Đức Biển Đức XVI – bậc thầy vĩ đại về giáo lý
Trước khi bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hiệp nhất với những người đang cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức. Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trước khi bắt đầu bài giáo lý này tôi muốn chúng ta cùng hiệp nhất với những người đang ở bên cạnh chúng ta, đang bày tỏ lòng kính mến đối với Đức Biển Đức XVI, và hướng tâm trí của tôi về ngài, một vị tôn sư tuyệt vời về các bài giáo lý. Tư tưởng nhạy bén và lịch sự của ngài không phải là tự quy chiếu, nhưng là về Giáo hội, bởi vì ngài luôn muốn đồng hành với chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh Chịu Đóng Đinh, Đấng Hằng Sống và là Chúa, là mục tiêu mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã hướng dẫn chúng ta, nắm tay dẫn đưa chúng ta. Xin ngài giúp chúng ta tái khám phá nơi Chúa Kitô niềm vui của niềm tin và niềm hy vọng được sống.”
Đồng hành thiêng liêng
Bắt đầu bài giáo lý về chủ đề phân định, Đức Thánh Cha nói: Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý suy tư về chủ đề phân định, và chúng ta kết thúc bằng cách hoàn thành bài giáo lý nói về những trợ giúp có thể và phải hỗ trợ cho việc phân định. Một trong số những trợ giúp này chính là sự đồng hành thiêng liêng, điều quan trọng trên hết để hiểu biết về chính mình, điều mà chúng ta đã thấy là điều kiện không thể thiếu cho việc phân định. Đơn độc ngắm mình trước gương không luôn luôn giúp ích cho chúng ta bởi vì chúng ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh mình đẹp. Thay vào đó, hãy nhìn vào gương với sự giúp đỡ của một người khác, điều này giúp chúng ta rất nhiều bởi vì người khác nói cho bạn biết sự thật và như thế nó có ích cho bạn.
Ân sủng của Thiên Chúa ở trong chúng ta luôn hoạt động trên bản tính của chúng ta. Nghĩ về một dụ ngôn trong Tin Mừng, chúng ta có thể so sánh ân sủng với hạt giống tốt và bản chất con người với đất (x. Mc 4,3-9). Điều quan trọng trên hết là phải giúp cho chính mình hiểu biết, không sợ chia sẻ những khía cạnh mong manh nhất, nơi chúng ta thấy mình nhạy cảm hơn, yếu đuối hơn hoặc sợ bị phán xét. Bày tỏ về mình với một người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Người đó không quyết định cho chúng ta nhưng đồng hành với chúng ta.
Sự yếu đuối là sự giàu có thực sự của chúng ta
Đức Thánh Cha nhận định: Sự yếu đuối, trên thực tế, là sự giàu có thực sự của chúng ta, điều mà chúng ta phải học cách tôn trọng và đón nhận, bởi vì, khi nó được dâng lên Thiên Chúa, nó làm cho chúng ta có khả năng dịu dàng, thương xót và yêu thương. Thật không may cho người không cảm thấy mình yếu đuối: họ sẽ cứng nhắc và độc tài. Ngược lại, người khiêm nhường nhận ra những yếu đuối của mình thì sẽ cảm thông hơn với người khác. Sự yếu đuối mong manh khiến chúng ta nhân bản hơn. Không phải ngẫu nhiên mà cơn cám dỗ đầu tiên trong ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc – cơn cám dỗ liên quan đến cái đói – tìm cách cướp đi sự yếu đuối của chúng ta, trình bày nó như một sự dữ cần phải loại bỏ, một trở ngại để trở nên giống Thiên Chúa. Tuy nhiên đó là kho tàng quý giá nhất của chúng ta: thực ra, để làm cho chúng ta nên giống Người, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ trọn vẹn sự mong manh của chúng ta. Chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá: Thiên Chúa đã bước đến với chính sự mong manh. Chúng ta hãy nhìn vào hang đá nơi Chúa đến trong sự mong manh vô cùng của con người. Người chia sẻ sự mong manh của chúng ta.
