Ngỏ lời với các thành viên của Liên đoàn Ý chống bệnh ung thư, trước hết Đức Thánh Cha ca ngợi lịch sử 100 năm thành lập của họ với hoạt động phục vụ những người đang chống chọi với bệnh ung thư, cùng với các gia đình chăm sóc họ.
Lưu ý về cách Liên đoàn thích nghi với những thay đổi theo thời gian của xã hội và hệ thống y tế, và đã đóng vai trò là tiền thân của hoạt động chăm sóc giảm đau thời hiện đại, Đức Thánh Cha ca ngợi nhóm đã luôn chọn chiến đấu chống lại căn bệnh cùng với bệnh nhân và những người chăm sóc họ, chọn là người thân cận với họ khi đứng trước một nền văn hóa thờ ơ.
Chứng tá dấn thân
Đức Thánh Cha cũng ca ngợi chứng tá quan trọng của Liên đoàn trong việc giải quyết các thách đố trong thời đại dịch khi hệ thống y tế quá tải khiến cho việc chẩn đoán và chữa trị cho các bệnh nhân ung thư bị chậm trễ. Trước khuynh hướng xã hội loại trừ những người yếu nhất, đặc biệt là người bệnh và người già, hoặc chỉ coi trọng giá trị kinh tế và lợi nhuận, Đức Thánh Cha nhắc rằng “quyền được chăm sóc và điều trị cho tất cả mọi người phải luôn được ưu tiên, để những người yếu nhất, đặc biệt là người già và người bệnh, không bao giờ bị từ chối. Sống là quyền chứ không phải chết, điều phải được chào đón, chứ không phải bị tạo ra. Và nguyên tắc đạo đức này liên quan đến tất cả mọi người, không chỉ các Kitô hữu hay các tín đồ.”
Đức Thánh Cha cũng khuyến khích tất cả mọi người hãy giúp duy trì, phát triển và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Ý, vì đó là một món quà cho xã hội, trong khi vẫn có những quốc gia khác người dân không có khả năng chi trả cho việc chăm sóc hoặc không có hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Phẩm giá của bệnh nhân
Nói về phẩm giá của người bệnh, Đức Thánh Cha khẳng định: “Ngay cả trong đau khổ và bệnh tật, chúng ta vẫn hoàn toàn là những con người nam nữ, không hề suy giảm”. Chia sẻ suy tư về sức mạnh và ý nghĩa của đau khổ con người khi được kết hợp với Chúa Kitô, Đức Thánh Cha trích lời thánh Gioan Phaolô II: “Nếu một người trở thành người chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô, điều này xảy ra bởi vì Chúa Kitô đã chia sẻ đau khổ của Người cho con người, bởi vì chính Người, trong đau khổ cứu chuộc của Người, theo một nghĩa nào đó, đã trở thành người chia sẻ mọi đau khổ của con người.”
“Con người, nhờ đức tin, khám phá ra đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô, cũng khám phá ra trong đó những đau khổ của chính mình; họ khám phá lại chúng, thông qua đức tin, được phong phú thêm với một nội dung mới và ý nghĩa mới.” (CSR_851_2022)