởng trực tiếp của sự lây lan virus và các biện pháp bảo vệ đặt ra những thách thức lớn cho tất cả và liên tục đòi hỏi những cân nhắc và quyết định mới cách cẩn thận trong điều kiện không ổn định.
Trong tài liệu, Đức cha Bätzing, Giám mục BedfordStrohm và chủ tịch Hội đồng Giám mục Chính thống Đức cũng nhắc lại rằng, năm nay kỷ niệm 70 năm Công ước Châu Âu về Nhân quyền (Cedu); một Công ước đã được Hội đồng Châu Âu thông qua vào năm 1950, nhằm bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản ở lục địa. Ban đầu, chỉ có 14 quốc gia ký Công ước, nhưng bây giờ tất cả 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Châu Âu đã thực hiện bước này. Ba Giám mục lưu ý: “Đây là một sáng kiến thành công”.
Tuy nhiên, các Giám mục cũng nhận định rằng, hiện nay ở châu Âu quyền con người và các quyền tự do cơ bản vẫn còn bị cản trở và vẫn chưa được cho là điều hiển nhiên. Các vị lãnh đạo Kitô nói: “Không thể chấp nhận có nhiều nơi ở châu Âu, việc bảo vệ người tị nạn đang bị suy yếu trong nhiều tháng qua. Dường như chúng ta quên rằng quyền con người và các quyền tự do cơ bản được áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể nguồn gốc của họ là gì. Do đó, thật xấu hổ khi những người bảo vệ quyền của người tị nạn và nhân quyền bị vu khống, đe dọa và tấn công”.
Các bị lãnh đạo nhắc lại trách nhiệm của mỗi người liên quan đến những đau khổ của những người sống kề bên; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những ai tích cực tham gia giải cứu và bảo vệ những người chạy trốn khỏi đau khổ và chiến tranh, bạo lực và thảm họa khí hậu.
Đáp ứng lời kêu gọi, cho tới thời điểm này, ở Đức, đã có hơn 140 thành phố cho biết đã sẵn sàng đón tiếp người tị nạn và là “nơi trú ẩn an toàn”. (Osservatore Romano 20/5/2020)
Ngọc Yến – Vatican News