Giúp cho thấy những hiểu lầm
Việc đồng hành thiêng liêng, nếu vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sẽ giúp vạch rõ những hiểu lầm, ngay cả những hiểu lầm nghiêm trọng trong việc chúng ta xét mình và trong mối tương quan của chúng ta với Chúa. Tin Mừng trình bày những ví dụ khác nhau về những cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, những cuộc đối thoại làm sáng tỏ và giải thoát. Ví dụ chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc nói chuyện với người phụ nữ Samaria, luôn có sự khôn ngoan và dịu dàng này của Chúa Giêsu; chúng ta hãy nghĩ đến cuộc đối thoại với ông Giakêu, với người phụ nữ tội lỗi, với ông Nicôđêmô, với các môn đệ trên đường Emmaus: cách thế Thiên Chúa đến gần con người. Những ai thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu thì không sợ mở lòng ra với Người, trình bày sự yếu đuối và bất toàn của mình. Bằng cách này, việc chia sẻ chính mình của họ trở thành một kinh nghiệm về ơn cứu độ, về sự tha thứ được đón nhận cách nhưng không.
Làm sáng tỏ những suy nghĩ trong lòng chúng ta
Nói với người khác những gì chúng ta đã trải qua hoặc những gì chúng ta đang tìm kiếm trước hết giúp làm sáng tỏ bản thân, làm sáng tỏ nhiều suy nghĩ đang ngự trị trong chúng ta và thường làm chúng ta bất an bằng những điệp khúc lặp đi lặp lại của chúng. Bao nhiêu lần trong những thời khắc tăm tối chúng ta có những ý nghĩ: “Tôi đã hoàn toàn sai rồi, tôi vô dụng, không ai hiểu tôi, tôi sẽ không bao giờ thành công, tôi chắc chắn sẽ thất bại”, v.v. Những suy nghĩ sai lầm và độc hại này khi được so sánh với những suy nghĩ khác giúp chúng ta vạch rõ, để chúng ta cảm thấy được Chúa yêu thương và coi trọng, vì con người chúng ta có khả năng làm những điều tốt đẹp cho Người. Chúng ta ngạc nhiên khám phá ra những cách thức khác nhau để nhìn sự việc, những dấu hiệu của sự thiện luôn hiện diện trong chúng ta. Sự thật là chúng ta có thể chia sẻ những yếu đuối của mình với người khác, với người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, trong đời sống thiêng liêng, bậc thầy của đời sống tâm linh, dù là giáo dân, linh mục, nhưng là người đồng hành với chúng ta…; điều này giúp chúng ta hiểu cách rõ ràng và xem gốc rễ của những ý tưởng xảy đến trong lòng chúng ta để khắc phục.
Người đồng hành không thay thế Chúa
Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha lưu ý: Người đồng hành không thay thế Chúa, không làm thay công việc cho người được đồng hành, nhưng đồng hành với họ, khuyến khích họ đọc những gì lay động trong tâm hồn, nơi tinh tế mà Chúa nói với chúng ta. Người đồng hành thiêng liêng, người mà chúng ta gọi là vị linh hướng – tôi không thích điều đó: cứ nói là người đồng hành thiêng liêng thì tốt hơn – là người nói với bạn: “Được rồi, nhưng hãy nhìn đây, nhìn đây”, thu hút sự chú ý của bạn đến những thứ lẽ ra đã xảy ra; họ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những dấu chỉ thời đại, tiếng nói của Chúa, tiếng nói của kẻ cám dỗ, tiếng nói của những khó khăn mà mình không thể vượt qua. Đây là lý do tại sao điều rất quan trọng là không bước đi một mình. Có một câu nói khôn ngoan rằng: “Nếu bạn muốn nhanh đến nơi, hãy đi một mình; nhưng nếu bạn muốn đến nơi an toàn, hãy đi cùng những người khác.” Điều này quan trọng. Trong đời sống thiêng liêng, tốt hơn hết là được đồng hành bởi một người biết những câu chuyện của chúng ta và giúp đỡ chúng ta. Và đây là sự đồng hành thiêng liêng.
