
Vatican News
Thời gian hữu ích
Trước hết, làm thế nào chúng ta có thể sử dụng thời gian nghỉ ngơi và làm cho nó trở nên hữu ích? Câu hỏi này được đề cập trong nhiều suy tư của các Giáo hoàng. Trước hết, vì kỳ nghỉ không chỉ đóng vai trò bên lề trong cuộc sống con người. Các Giáo hoàng nhấn mạnh rằng chúng không nên chỉ được coi là khoảng thời gian nhàn rỗi thuần túy gắn liền với sự nghỉ ngơi. Ví dụ, thời gian này có thể chứng minh là thời điểm thuận lợi để suy ngẫm về vẻ đẹp của thiên nhiên, được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI định nghĩa là “cuốn sách của Chúa”. Ngài nhấn mạnh rằng trong kỳ nghỉ, chúng ta có thể khám phá lại sự tiếp xúc với khung cảnh “luôn rộng mở, luôn mới mẻ, luôn tuyệt vời” của thụ tạo: “không gian, bầu khí quyển, động vật, các sự vật; biển, núi, đồng bằng, bầu trời với bình minh, buổi trưa, hoàng hôn và đặc biệt là những đêm đầy sao, sâu thẳm và luôn quyến rũ”.
Đức Phaolô VI: nghỉ hè với những chọn lựa thông minh và cảnh giác
Nhưng kỳ nghỉ cũng là thời gian hiệu quả khi sự gián đoạn nhịp điệu làm việc bình thường có thể thúc đẩy sự tĩnh lặng nội tâm và sự suy tư. Đức Giáo hoàng Phaolô VI, tại buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 5 tháng 8 năm 1973, đã phác thảo một chương trình đặc biệt cho khoảng thời gian nghỉ ngơi này:
Chúng ta hãy đảm bảo rằng thời gian không làm việc này, thời gian mà chúng ta gọi là kỳ nghỉ, không phải là sự phung phí hay ích kỷ. Thư giãn, giải trí, nghỉ ngơi (theo nghĩa từ nguyên), đúng vậy, nhưng cách thông minh và cảnh giác. Ví dụ, có những tài liệu sách vở cần đọc mà chúng ta không thể dành đủ thời gian cần thiết trong năm; có những chuyến du ngoạn để khám phá về nhiều kho tàng tuyệt đẹp trong lịch sử và nghệ thuật của chúng ta; chúng ta hãy ưu tiên chọn lựa những điều này. Và sau đó, chúng ta hãy nhớ rằng kỳ nghỉ là thời gian đặc biệt để có những tình bạn tốt đẹp, để tìm hiểu về những địa điểm, phong tục và nhu cầu của những người mà chúng ta thường không tiếp cận, và để gặp gỡ những người mới đáng để chúng ta trò chuyện.
Đức Gioan Phaolô II: Một trong những giá trị của kỳ nghỉ là gặp gỡ
Kỳ nghỉ là cơ hội để chia sẻ những khoảnh khắc an bình. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người thích dành thời gian nghỉ ngơi ở những ngọn núi yêu thích của ngài, đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng, để tái tạo bản thân, chúng ta cần sự hòa hợp, cần trải nghiệm vẻ đẹp của những cuộc gặp gỡ với người khác.
Ngài đã tuyên bố tại buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 6 tháng 7 năm 1997: “Để kỳ nghỉ thực sự là một kỳ nghỉ và mang lại phúc lợi đích thực, một người cần phải tìm lại sự cân bằng tốt – với chính mình, với người khác và với môi trường. Chính sự hòa hợp trong chính mình và bên ngoài này tái tạo tâm hồn và phục hồi năng lượng cho cơ thể và tinh thần”. Ngài nói:
Một trong những giá trị của kỳ nghỉ là gặp gỡ, ở cùng người khác một cách vô vị lợi, vì niềm vui của tình bạn và chia sẻ những khoảnh khắc bình yên. Tuy nhiên, hiểu được tâm hồn con người và những hạn chế của xã hội tiêu dùng, tôi muốn đề xuất, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, rằng họ hãy nghỉ hè cách lành mạnh, tức là một sự rút lui lành mạnh, tránh những hành vi có hại cho sức khỏe của chính họ và của người khác. Nếu không, chúng ta sẽ lãng phí thời gian và nguồn lực và trở lại “kỳ nghỉ” mong đợi từ lâu mà không có bất kỳ lợi ích nào. Việc rút lui, chạy trốn này có thể hữu ích, miễn là chúng ta không trốn tránh các tiêu chuẩn đạo đức lành mạnh và tôn trọng nghiêm túc đối với sức khỏe của chính mình. Quyền được nghỉ ngơi không được làm chúng ta quên những người, vì nhiều lý do, không thể rời khỏi môi trường xung quanh bình thường của họ, do bị ngăn cản bởi tuổi tác, sức khỏe hoặc công việc, hạn chế tài chính hoặc các vấn đề khác.
