Chân phước Armida Barelli
Armida Barelli sinh tại Milano ngày 1/12/1882, trong một gia đình khá giả. Trong thời gian học tại một trường do các nữ tu dòng Thánh Giá phụ trách, chị có cơ hội đào sâu đời sống thiêng liêng của mình và chọn cống hiến hết mình cho các công việc xã hội, từ bỏ việc gầy dựng một gia đình của riêng mình. Năm 1913, Armida đã hoàn toàn dâng mình cho Chúa để làm việc tông đồ nhưng vẫn sống giữa đời.
Tháng 2/1917, Armida đã thành lập Hội Thánh nữ Công giáo Milano và năm 1918 chị trở thành Chủ tịch của Hội, với nhiệm vụ truyền bá phong trào trong tất cả các giáo phận của Ý. Năm 1919 chị cùng với cha Agostino Gemelii đã thành lập tu hội đời Vương quyền Chúa Kitô, theo tinh thần dòng Phanxicô. Ngày nay tu hội có khoảng 2.400 người nữ thánh hiến. Năm 1921, Armida đã cùng cha Gemelli thành lập một Đại học cho tín hữu Công giáo Ý – Đại học Công giáo Thánh Tâm. Năm 1947 chị được Đức Pio XII bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Phong trào Công giáo Tiến hành.
Kể từ năm 1949, trong thời gian dài bệnh tật, chị đã sống trong tinh thần sám hối, cầu nguyện và dâng hiến, đặc biệt, cho việc xây dựng Khoa Y và Bệnh viện đa khoa Gemelli ở Roma. Chị Armida qua đời tại Marzio ngày 15/8/1952.
Vào ngày 17/7/1970, tổng giáo phận Milano đã mở tiến trình cấp giáo phận để phong chân phước cho chị Armida. Vào ngày 1/6/2007, chị đã được Đức Biển Đức XVI tuyên bố là Đấng đáng kính. Vào ngày 20/2/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của chị và lễ phong chân phước cho chị đã được cử hành tại nhà thờ chính tòa Milano vào ngày 30/4/2022.
Như thế, Chân phước Armida là đồng sáng lập Đại học Công giáo Thánh Tâm, giám đốc Tổ chức Công giáo Tiến hành của Ý, đồng sáng lập Tu hội Truyền giáo Vương quyền Chúa Kitô.
Tham dự cuộc gặp gỡ tại Quảng trường Thánh Phêrô có hàng chục thành viên của 3 tổ chức có liên hệ với Chân phước Armida, đến từ 130 giáo phận của Ý, và 120 linh mục sẽ tham gia sáng kiếnđược tổ chức bởi ba tổ chức trên nhân một năm sau lễ phong chân phước vào ngày 30/4/2022 tại Nhà thờ Chính toà Milano.
Vai trò của phụ nữ
Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha lần lượt ngỏ lời với các thành viên của ba tổ chức nói trên. Trước hết, ngỏ lời với các thành viên của Đại học Công giáo Thánh Tâm mà Chân phước Armida đồng sáng lập, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc tính kiến tạo của Chân phước, nhờ tạo ra một mạng lưới các tương quan, đi khắp nước Ý và giữ liên lạc với mọi người.
Nói đến vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các lĩnh vực xã hội và Giáo hội, trong đó Chân phước Armida là người tiên phong tuyệt vời, Đức Thánh Cha nói chúng ta cần một mô hình tích hợp, kết hợp năng lực và hiệu suất, điều thường gắn liền với vai trò của nam giới, với sự quan tâm đến các mối quan hệ, lắng nghe, khả năng hòa giải, kết nối và phát triển các mối quan hệ, những điều từ lâu được coi là đặc quyền của nữ giới và thường bị đánh giá thấp về giá trị sản xuất của chúng. Ngài nói rằng “ngày nay chúng ta cũng cần những phụ nữ, được hướng dẫn bởi đức tin, có khả năng để lại dấu ấn của họ trong đời sống tinh thần, giáo dục và đào tạo nghề nghiệp.”
Làm Tông đồ
Nói với các thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc điểm tông đồ của Chân Phước. Đức Thánh Cha nói rằng cuộc đời của Armida Barelli “cho phép chúng ta chiêm ngắm cách Chúa hoàn thành những điều vĩ đại khi con người sẵn sàng và vâng theo ý muốn của Người, dấn thân với sự khiêm nhường, sáng tạo và sự tháo vát.” “Lời mời gọi của Chân Phước ngày nay vẫn còn vang vọng là đừng hài lòng với việc sống một cách dễ dãi, dàn xếp giữa thỏa hiệp và sự đầu hàng.”
Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Làm tông đồ có nghĩa là những giáo dân nam nữ say mê Tin Mừng và sự sống, quan tâm đến đời sống tốt đẹp của mọi người và xây dựng những con đường huynh đệ để mang lại sự sống cho một xã hội công bằng hơn, bao gồm hơn, hỗ trợ hơn.” “Không ngừng quan tâm đến những người bé nhỏ nhất, yếu đuối và nghèo khổ nhất”. Ngài mời gọi: “Chúng ta hãy đón nhận lời khuyên của Chân phước Armida, “người chị cả”: hãy yêu, yêu, yêu; yêu không giới hạn, được tái sinh bởi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu biến đổi cuộc sống của con người một cách cụ thể và đáng tin cậy, đồng thời kích hoạt các tiến trình và cách thức đổi mới xã hội thông qua con người.”
Các tu hội đời
Cuối cùng, ngỏ lời với Tu hội Truyền giáo Vương quyền Chúa Kitô, một tu hội đời dành cho nữ giới, Đức Thánh Cha nói: “Chân phước Armida, với hình thức sống này, đã cổ vũ họ theo một cách mới, theo gương của nhiều phụ nữ chứng nhân Tin Mừng trong nhiều thế kỷ. Mẫu gương mà ngài cũng đề nghị trong đời sống thánh hiến là hình ảnh mới của người phụ nữ, không để được ‘bảo vệ’ và bị gạt sang một bên, nhưng được sai đi xây dựng Nước Trời, bằng cách tin tưởng họ hoàn toàn.
Khả năng đọc các dấu hiệu của thời đại
Theo gương Chân phước Armida, người đã có thể đọc được những dấu hiệu của thời đại mình và những nhu cầu cấp thiết nhất, Đức Thánh Cha mời gọi “chúng ta hãy nghĩ đến nhu cầu canh tân việc chăm sóc đời sống tâm linh; chúng ta hãy nghĩ đến việc huấn luyện và lời mời gọi dấn thân cho các thiếu nữ; chúng ta hãy nghĩ đến thách đố giáo dục và giấc mơ về một trường đại học Công giáo ở Ý; chúng ta hãy nghĩ đến niềm đam mê thế giới, bắt đầu từ sự chắc chắn về tính phổ quát của sứ điệp Chúa Kitô.” (CSR_1601_2023)