
Vatican News
Trước hết về tương quan cá nhân, Đức Hồng Y Tagle cho biết, lần đầu tiên ngài gặp Đức Thánh Cha Lêô là ở Manila và Roma, khi đó còn là Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô. Rồi từ năm 2023, hai vị gặp nhau tại Giáo triều Roma. ĐHY Tagle cho biết: “Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV là người có khả năng lắng nghe sâu sắc và kiên nhẫn. Trước khi đưa ra một quyết định, ngài luôn dành thời gian để nghiên cứu và suy xét một cách cẩn trọng. Ngài bày tỏ cảm xúc và quan điểm của mình mà không hề áp đặt. Ngài có nền tảng trí thức và văn hóa vững vàng nhưng không phô trương. Trong các mối quan hệ, ngài mang lại một sự ấm áp nhẹ nhàng, được tôi luyện qua cầu nguyện và kinh nghiệm truyền giáo”.
Qua cuộc bầu chọn Giáo hoàng lần này, người ta chứng kiến những điểm khác biệt lớn giữa những suy đoán của thế gian về sự chia rẽ trong Giáo hội, và thực tế Giáo hội do Chúa Thánh Thần hướng dẫn với cuộc bầu chọn nhanh chóng chứng tỏ sự hiệp nhất giữa các Hồng y. Về điều này, Đức Hồng Y nhấn mạnh, Mật nghị là một sự kiện phụng vụ, một thời gian và một không gian cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, những thúc đẩy của Thánh Thần, những tiếng rên rỉ của Giáo hội, nhân loại và Thụ tạo, của sự thanh luyện cá nhân và cộng đoàn về sự thúc đẩy, cũng như về việc thờ phượng và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng mà ý muốn của Người phải ngự trị trên hết. Cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thánh Cha Lêô đều được bầu chọn vào ngày thứ hai của Mật nghị. Điều này dạy mọi người, cũng như các gia đình, giáo xứ, giáo phận và quốc gia của rằng sự hiệp thông tâm hồn và lý trí là điều có thể nếu chúng ta thờ phượng Thiên Chúa thực sự.
Trong Nhà nguyện Sistine, Trưởng Phân bộ thứ hai của Bộ Loan báo Tin Mừng ngồi cạnh Đức Hồng Y Prevost. Với câu hỏi về phản ứng của Đức Giáo Hoàng tương lai khi thấy số phiếu ngày càng cao dành cho mình, Đức Hồng Y Tagle nói: “Phản ứng của ngài là sự đan xen giữa nụ cười và hít thở sâu. Đó là một sự đón nhận thánh thiện và một sự lo lắng thiêng liêng. Tôi đã âm thầm cầu nguyện cho ngài. Ngay khoảnh khắc ngài đạt đủ số phiếu cần thiết, một tràng pháo tay vang dội đã nổ ra, giống như khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu chọn. Các hồng y đã bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn đối với người anh em của mình, Đức Hồng Y Prevost. Nhưng đó cũng là một khoảnh khắc thân mật giữa Chúa Giêsu và ngài, một thời gian mà chúng ta không thể bước vào và cũng không được làm gián đoạn. Tôi đã tự nhủ: Chúng ta hãy để sự thinh lặng thánh thiêng bao bọc lấy Chúa Giêsu và Phêrô’”.
Sinh ra ở Hoa Kỳ, và truyền giáo ở Peru, Đức Thánh Cha Lêô XIV được gọi là “Đức Giáo Hoàng của hai thế giới”, vậy còn đối với Á châu thì sao? Đức Hồng Y Tagle trả lời rằng, kinh nghiệm đa lục địa và đa văn hoá của Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ giúp ngài trong thừa tác vụ và mang lại điều tốt đẹp cho Giáo hội. Người dân Á châu yêu mến Đức Thánh Cha bất kể ngài đến từ đâu. Ngài không chỉ được người Công giáo yêu mến, nhưng cả từ các Kitô hữu khác và các tín đồ của các tôn giáo không phải Kitô giáo.
Trong cuộc phỏng vấn, câu hỏi về việc Đức Hồng Y Tagle được nhiều người “ủng hộ”, hy vọng ngài trở thành Giáo hoàng cũng được đặt ra. Trưởng Phân bộ thứ hai của Bộ Loan báo Tin Mừng nhấn mạnh, ngài cố gắng tập trung sức mạnh thiêng liêng và con người để không bị chi phối. Ngài suy niệm Tông hiến Universi Dominici Gregis liên quan đến nhiệm vụ nặng nề được giao cho các Hồng y, và do đó sự cần thiết hành động với sự hiểu biết đúng vì lợi ích cho Giáo hội hoàn vũ. Khi đặt lá phiếu xuống, mỗi Hồng y nói: “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ phán xét tôi, làm chứng rằng lá phiếu của tôi được trao cho người mà theo Thiên Chúa, tôi cho là nên được bầu chọn”. Rõ ràng là không có ứng viên nào theo “nghĩa thế gian” của các cuộc bầu cử chính trị, nơi mà lá phiếu cho một ứng viên đồng nghĩa với lá phiếu đó chống lại một ứng viên khác. Khi chúng ta tìm kiếm lợi ích cho Giáo hội hoàn vũ, thì không có kẻ thắng người thua. Nguyên tắc hướng dẫn này giúp thanh luyện tâm trí và mang lại sự thanh thản.