Đức Biển Đức XVI: Đứng trước thiên nhiên con người tái khám phá mình là một thụ tạo
Đặc biệt đối với những người sống ở các thành phố lớn, thường hối hả và mất tập trung, điều quan trọng là phải hòa mình vào thiên nhiên trong một thời gian. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, tại buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 17 tháng 7 năm 2005, tại vùng núi Les Combes ở Thung lũng Aosta, đã nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu này. Ngài nói:
Trong thế giới chúng ta đang sống, việc có thể nạp lại năng lượng cho cơ thể và tinh thần đã trở thành điều gần như cần thiết, đặc biệt đối với những người sống ở các thành phố, nơi nhịp sống thường hối hả không còn nhiều chỗ cho sự tĩnh lặng, suy ngẫm và tiếp xúc thư giãn với thiên nhiên. Kỳ nghỉ cũng là những ngày mà người ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, đọc sách và suy niệm về ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống, trong bối cảnh an bình của gia đình và những người thân yêu. Thời gian nghỉ ngơi mang đến những cơ hội độc đáo để dừng lại trước những cảnh tượng tuyệt vời của thiên nhiên, một “cuốn sách” tuyệt vời mà mọi người, già trẻ, đều có thể tiếp cận. Khi tiếp xúc với thiên nhiên, con người khám phá lại chiều kích thực sự của mình, khám phá lại bản thân như một thụ tạo, nhỏ bé nhưng đồng thời cũng độc nhất, “có khả năng hướng đến Thiên Chúa” để nội tâm mở ra với Đấng Vô Hạn.
Đức Phanxicô: Đào sâu hành trình thiêng liêng
Kỳ nghỉ cũng là thời gian để đào sâu hành trình tâm linh của chúng ta. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 6 tháng 8 năm 2017, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặc biệt mời chúng ta đi theo con đường này. Ngài nói:
Mùa hè là thời gian Chúa ban để gia tăng sự dấn thân tìm kiếm và gặp gỡ Chúa của chúng ta. Trong thời gian này, học sinh được nghỉ học và nhiều gia đình đang đi nghỉ; điều quan trọng là trong thời gian nghỉ ngơi và tách biệt khỏi công việc hàng ngày này, chúng ta có thể bổ sung sức mạnh cho cơ thể và tinh thần của mình bằng cách đào sâu hành trình thiêng liêng của mình. (…) Xin Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta giúp chúng ta hòa hợp với Lời Chúa, để Chúa Kitô có thể trở thành ánh sáng và người hướng dẫn cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ kỳ nghỉ của mọi người, để những kỳ nghỉ có thể được bình an và hữu ích, nhưng đặc biệt là mùa hè của những người không thể đi nghỉ do tuổi tác, sức khỏe, công việc, hạn chế tài chính hoặc các vấn đề khác, để kỳ nghỉ có thể là thời gian thư giãn, được làm sống động bởi sự hiện diện của bạn bè và những khoảnh khắc vui tươi.
Do đó, đối với các Giáo hoàng, kỳ nghỉ là thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, nhưng cũng là thời gian để suy niệm, để sống Lời Chúa. Trong sự hòa hợp này, sự nghỉ ngơi có thể biến thành một hành trình để nhận ra ánh mắt yêu thương của Chúa trong sự thinh lặng nội tâm và giữa những đỉnh cao của tâm hồn và thiên nhiên.