Tình con Chúa và tình huynh đệ
Việc đồng hành có thể sinh hoa trái nếu cả hai bên đều cảm nghiệm được tình nghĩa con cái và tình huynh đệ thiêng liêng. Chúng ta khám phá ra mình là con Thiên Chúa khi chúng ta khám phá ra mình là anh chị em, con của cùng một Cha. Vì thế, điều cần thiết là phải tham dự vào một cộng đoàn đang hành trình. Chúng ta không phải là những người đơn độc, chúng ta là thuộc về một dân, một quốc gia, một thành phố, một Giáo hội, một giáo xứ, một nhóm, một cộng đoàn hành trình. Chúng ta không đến với Chúa một mình. Như trong trình thuật Tin Mừng về người bại liệt, chúng ta thường được nâng đỡ và chữa lành nhờ đức tin của người khác (xem Mc 2,1-5), những người giúp chúng ta tiến bước, bởi vì chúng ta có những sự bại liệt thuộc về nội tâm và chúng ta cần có người giúp chúng ta vượt qua nó; những lần khác, chúng ta lãnh trách nhiệm đó vì một người anh chị em khác, chúng ta là người đồng hành để giúp đỡ họ. Nếu không có kinh nghiệm về tình con cái và tình huynh đệ, việc đồng hành có thể làm nảy sinh những kỳ vọng không thực tế, những hiểu lầm, những hình thức lệ thuộc khiến con người rơi vào tình trạng ngây ngô, trẻ con. Đồng hành với nhau như con cái Thiên Chúa và như anh chị em của nhau.
Mẫu gương của Đức Maria: nói ít, lắng nghe nhiều và suy niệm trong lòng
Nói về mẫu gương của Đức Maria trong việc phân định, Đức Thánh Cha nhận định: Đức Trinh Nữ Maria là thầy dạy vĩ đại về việc phân định: Mẹ nói ít, nghe nhiều và ghi nhớ trong lòng (x. Lc 2,19). Ba thái độ của Đức Mẹ: c. Và trong một số ít lần Mẹ lên tiếng Mẹ để lại dấu ấn của mình. Trong Tin Mừng thánh Gioan, có một câu rất ngắn mà Đức Maria nói, là mệnh lệnh cho các Kitô hữu mọi thời: “Người bảo gì thì các ông cứ làm theo (x. 2,5). Hãy làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói với chúng ta. Đức Maria biết rằng Chúa nói với tâm hồn của mỗi người, và yêu cầu biến những lời này thành hành động và lựa chọn. Mẹ biết cách làm điều đó hơn bất cứ ai khác, và thực sự Mẹ hiện diện trong những giờ phút căn bản của cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt là trong giờ cao điểm của cái chết trên thập giá.
Anh chị em thân mến, phân định là một nghệ thuật, một nghệ thuật mà chúng ta có thể học được và nó có những quy tắc riêng. Nếu được học hỏi tốt, nó giúp bạn sống kinh nghiệm thiêng liêng một cách đẹp đẽ và có trật tự hơn bao giờ hết. Trên hết, phân định là một món quà từ Thiên Chúa, một ơn phải luôn luôn được cầu xin; chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng mình là chuyên gia và tự mình có thể làm. Lạy Chúa, xin ban cho con ơn phân định trong những phút giây của cuộc sống, biết điều con phải làm, điều con phải hiểu. Xin ban cho ơn phân định, và xin ban cho con người giúp con phân định.
Đừng sợ!
Tiếng nói của Chúa luôn có thể được nhận ra, nó có một phong cách độc đáo, đó là tiếng nói làm an lòng, khuyến khích và trấn an trong những khó khăn. Tin Mừng liên tục nhắc nhở chúng ta về điều này: “Đừng sợ”, sứ thần nói với Đức Maria (Lc 1,30); “Đừng sợ”, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô (Lc 5,10); “Đừng sợ”, thiên thần nói với các phụ nữ vào buổi sáng Phục Sinh (Mt 28,5). “Đừng sợ!”, Chúa cũng lặp lại với chúng ta: nếu chúng ta tín thác vào lời Người, chúng ta sẽ sống tốt cuộc đời, và chúng ta sẽ có thể giúp đỡ người khác. Như Thánh Vịnh đã nói, Lời của Người là đèn soi cho con bước và là ánh sáng chỉ cho con (xem 119,105).
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.