Hơn 600 năm trước, ngày 11/1/1397, theo yêu cầu của thánh Hedwig, Nữ hoàng của Ba Lan, Đức Giáo hoàng Bônifaxiô IX đã cho phép thành lập phân khoa Thần học Công giáo tại Học viện Krakow lúc bấy giờ. Ngày nay học viện này có tên là Đại học Giáo hoàng Gioan Phaolô II ở Krakow.
Trong sứ điệp gửi đến tổng giám mục của Krakow, cũng là Đại Chưởng ấn của Đại học Giáo hoàng Gioan Phaolô II ở Krakow, Đức Thánh Cha hiệp với Đức tổng giám mục tạ ơn Chúa “về truyền thống hơn sáu thế kỷ này, với tất cả những thành tựu khoa học và giáo dục, cũng như tu đức của nó, được tạo ra bởi những người sáng lập, giáo sư và sinh viên thánh thiện của nó.”
Không quên truyền thống
Lưu ý về những thách thức của hiện tại, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của phân khoa không quên truyền thống, nhưng đồng thời “nhìn với hy vọng vào tương lai và tạo ra tương lai.”
Sứ vụ trí tuệ
Đức Thánh Cha nhắc lại phương châm của Đại học là “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), và tài liệu về sứ mạng của trường, trong đó nói rằng hoạt động của phân khoa bao gồm suy tư khoa học về nội dung của Mặc Khải bằng cách sử dụng các phương pháp nghiên cứu cổ điển và đương đại, và nói rằng “thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh về sự cần thiết của một ‘sứ vụ trí tuệ, qua đó các giới đại học tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong việc truyền bá thông điệp của Chúa Kitô trên khắp thế giới”.
Đào tạo các thế hệ Kitô hữu mới
Do đó Đức Thánh Cha mời gọi họ “trung thành với truyền thống hàng thế kỷ, đọc các dấu chỉ của thời đại, can đảm đón nhận những thử thách mới để mang chân lý Tin Mừng đến với con người đương đại và thế giới một cách hữu hiệu”. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Đại học có thể là nơi đào tạo các thế hệ Kitô hữu mới, “không chỉ thông qua nghiên cứu khoa học và tìm kiếm chân lý, mà còn thông qua chứng tá xã hội về việc sống đức tin.”
Đức Thánh Cha cũng cầu chúc đại học “là một cộng đồng trong đó việc thu nhận kiến thức được kết hợp với việc cổ võ sự tôn trọng đối với mọi người, đối với tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng họ, và quan tâm đến việc đào tạo tâm hồn, mở ra cho họ điều gì là quan trọng nhất, điều gì là bền bỉ và không qua đi.”