Đức Thánh Cha Lêô XIV đã dành một trong những buổi tiếp kiến đầu tiên sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng cho các tín hữu thuộc các Giáo hội Công giáo Đông phương đang ở Roma tham dự Ngày Năm Thánh dành cho các Giáo hội này
Hiện nay có 23 Giáo hội Công giáo Đông phương, tự quản và hiệp thông hoàn toàn với Đức Giáo hoàng, và bảo tồn các nghi lễ phụng vụ, thần học và truyền thống riêng bắt nguồn từ Kitô giáo Đông phương. Các Giáo hội này hiện diện đa số tại vùng Đông Âu, Trung Đông, Ấn Độ và một số vùng của Châu Phi, với các cộng đoàn trực thuộc ở khắp nơi trên thế giới.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến vào sáng thứ Tư ngày 14/5/2025 có Đức Hồng y Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, các Thượng phụ, Hồng y, Giám mục, linh mục tu sĩ và khoảng 4.000 tín hữu thuộc các Giáo hội của các nghi lễ khác nhau.
Mở đầu buổi tiếp kiến diễn ra tại đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và sau đó chào bình an cho cộng đoàn hiện diện. Trong bài diễn văn, ngài ca ngợi sự đa dạng, chiều sâu thiêng liêng và sức mạnh của các truyền thống Đông phương, nhấn mạnh giá trị phụng vụ, thần học và đan tu của các Giáo hội Đông phương đối với toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, ngài cảnh báo về nguy cơ đánh mất bản sắc tôn giáo trong cộng đồng di dân và kêu gọi bảo tồn truyền thống và giúp đỡ tín hữu duy trì căn tính của mình. Nói đến những đau khổ khắc nghiệt mà các Giáo hội này đang trải qua, Đức Thánh Cha nhắc lại cam kết của chính ngài và sự dấn thân của toàn thể Giáo hội trong việc hỗ trợ các bên xung đột để đối thoại, kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy chọn hòa bình.
Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn như sau:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ
DÀNH CHO CÁC TÍN HỮU GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
Đại thính đường Thánh Phaolô VI
Thứ Tư, 14 tháng 5 năm 2025
Kính thưa quý Thượng phụ, quý Hồng y, Giám mục,
quý linh mục, tu sĩ nam nữ,
anh chị em thân mến,
Đức Kitô đã sống lại. Thật vậy, Người đã sống lại! Tôi xin chào anh chị em bằng những lời mà tại nhiều vùng của Kitô giáo Đông phương vẫn không ngừng lặp lại trong mùa Phục Sinh này, khi tuyên xưng điều cốt lõi của đức tin và niềm hy vọng. Thật là tuyệt vời khi gặp thấy anh chị em ở đây nhân dịp Năm Thánh hy vọng, niềm hy vọng mà sự phục sinh của Chúa Giêsu là nền tảng không thể phá huỷ. Chào mừng anh chị em đến Roma! Tôi rất vui được gặp gỡ anh chị em và dành một trong những buổi gặp đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của tôi cho các tín hữu Đông phương.
Đề cao các truyền thống Đông phương
Anh chị em thật quý giá. Khi nhìn về anh chị em, tôi nghĩ đến sự đa dạng trong nguồn gốc của anh chị em, đến lịch sử huy hoàng và những đau khổ khắc nghiệt mà nhiều cộng đoàn của anh chị em đã và đang trải qua. Tôi muốn nhắc lại lời Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về các Giáo hội Đông phương: “Đó là những Giáo hội được yêu mến: các Giáo hội ấy gìn giữ những truyền thống thiêng liêng và khôn ngoan độc đáo, và có rất nhiều điều để nói với chúng ta về đời sống Kitô hữu, về tính hiệp hành và phụng vụ; hãy nghĩ đến các Giáo phụ xa xưa, đến các Công đồng, đến đời sống đan tu: đó là những kho báu vô giá của Giáo hội” (Diễn văn gửi các tham dự viên Hội nghị ROACO, ngày 27 tháng 6 năm 2024).
