Trong diễn văn đáp lời, trước hết Đức Thánh Cha cảm ơn về sự chào đón của Tổng thống nhân danh toàn thể người dân Sýp. Đức Thánh Cha nhận mình là một người hành hương, “đến một đất nước bé nhỏ về địa lý nhưng vĩ đại về lịch sử; trên một hòn đảo mà qua nhiều thế kỷ đã không làm cho người dân thành ốc đảo, nhưng đã kết nối họ; ở một vùng đất có biên giới là biển; ở nơi đánh dấu cửa ngõ phía Đông với Châu Âu và phía Tây với Trung Đông.”
Các Mối Phúc
Điểm đầu tiên Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài diễn văn của ngài là “Các Mối Phúc” của Tin Mừng trên miền đất mà Kitô giáo gắn liền từ xa xưa. “Các Mối phúc là hiến chương vĩnh viễn của Kitô giáo. Việc sống Các Mối Phúc cho phép Tin Mừng luôn tươi trẻ và lấp đầy hy vọng cho xã hội. Các Mối Phúc là chiếc la bàn để định hướng, ở mọi vĩ độ, chỉ ra những lộ trình mà người Kitô hữu phải đi trong hành trình cuộc sống.”
Với đặc tính địa lý mình, Sýp trở thành “nơi Châu Âu và Phương Đông gặp nhau, cuộc hội nhập văn hóa vĩ đại đầu tiên của Tin Mừng trên lục địa này đã bắt đầu và tôi thật cảm động khi đi lại bước chân của các nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo hội tiên khởi, đặc biệt là các thánh Phaolô, Barnaba và Máccô.” Vì vậy, Đức Thánh Cha nói: “tôi ở đây, một người hành hương giữa quý vị, để cùng đi với quý vị, những người Sýp thân yêu, tất cả quý vị, với mong ước rằng tin tức tốt lành của Tin Mừng có thể mang đến cho Châu Âu một sứ điệp của niềm vui, ngang qua dấu chỉ của Các Mối Phúc. Sýp tỏa sáng với vẻ đẹp trên lãnh thổ của mình, lãnh thổ phải được bảo vệ và giữ gìn bằng các chính sách môi trường thích hợp đã được nhất trí cùng với các nước láng giềng. Vẻ đẹp ấy còn tỏa sáng trong kiến trúc, nghệ thuật, đặc biệt trong nghệ thuật thánh, và trong các nghề thủ công tôn giáo, trong nhiều kho tàng khảo cổ học.”
Đảo Sýp là một viên ngọc trai quý
Đức Thánh Cha gọi đảo Sýp là “một viên ngọc trai quý giá giữa lòng Địa Trung Hải.” Từ hình ảnh của viên ngọc trai “phải mất nhiều năm để các lớp khác nhau trở nên rắn chắc và sáng bóng”, Đức Thánh Cha liên tưởng đến đất nước Sýp phong phú với “nhiều nền văn hóa được gặp gỡ và pha trộn qua nhiều thế kỷ. Ngay cả ngày nay, ánh sáng của Sýp có nhiều góc cạnh: có nhiều dân nhiều nước, với những màu sắc khác nhau, tạo nên gam màu của cộng đồng này. Tôi cũng nghĩ đến sự hiện diện của nhiều người nhập cư, với tỷ lệ đáng kể nhất trong số các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Giữ được vẻ đẹp đa sắc tộc, đa diện của tổng thể chẳng hề dễ dàng. Như trong việc hình thành một viên ngọc trai, nó đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, nó đòi hỏi một cái nhìn bao quát có khả năng ôm lấy sự đa dạng của nhiều nền văn hóa và hướng về tương lai với tầm nhìn xa. Theo nghĩa này, điều quan trọng là phải bảo vệ và thăng tiến mọi thành phần xã hội, đặc biệt là những nhóm thiểu số theo thống kê.”
Cách thức một viên ngọc trai được hình thành cũng cho thấy nhiều bài học. Vẻ đẹp của viên ngọc trai được tạo nên từ những hoàn cảnh khó khăn. Nó được sinh ra trong sự tối mờ, khi con hàu “đau đớn” vì bất ngờ gặp phải một đe doạ đến sự an toàn của nó, chẳng hạn như một hạt cát khiến nó khó chịu. Để bảo vệ bản thân, con hàu phản ứng bằng cách đồng hóa mình với những gì làm tổn thương nó: nó ngậm vật lạ và nguy hiểm và biến nó thành vẻ đẹp, thành một viên ngọc trai. Viên ngọc trai của Sýp đã bị mờ đi bởi đại dịch, khiến nhiều du khách không thể đến và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Tại đây, cũng như ở những nơi khác, điều này đã gây nên những hậu quả khủng hoảng kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hồi này, không phải sự hăng hái phục hồi lại những gì đã mất sẽ đảm bảo cho sự phát triển vững chắc và lâu dài, mà là việc dấn thân thúc đẩy phục hồi xã hội, đặc biệt là ngang qua một cuộc chiến kiên quyết chống tham nhũng và những vết thương làm tổn hại đến phẩm giá con người.
