KINH THÁNH
Dâng khối u và chuột bằng vàng để chận đứng dịch bệnh (1 Sm 5-6)
Sébastien Doane
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ từ interBible.org
Kinh Thánh có những đoạn nói về đủ mọi thể loại dịch bệnh. Trong thời gian dịch toàn cầu này, xin đề nghị đọc một trình thuật Kinh Thánh khá khác lạ mà trong đó sự hiện diện của Hòm Bia Giao Ước đem lại dịch bệnh được dập tắt bằng những phương pháp kỳ lạ …
Nguồn gốc của dịch bệnh
Trong 1 Samuen 5, người Philitinh chiếm lấy Hòm Bia Giao Ước và mang về thành Átđốt, để trong đền thờ Đagôn, một trong những vị thần của họ. Trong đêm, tượng thần Đagôn ngã sấp mặt trước Hòm Bia. Ngày hôm sau người ta dựng tượng lên nhưng đến đêm sau thì đầu và tay thần Đagôn bị chặt đứt. Và rồi bất hạnh lại đổ xuống trên thành của người Philitinh.
Hòm Bia Giao Ước ở đền Đagôn, Bích họa ở Hội đường Doura Europos
Bàn tay Đức Chúa đè nặng trên người Átđốt, Người làm cho chúng phải điêu linh, và mắc những khối u, tại Átđốt và trong lãnh thổ. Thấy vậy, người Átđốt nói: “Đừng để Hòm Bia Thiên Chúa Ítraen ở lại với chúng ta, vì Người đã ra tay đối xử nghiệt ngã với chúng ta và với thần Đagôn của chúng ta; chúng sai người đi mời tất cả các vương hầu người Philitinh đến với chúng. Chúng nói: “Chúng tôi phải làm gì với Hòm Bia Thiên Chúa Ítraen?” Các vương hầu trả lời: “Phải di chuyển Hòm Bia Thiên Chúa Ítraen đến Gát.” Họ đã di chuyển Hòm Bia Thiên Chúa Ítraen đi. Sau khi di chuyển Hòm Bia, tay Đức Chúa giáng xuống trên thành. Chúng vô cùng hoảng sợ. Đức Chúa đánh phạt người trong thành, từ bé đến lớn: khối u mọc trên khắp người chúng. Chúng gửi Hòm Bia Thiên Chúa đến Écrôn. Nhưng khi Hòm Bia đến Écrôn thì người Écrôn kêu lên rằng: “Họ di chuyển Hòm Bia Thiên Chúa Ítraen đến với (chúng) ta, để giết (chúng) ta và dân (chúng) ta.” (1 Sm 5,6-10)
Thật khó mà xác định chính xác bản chất của điều dữ này là gì. Từ được dịch ở đây là “khối u”, một loại bệnh tật sưng phồng lên. Các thầy rabbi thì nói đó là bệnh trĩ (hémorroïdes), còn các nhà chú giải hiện đại thì nói nó liên quan đến dịch hạch và những dịch tễ khác do chuột lây lan bởi vì con vật này có vai trò trong phần tiếp theo của câu chuyện.
Một giải pháp dị thường
Một nỗi kinh hoàng chết chóc bao phủ lên các thành phố của người Philitinh bị bàn tay Thiên Chúa tàn phá: “Những người không chết thì bị mắc những khối u, và tiếng kêu của thành đã thấu tới trời” (1 Sm 5,12). Sau sáu tháng lan tràn dịch bệnh, các tư tế và thầy bói của người Philitinh phải trả lại Hòm Bia Giao Ước và chịu đền bồi để hy vọng được chữa lành: “Năm cái khối u bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, tính theo số các vương hầu người Philitinh, vì cũng một tai họa đã giáng xuống trên tất cả anh em và trên các vương hầu của anh em. Anh em hãy làm những hình ảnh các khối u của anh em, và hình ảnh các con chuột đang phá phách xứ sở, và hãy tôn vinh Thiên Chúa Ítraen. May ra Người sẽ nhẹ tay với anh em, với các thần của anh em và xứ sở anh em” (1 Sm 6, 4-5)
Sự đền bồi này nhắc lại câu chuyện con rắn đồng (Ds 21,6-9). Trong sa mạc, Thiên Chúa bảo ông Môisê dựng lên một con rắn bằng đồng để chống lại hậu quả gây chết người của vết rắn cắn. Phương thuốc chữa trị được thông qua hình ảnh biểu tượng của đối tượng gây ra sự dữ. Vì thế, những khối u và những con chuột liên hệ đến cơn dịch bệnh được biểu trưng bằng hình ảnh và dâng lên làm lễ đền bồi nhằm hy vọng được chữa lành.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến cả người Ítraen
Để đưa Hòm Bia cũng như các khối u và chuột bằng vàng trở về, người Philitinh bắt hai con bò sữa mà thắng xe và nói rằng nếu chúng đi thẳng đến Bết Semét, đất của người Ítraen, thì điều đó chứng tỏ rằng chính Thiên Chúa đã gây ra tai họa này.
Trước hết, tại Bết Semét, Hòm Bia đến đã làm cho mọi người hân hoan. Các thầy Lêvi sát tế những con bò cái làm của lễ và đặt lễ vật lên một hòn đá lớn. Tuy nhiên, niềm vui của họ chóng biến thành tai họa: “Người đã đánh phạt những người Bết Semét vì họ đã nhìn thấy Hòm Bia Đức Chúa. Trong dân, Người đã đánh phạt bảy mươi người. Dân để tang vì Đức Chúa đã đánh dân một đòn đau” (1 Sm 6,19). Hòm Bia sau đó được chuyển đến Kiagiát Giơarim, để nơi một thánh địa.
Từ “cách ly xã hội” đến tình đoàn kết xã hội
Đoạn Kinh Thánh này chứng tỏ rằng mọi tai họa thường được gán cho Thiên Chúa. Ở đây, dịch bệnh và chết chóc là hình phạt dành cho dân Philitinh vì đã chiếm lấy Hòm Bia, và cả dân Ítraen ở Bết Semét vì đã nhìn thấy Hòm Bia. Không gì ngạc nhiên khi những người chủ trương chú giải Kinh Thánh theo nghĩa đen hay duy văn tự (fondamentaliste) đã nhìn thấy dịch COVID-19 như hình phạt của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng có những đoạn Kinh Thánh làm dấy lên nghi ngờ về sự gán ghép vội vàng này. Chẳng hạn, “bạn bè” của ông Gióp hiểu rằng sự đau khổ của ông là do Thiên Chúa phạt vì tội lỗi của ông, thì các độc giả đều biết rằng cách giải thích truyền thống này về sự dữ đã không có ý nghĩa. Trong các Tin Mừng, ta cũng thấy niềm tin rằng dịch bệnh được gắn liền với tội lỗi của một người hay cha mẹ người ấy. Trong Gioan 9, khi có người hỏi ai đã phạm tội khiến cho một người mù từ lúc mới sinh thì Đức Giêsu trả lời rằng: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Hy vọng rằng những khó khăn hiện nay do dịch bệnh trở thành cơ hội vượt qua sự “cách ly xã hội” đến với tình đoàn kết xã hội để công trình Thiên Chúa được tỏ hiện cho một thời gian rất cần đến điều này.
Nguồn: gpquinhon.org