
Vatican News
Sứ vụ Phêrô: Một tình yêu trở thành sự phục vụ Giáo hội và toàn thể nhân loại
Suy tư về đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô 3 lần, “Con có yêu mến Thầy không?”, Đức Hồng y trưởng đẳng Phó tế Mamberti, cũng là Chủ tịch Tối cao pháp viện của Tòa Thánh, nói rằng sứ vụ của Thánh Phêrô và các Tông đồ “chính là tình yêu, một tình yêu trở thành sự phục vụ Giáo hội và toàn thể nhân loại”. Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, “được thúc đẩy bởi tình yêu của Chúa,” đã trung thành với sứ vụ của ngài “đến mức hao mòn sức lực”. Đức Hồng y nhận xét rằng bài Phúc Âm này đặc biệt phù hợp với một Giáo hội hiện đang cầu nguyện cho một người kế vị mới của Thánh Phêrô khi Mật nghị bắt đầu vào ngày 7/5.
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người
Nhắc đến bài đọc thứ nhất trích từ Công vụ Tông đồ, Đức Hồng y nhắc lại rằng Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở những người quyền thế phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người và công bố cho toàn thể nhân loại niềm vui của Phúc Âm, Chúa Cha nhân từ và Chúa Kitô Cứu thế. Ngài đã thực hiện điều này trong giáo huấn của ngài, trong các chuyến viếng thăm, trong các cử chỉ, trong lối sống của ngài.
“Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu Chúa”
Nhắc lại lời Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức Hồng y chủ tế lưu ý rằng Chúa Giêsu hài lòng với tình yêu nghèo nàn của Thánh Phêrô, tình yêu duy nhất mà ông có thể có. Chính sự hiểu biết thiêng liêng này đã mang lại hy vọng cho người môn đệ đã từng trải qua nỗi đau của sự bất trung. Từ khoảnh khắc đó, Thánh Phêrô đã theo Thầy “với nhận thức đầy đủ về sự mong manh của chính mình”. Đức Hồng y cũng nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II vào dịp kỷ niệm 25 năm triều đại giáo hoàng: “Mỗi ngày trong lòng tôi, tôi sống lại cùng một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô”, và nói rằng ngài cảm thấy Chúa Giêsu khuyến khích ngài trả lời, giống như Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu Chúa”. Sau đó, Chúa Giêsu lại giao phó cho ngài những trách nhiệm của mình.
Cầu nguyện là “một động lực của tình yêu”
Lưu ý rằng “sự tôn thờ Thiên Chúa là chiều kích thiết yếu của sứ vụ của Giáo hội và của đời sống tín hữu”, Đức Hồng y Mamberti nói rằng “Khả năng tôn thờ này được nhận thấy rõ ràng nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đời sống mục vụ mãnh liệt và vô số cuộc gặp gỡ của ngài luôn bắt nguồn từ những khoảng thời gian cầu nguyện dài được định hình theo kỷ luật của Thánh Inhaxiô. Ngài thường nhắc nhở Giáo hội rằng chiêm niệm là “một động lực của tình yêu”, điều “nâng chúng ta lên với Chúa không phải để tách chúng ta khỏi thế gian, mà để giúp chúng ta sống trong đó sâu sắc hơn”.