ĐỜI ĐAU LẮM KHI TRÊN BẢO DƯỚI KHÔNG NGHE

  Nhân dịp giỗ 10 năm của ông cố Cha anh nơi xứ lạnh, tiện đường ghé thăm bà Cố của cha anh. 

  Thương và thương lắm cô dâu hiền thảo hiếu. Hoàn toàn trong câu chuyện thăm nhà chiều hôm ấy vẫn là câu chuyện của mẹ chồng nàng dâu. Nào là cho ăn rồi thì bảo chưa cho ăn. Nào là bảo đi tắm thì bảo là mẹ sạch sao tắm hoài … Nào là mẹ bảo mua bánh mì thịt tại sao mua bánh mì cá … Con bé út nhà này chịu đựng bà nội cao cơ hơn ai hết nay đi vào Sài Thành “du học” nên giờ để mẹ ở lại chịu trận với bà nội.

Công dưỡng dục sinh thành của bà cố quá lớn nơi 5 ông “đực rựa”. “Lão” cả đi tu đang ở tận miền xa xôi phía Bắc. May ra một năm chắc “Lão” ý mới về nhà một lần. 2 người con trai vô thế nên phải xa mẹ. Còn lại 2 người con trai và đặc biệt dâu út chăm bà. Tưởng chừng như mọi điều đều suông sẻ nhưng không như lòng muốn.

“Cha biết không ? Mỗi lần tắm hay mỗi lần mặc đồ đi Lễ thì cứ y như là gây lộn vậy. Mặc bộ này không thích lại đòi bộ khác … hàng xóm cứ tưởng là nhà có chuyện gì ghê lắm. Chỉ có vậy thôi đó Cha …” Đôi dòng tâm sự của người con dâu út.

Bà năm ngay trong ngoài chín chục. Ăn uống và ngủ nghỉ cũng còn tương đối tốt. Chỉ có cái tội là … không nhớ gì.

Chính cái không nhớ gì để rồi thêm cái khó cho người chăm bẵm. Con bảo má không nghe và con không nghe khi má bảo. Thôi thì phận dâu hiền thảo hiếu để rồi không chỉ dâu út mà cả nhà cứ cặm cụi lo cho bà Cố.

Về nơi phố núi, em dâu cha anh bảo nhờ lo cho con bé con gái út của chị. Chuyện là trên bảo dưới không nghe nên rồi có khi cả tuần không giải phóng được hậu sự. Thế là phải đi khám để lo thôi. Có lẽ con bé con cũng đau khổ lắm khi cơ thể không “đồng tâm nhất trí”.

  Một vài câu chuyện linh tinh như thế như để minh chứng cho sự bất nhất trong một gia đình, trong một cộng đoàn tu. 

   Mới đây, khi dâng Thánh Lễ tại đất Mẹ Măng Đen, không khỏi ngạc nhiên khi cộng đoàn hát với nhau trong tâm tình “Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa …”. Ca  đoàn ôn hát xem ra đi nhanh quá và không đủ tâm tình nên cha chủ tế sáng hôm đó bèn cân chỉnh. Cộng đoàn cảm thấy vui hơn khi trả lại đúng tâm tình của linh mục nhạc sĩ Phêrô Thành Tâm gửi gắm ca từ trong bài Thánh Ca đó.

Ngồi lặng thầm sau khi rước Chúa và nhất là khi nghĩ về bài Thánh Ca mà cộng đoàn vừa hát. “Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa …” quả là và phải là tâm tình mà hàng ngày, hàng giờ, hàng phút hay hàng giây mà mỗi người phải cầu nguyện cũng như hướng lòng để sống. 

   Thật vậy, trong cơ thể con người hay trong một gia đình và nhất là một cộng đoàn tu sĩ luôn luôn cần sự hiệp nhất. Đơn giản là ta thấy khởi đi từ sự bất hòa ngay trong cơ thể đã làm cho con người đau đớn và khó chịu đến mức nào. Có khi ta muốn đọc sách nhưng con mắt cứ như nhắm nghiền lại vì không thể mở ra vì tật bệnh. Hay có khi ta muốn cái đầu ta nhẹ nhõm nhưng nó cứ như buốt lại và làm ta đau đớn. Ai trong chúng ta cũng hơn một lần cảm nghiệm được sự bất nhất trong cơ thể. Đơn giản chỉ là hôm nào có cái răng nó đau nhức thì cả đêm hôm ấy có mơ mà đi ngủ ngon giấc với nó.

  Sự khỏe mạnh và nhất là hiệp nhất của các cơ phận trong cơ thể làm cho con người thư thái và bình an. Sự nhiệt thành cũng như sự hiệp nhất và đồng trách nhiệm của ai nào đó trong gia đình, trong cộng đoàn tu phải chăng là yếu tố mang lại sự bình an, hiệp nhất trong cộng đoàn và ngược lại.

Thực tế trong cuộc sống con người, ai ai cũng mong cho mình, cho gia đình, cho cộng đoàn có được sự bình an và hiệp nhất. Thế nhưng rồi đâu đó vẫn có những con người cao ngạo, những chi thể vênh vang khiến cho cơ thể hay gia đình và cộng đoàn luôn chìm ngập trong sự bất an.

   Một gia đình, một cộng đoàn dù thành công đến mấy đi chăng nữa nhưng “sở hữu” những con người cao ngạo hay chuyên gây sự bất an thì cũng là đau khổ. Ta có thể thấy sự thành công, sự bình an bên ngoài nhưng tất cả đều giả tạo cũng như lấp liếm sự bấn an và chia rẽ trong nội bộ. Cần và cần sự chung chia của mỗi phần tử, mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn. Thành công mỹ mãn nhưng không có sự hiệp nhất cũng là điều vất đi và là điều đau khổ.

  Trong cộng đoàn nào đó mà vướng phải chuyện trên bảo dưới không nghe phải chăng là cộng đoàn đó đánh mất đi dấu chỉ của sự hiệp nhất và để nhường quyền cho ma quỷ thống trị. Có khi vì kiêu ngạo để rồi bề trên hảnh xử theo kiểu áp đặt và ngược lại, bề dưới bất tuân nên chả coi bề trên ra gì. Khi đó, cộng đoàn trở thành địa ngục hơn là thiên đàng. Sống như thế thì là gì mơ có thiên đàng trong tương lai chứ đừng nói là trong hiện tại. Chỉ những ai sống tâm tình yêu thương và hiệp nhất trong đời tạm này thì mới có một chỗ trong thế giới yêu thương của Thiên Chúa.

Yêu thương, hiệp nhất mãi mãi là điều cần thiết cho mỗi người, mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn. Chính vì thế, không chỉ đợi đến tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất trước khi mừng Lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại ta mới cầu nguyện cho sự hiệp nhất nhưng ngày mỗi ngày ta luôn biết hướng và cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn nơi ta sinh sống.

NGT