Tôi cũng muốn trích dẫn Đức Giáo hoàng Lêô XIII, người đầu tiên đã dành một văn kiện riêng để nói về phẩm giá của các Giáo hội của anh chị em, trên hết từ sự thật là “công trình cứu chuộc nhân loại đã khởi sự ở phương Đông” (xem Tông thư Orientalium dignitas, ngày 30 tháng 11 năm 1894). Vâng, anh chị em “có một vai trò độc nhất và được ưu ái, vì là bối cảnh khởi đầu của Giáo hội sơ khai” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Orientale lumen, số 5). Thật ý nghĩa khi một số phụng vụ của anh chị em — trong những ngày này đang được cử hành trọng thể tại Roma theo các truyền thống khác nhau — vẫn còn sử dụng ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu. Nhưng Đức Giáo hoàng Lêô XIII cũng đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết để “sự đa dạng hợp pháp của phụng vụ và kỷ luật Đông phương […] trở nên nguồn vinh quang và lợi ích lớn lao cho Giáo hội” (Tông thư Orientalium dignitas). Mối quan tâm của ngài khi ấy vẫn còn rất hợp thời, bởi vì ngày nay, nhiều anh chị em Đông phương — trong đó có không ít người trong anh chị em — đã buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh và bách hại, bất ổn và nghèo đói, khi đến phương Tây, đang có nguy cơ, không chỉ mất quê hương mà còn mất cả căn tính tôn giáo của mình. Và như thế, theo dòng thời gian, kho tàng vô giá của các Giáo hội Đông phương dần dần bị mai một.
Gìn giữ các truyền thống sống động
Hơn một thế kỷ trước, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã nhận thấy rằng “việc bảo tồn các nghi lễ Đông phương quan trọng hơn người ta tưởng” và vì mục đích đó, ngài thậm chí đã quy định rằng “bất kỳ nhà truyền giáo nghi lễ Latinh nào, thuộc hàng giáo sĩ triều hay dòng tu, nếu bằng lời khuyên hay sự trợ giúp mà lôi kéo một tín hữu nghi lễ Đông phương theo nghi lễ Latinh”, thì sẽ “bị sa thải và loại khỏi nhiệm vụ của mình” (ibid.). Chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi gìn giữ và thăng tiến Kitô giáo Đông phương, đặc biệt là trong cộng đồng hải ngoại; ở đây, ngoài việc thiết lập — nếu có thể và phù hợp — các giáo hạt phương Đông, thì còn cần nâng cao nhận thức nơi các tín hữu nghi lễ Latinh. Theo hướng này, tôi xin yêu cầu Bộ các Giáo hội Đông phương — mà tôi xin chân thành cảm ơn vì công việc của họ — hãy giúp tôi xác định các nguyên tắc, quy định và hướng dẫn qua đó các vị Mục tử nghi lễ Latinh có thể hỗ trợ cách cụ thể các tín hữu Công giáo Đông phương sống ở hải ngoại trong việc gìn giữ các truyền thống sống động của họ, và làm phong phú thêm môi trường họ đang sống bằng những nét đặc thù của mình.
Giáo hội cần các tín hữu Đông phương
Đức Thánh Cha nói tiếp: Giáo hội cần đến anh chị em. Sự đóng góp mà Kitô giáo Đông phương có thể mang lại cho chúng ta hôm nay thật to lớn biết bao! Chúng ta cần biết bao việc phục hồi lại cảm thức về mầu nhiệm — điều vốn sống động trong các phụng vụ của anh chị em — nơi mà toàn thể con người đều tham gia, nơi ngợi ca vẻ đẹp của ơn cứu độ và khơi dậy lòng thán phục trước sự cao cả của Thiên Chúa ôm lấy sự bé nhỏ của con người! Và thật là quan trọng khi tái khám phá, ngay cả trong Kitô giáo Tây phương, ý nghĩa của sự tối thượng của Thiên Chúa, giá trị của mầu nhiệm, của lời chuyển cầu không ngừng, của việc đền tội, chay tịnh, và của nước mắt ăn năn vì tội lỗi của bản thân và của cả nhân loại (penthos), những điều rất đặc trưng trong linh đạo Đông phương! Vì vậy, điều cốt yếu là phải gìn giữ các truyền thống của anh chị em mà không làm phai nhạt đi, có thể vì lý do thực tiễn hay tiện lợi, để các truyền thống ấy không bị làm sai lệch bởi tinh thần tiêu thụ và chủ nghĩa thực dụng.