Đối thoại là con đường dẫn đến hoà bình
Điểm tiếp theo được Đức Thánh Cha đề cập đến là về hoà bình. “Con đường dẫn đến hòa bình, chữa lành những xung đột và tái tạo vẻ đẹp của tình huynh đệ, được đánh dấu bằng một từ: đối thoại. Chính chúng ta phải giúp mình tin tưởng vào sức mạnh nhẫn nại và ôn hoà của đối thoại, được rút ra từ các Mối Phúc. Chúng ta biết đó không phải là một con đường dễ dàng; nó dài và quanh co, nhưng không có lựa chọn thay thế nào để đạt được sự hòa giải. Chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng bằng “sức mạnh của những cử chỉ” hơn là bằng “những cử chỉ của sức mạnh”. Bởi vì có một sức mạnh của những cử chỉ chuẩn bị cho hòa bình: không phải là những cử chỉ quyền lực, đe dọa trả đũa và phô trương quyền lực, mà là những cử chỉ lắng dịu, những bước đối thoại cụ thể.”
Với thực tế không dễ dàng, Đức Thánh Cha khuyến khích: “Những thời điểm có vẻ không thuận lợi, khi đối thoại trì trệ, cũng có thể chính là những thời điểm chuẩn bị cho hòa bình. Viên ngọc trai vẫn nhắc nhở chúng ta về điều này, vì nó thành hình được như vậy là nhờ tiến trình kiên nhẫn âm thầm kết thêm chất mới bằng những tác nhân đã làm nó bị thương. Trong những tình huống này, hận thù không được phép lấn át, đừng từ bỏ việc hàn gắn vết thương, đừng quên những hoàn cảnh của những người biến mất. Và khi cảm giác nản lòng xuất hiện, hãy nghĩ đến các thế hệ tương lai, những người mong muốn được thừa hưởng một thế giới hòa bình, hợp tác, gắn kết, không phải là nơi sinh sống của những kẻ thù truyền kiếp và bị ô nhiễm bởi những tranh chấp chưa được giải quyết. Vì thế đối thoại là điều cần thiết, để tránh sự gia tăng nghi ngờ và oán hận. Chúng ta hãy đề cập đến Địa Trung Hải, bây giờ không may là một nơi của xung đột và thảm kịch nhân đạo; trong vẻ đẹp sâu xa của nó, nó là mare nostrum, là biển của tất cả các dân tộc gắn liền với nó, để được kết nối, không bị chia cắt. Sýp, ngã tư địa lý, lịch sử, văn hóa và tôn giáo, là vị trí để thực hiện một hành động hòa bình. Ước mong Sýp trở thành một công trường mở cho hòa bình ở Địa Trung Hải.”
“Hòa bình thường không nảy sinh từ những nhân vật vĩ đại, mà từ sự quyết tâm hàng ngày của những người nhỏ bé. Lục địa châu Âu cần hòa giải và hiệp nhất, cần can đảm và động lực để bước tới. Bởi vì, không phải những bức tường của sợ hãi và loại bỏ bị điều khiển bởi các lợi ích dân tộc chủ nghĩa sẽ giúp cho nó tiến bộ, cũng không phải duy chỉ phục hồi kinh tế sẽ đảm bảo cho an ninh và sự ổn định của nó.” Nhưng chính sự gặp gỡ và chào đón mới mang lại những hoa trái lợi ích lâu dài, như được nhìn thấy qua lịch sử của Sýp. Sýp không chỉ là “bàn đạp” trên lục địa về lịch sử của Kitô giáo, mà còn về việc xây dựng một xã hội phong phú trong sự hội nhập.
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn bằng việc liên tưởng đến hai thánh tông đồ Phaolô và Barnaba, đã “đi xuyên qua đảo” để đến Pa-phô (x. Cv 13:6), ngài cũng “đi xuyên qua lịch sử và linh hồn của vùng đất này, với mong muốn rằng khát vọng hiệp nhất và thông điệp về vẻ đẹp của nó tiếp tục dẫn đường cho nó hướng đến tương lai.”
Kết thúc ngày thứ nhất
Sau khi kết thúc buổi gặp gỡ với các đại diện Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Toà Sứ Thần Nicosia, cách đó gần 3km. Các nhân viên Toà Sứ thần đón tiếp ngài tại tiền sảnh Toà Sứ thần. Đức Thánh Cha dùng bữa tối riêng và nghỉ đêm tại Toà Sứ thần. Kết thúc ngày thứ nhất của chuyến tông du.