Vatican News
Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cha của mọi người và của mọi loài hiện hữu, hôm nay mời gọi chúng ta sống và làm chứng cho ơn gọi của chúng ta hướng tới tình huynh đệ phổ quát, tự do, công lý, đối thoại, gặp gỡ lẫn nhau, yêu thương và hòa bình, tránh khơi dậy hận thù, oán hận, chia rẽ, bạo lực và chiến tranh”.
Ngài nói thêm: “Thiên Chúa đã đặt chúng ta làm những người bảo vệ chứ không phải làm chủ hành tinh: tất cả chúng ta đều được mời gọi hoán cải sinh thái (xem Laudato si’, 216-221), dấn thân cứu lấy ngôi nhà chung của chúng ta và sống trong tình liên đới giữa các thế hệ để bảo vệ sự sống trong tương lai, thay vì lãng phí tài nguyên và gia tăng bất bình đẳng, bóc lột và hủy diệt”.
Kết hợp tri thức của người bản địa và khoa học
Đức Thánh Cha đã nói đến sự cộng tác khi lưu ý đến mục đích của hội nghị là kết hợp hai dạng kiến thức – của các dân tộc bản địa và của khoa học – để có cách tiếp cận toàn diện hơn, phong phú hơn, nhân đạo hơn đối với một số vấn đề quan trọng cấp bách, như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, các mối đe dọa đối với an ninh lương thực và sức khỏe, v.v.
Theo Đức Thánh Cha, hội nghị là cơ hội để phát triển việc lắng nghe: “lắng nghe người dân bản địa, học hỏi từ sự khôn ngoan và lối sống của họ, đồng thời lắng nghe các nhà khoa học, học hỏi từ nghiên cứu của họ”.
Nhìn nhận và tôn trọng sự phong phú của tính đa dạng
Hơn nữa, ngài nói tiếp, “hội thảo nghiên cứu này gửi một thông điệp tới các chính phủ và các tổ chức quốc tế, để họ nhìn nhận và tôn trọng sự phong phú của tính đa dạng trong đại gia đình nhân loại”. Ngài nhận định: “điều cần thiết là các dự án nghiên cứu khoa học, và các khoản đầu tư, ngày càng hướng tới việc thúc đẩy tình huynh đệ nhân loại, công lý và hòa bình, để các nguồn lực có thể được phân bổ một cách phối hợp nhằm đáp ứng những thách thức cấp bách đang ảnh hưởng đến ngôi nhà chung và gia đình các dân tộc”.
Hoán cải
Để đạt được mục tiêu này, Đức Thánh Cha khẳng định: “cần phải có một sự hoán cải, một tầm nhìn thay thế cho tầm nhìn đang đẩy thế giới tới chỗ xung đột ngày càng gia tăng”. (CSR_1127_20224)