Các linh đạo của anh chị em, cổ xưa nhưng luôn mới mẻ, là những phương dược. Trong đó, cảm thức sâu sắc về sự khốn cùng của con người được hòa quyện với niềm thán phục trước lòng thương xót của Thiên Chúa, để sự thấp hèn của chúng ta không dẫn đến tuyệt vọng, nhưng mời gọi chúng ta đón nhận ân sủng là thụ tạo được chữa lành, được thần hóa và được nâng lên những chiều cao thiên giới. Chúng ta cần không ngừng ca ngợi và tạ ơn Chúa vì điều này. Cùng với anh chị em, chúng tôi có thể cầu nguyện bằng lời của Thánh Êphrem người Syria và thưa với Chúa Giêsu: “Vinh danh Chúa, Đấng đã biến thập giá của Ngài thành cây cầu vượt qua cái chết. […] Vinh danh Chúa, Đấng đã mặc lấy thân xác phàm nhân và biến nó thành nguồn sống cho mọi người phàm” (Bài giảng về Chúa, số 9). Đó là một ân ban mà chúng ta cần phải cầu xin để biết nhìn thấy sự chắc chắn của mầu nhiệm Phục Sinh ngay cả trong những khổ đau của cuộc sống, và không nản lòng khi nhớ đến, như lời của một vị giáo phụ Đông phương khác: “Tội lỗi lớn nhất là không tin vào quyền năng của sự Phục Sinh” (Thánh Isaác thành Ninivê, Các bài giảng khổ tu, I,5).
Bình an đích thực của Chúa Kitô: hòa giải, tha thứ
Vậy thì, ai hơn anh chị em có thể cất lên lời ca hy vọng giữa vực sâu của bạo lực? Ai hơn anh chị em, những người đã quá quen thuộc với những kinh hoàng của chiến tranh — đến mức Đức Thánh Cha Phanxicô gọi các Giáo hội của anh chị em là “các Giáo hội tử đạo” (Diễn văn nói với ROACO)? Đúng vậy: từ Thánh Địa đến Ucraina, từ Libăng đến Syria, từ Trung Đông đến Tigray và vùng Caucasus — biết bao nhiêu là bạo lực! Và giữa tất cả sự kinh hoàng ấy, giữa những cuộc tàn sát cướp đi mạng sống của biết bao người trẻ — những điều đáng phải gây phẫn nộ, bởi vì nhân danh những cuộc chinh phục quân sự mà chính con người lại bị giết chết — vang lên một lời mời gọi: không chỉ là của Đức Giáo hoàng, mà là của chính Đức Kitô, Đấng không ngừng nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19.21.26). Và Người nói rõ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như bình an thế gian ban tặng, Thầy ban bình an cho anh em” (Ga 14,27).
Bình an của Đức Kitô không phải là sự yên lặng của nấm mồ sau chiến tranh, không phải là kết quả của sự áp bức, mà là một ân ban hướng đến con người và phục hồi sự sống của họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nền hòa bình ấy, nền hòa bình của sự hòa giải, của tha thứ, của lòng can đảm để lật sang trang mới và bắt đầu lại.
