ĐTC Phanxicô với các nghệ sĩ: chúng tôi cần các bạn mơ về một thế giới tốt đẹp hơn

Sáng 15/2, Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn từ hiệp hội Pháp “Diaconie de la beauté”. Ngài nói về cái đẹp như một lời mời về “một cách sống khác trong thế giới”, một cách “tạo ra sự sống, hy vọng và khao khát hạnh phúc”. Trong một thế giới bị chao đảo bởi chiến tranh và bạo lực, nghệ thuật rất quan trọng để thể hiện giá trị của sự hòa hợp giữa các dân tộc và với thiên nhiên.
 

Vatican News

“Diaconie de la beauté” là tên của hiệp hội, được thành lập tại Pháp vào năm 2012, được Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón nhân dịp Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 10 năm “Lễ hội” ở Roma, được quảng bá hàng năm bởi hiệp hội. Trong buổi gặp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh các đặc điểm và tầm quan trọng của hiệp hội, và kêu gọi các thành viên “trở thành những giọng ca hài hoà” giữa một nhân loại đang bị rung chuyển bởi bạo lực, cần quay trở lại để mơ về một thế giới khác tươi đẹp.

Chiều kích thiêng liêng của việc phục vụ

Chiều kích đầu tiên trong việc phục vụ của hiệp hội là chiều kích thiêng liêng. Đức Thánh Cha nói: đây là điều dẫn đến sự chiêm niệm, thúc giục chúng ta sống một cuộc sống “hướng tới sự viên mãn”. Ngài nói: “Nghề nghiệp của anh chị em là giúp các nghệ sĩ tạo nên cầu nối giữa trời và đất. Anh chị em muốn đánh thức trong họ việc tìm kiếm sự thật, dù họ là nhạc sĩ, nhà thơ hay ca sĩ, họa sĩ, kiến ​​trúc sư hay đạo diễn, nhà điêu khắc, diễn viên hay vũ công hay bất kỳ ai khác. Bởi vì vẻ đẹp mời gọi chúng ta đến với một cách sống khác trong thế giới.

Cuộc đối thoại giữa Giáo hội và các nghệ sĩ

Chiều kích thứ hai được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là cuộc đối thoại giữa Giáo hội và các nghệ sĩ ngang qua các cuộc gặp gỡ, biểu diễn, hòa nhạc và trình diễn. Hiệp hội giúp cho các nghệ sĩ thấy được sự gần gũi của Giáo hội bằng cách đối thoại với nền văn hóa và cuộc sống của họ, dù họ là người có niềm tin hay không.

Hỗ trợ và nhân phẩm

Chiều thứ ba được Đức Thánh Cha nói đến là điều cụ thể, bằng việc tạo ra những ngôi nhà để đón tiếp và đề cao phẩm giá của những nghệ sĩ mà cuộc sống của họ thường bị đánh dấu bởi sự cô đơn, trầm cảm và đau khổ nội tâm. Ngài khuyến khích: “Thách thức của anh chị em là làm nổi bật vẻ đẹp tiềm ẩn trong họ, để đến lượt họ, họ trở thành tông đồ của vẻ đẹp vốn tạo ra sự sống, hy vọng và khát khao hạnh phúc”.

Những giọng ca hoà hợp trong một thế giới bị xé nát

Sau đó, Đức Thánh Cha nhìn vào nhân loại ngày nay đang bị giằng xé bởi nỗi đau khổ do chiến tranh, bạo lực, chia rẽ gây ra. Ngài kêu gọi các thành viên của hiệp hội “hãy trở thành những giọng ca hòa hợp giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo”. Ngài lặp lại: “Nhân loại của chúng ta bị lung lay bởi đủ loại bạo lực, bởi chiến tranh và các cuộc khủng hoảng xã hội. Trong bối cảnh này, chúng ta cần những người nam nữ có khả năng làm cho chúng ta mơ về một thế giới khác, một thế giới tươi đẹp hơn. Anh chị em hãy giúp cho mọi người mơ ước, để họ khao khát một cuộc sống trọn vẹn!”

Vẻ đẹp của thiên nhiên và sự chăm sóc của ngôi nhà chung

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngày nay cũng cần phải tái tạo lại sự hòa hợp giữa con người và môi trường, sửa đổi các hành vi, phát triển ý thức rằng mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau. Trích Fratelli tutti, ngài nói: “Nghệ thuật là một phương tiện rất mạnh mẽ để truyền tải thông điệp về vẻ đẹp của thiên nhiên. Thực ra, ‘chăm sóc thế giới xung quanh chúng ta có nghĩa là chăm sóc chính chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cần phải tự coi mình là một ‘chúng ta’ sống trong ngôi nhà chung”.

Do đó, ngài kết luận: “Văn hóa cái đẹp luôn đưa chúng ta quay trở lại sự chuyển động” và cho phép chúng ta bắt đầu lại “trên con đường hướng tới những xã hội nhân bản hơn và huynh đệ hơn”.