Nỗ lực của Đức Thánh Cha và Giáo hội đối với hòa bình
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Để nền hòa bình này được lan tỏa, tôi sẽ nỗ lực hết mình. Tòa Thánh luôn sẵn sàng để các bên thù địch có thể gặp gỡ nhau và nhìn vào mắt nhau, để các dân tộc có thể được trả lại niềm hy vọng và phẩm giá mà họ đáng được hưởng, phẩm giá của hòa bình. Các dân tộc khao khát hòa bình, và tôi, với tất cả tấm lòng, nói với những người có trách nhiệm của các dân tộc: hãy gặp nhau, đối thoại, đàm phán! Chiến tranh không bao giờ là điều không thể tránh khỏi; vũ khí có thể và phải im tiếng, vì chúng không giải quyết vấn đề, mà chỉ làm trầm trọng thêm. Lịch sử sẽ ghi nhớ những ai gieo rắc hòa bình, chứ không phải những ai gặt hái sự chết; bởi vì trên hết, tha nhân không phải là kẻ thù, nhưng là con người: không phải là những kẻ xấu cần phải ghét bỏ, nhưng là những người mà chúng ta cần phải đối thoại. Hãy tránh xa những lối nhìn nhị nguyên, vốn đặc trưng của các luận điệu bạo lực, chia thế giới ra thành “người tốt” và “kẻ xấu”.
Giáo hội sẽ không bao giờ ngừng lặp lại lời này: hãy làm vũ khí im tiếng. Và tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những người, trong thinh lặng, trong lời cầu nguyện và trong sự hy sinh, đang từng chút một dệt nên tấm thảm của hòa bình; và tôi cảm ơn các Kitô hữu, cả nghi lễ Đông phương lẫn nghi lễ Latinh, những người, đặc biệt tại Trung Đông, vẫn kiên trì và bám trụ trên chính quê hương của mình, mạnh mẽ hơn cả cám dỗ phải rời đi. Các Kitô hữu cần được trao cho khả năng, không chỉ bằng lời nói, để có thể ở lại trên mảnh đất của mình với đầy đủ các quyền cần thiết cho một cuộc sống an toàn. Tôi cầu xin anh chị em hãy dấn thân vì điều này!
Và xin cảm ơn anh chị em, những người anh chị em thân yêu từ Đông phương, nơi Đức Giêsu, Mặt Trời công chính, đã xuất hiện, để trở nên “ánh sáng cho thế gian” (x. Mt 5,14). Anh chị em hãy tiếp tục tỏa sáng bằng đức tin, hy vọng và đức ái, và không vì điều gì khác. Nguyện cho các Giáo hội của anh chị em trở thành gương mẫu; và chớ gì các vị Mục tử hãy thúc đẩy sự hiệp thông một cách ngay chính, nhất là trong các Thượng Hội đồng Giám mục, để đó là những nơi diễn ra tinh thần hiệp hành và sự đồng trách nhiệm đích thực.
Thoát khỏi những ràng buộc trần thế
Hãy quan tâm đến sự minh bạch trong việc quản lý tài sản, và làm chứng cho sự tận hiến khiêm nhường và trọn vẹn đối với Dân Thánh của Thiên Chúa, không bị ràng buộc bởi vinh dự, quyền lực trần thế hay hình ảnh cá nhân. Thánh Simêon Tân Thần Học gia đã đưa ra một hình ảnh rất hay: “Cũng như ai đó rắc tro lên ngọn lửa đang cháy để dập tắt nó, thì cũng vậy, những lo toan của cuộc sống này và mọi thứ gắn bó với những điều tầm thường, vô giá trị sẽ dập tắt ngọn lửa bừng cháy của trái tim lúc ban đầu” (Các chương thực hành và thần học, số 63).
Vẻ rực rỡ của Kitô giáo Đông phương, ngày nay hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự tự do khỏi mọi ràng buộc trần thế và mọi xu hướng chia rẽ ngược lại với sự hiệp thông, để có thể trung thành trong sự vâng phục và làm chứng cho Tin Mừng.
Tôi xin cảm ơn anh chị em vì điều đó và chân thành chúc lành cho anh chị em, và xin anh chị em cầu nguyện cho Giáo hội và dâng những lời cầu nguyện đầy sức mạnh chuyển cầu của anh em cho sứ vụ của tôi. Xin cảm ơn!
Buổi tiếp kiến kết thúc với phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Nguồn: vaticannews.va/vi