Trong thư Đức Thánh Cha cho biết ngài quyết định thành lập Quỹ Y tế Công giáo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến các cơ sở y tế do các dòng tu điều hành. Những cơ sở này thường gặp khó khăn và không thể tiếp tục duy trì và phải bán đi.
Mục đích
Quyết định thành lập Quỹ Y tế Công giáo, Đức Thánh Cha cho biết tổ chức này có nhiệm vụ “hỗ trợ kinh tế cho các cơ cấu y tế của Giáo hội, để đặc sủng của các vị sáng lập được bảo tồn”, các cơ sở được bao gồm “trong mạng lưới các tổ chức tương tự và đáng khen ngợi của Giáo hội”, và do đó có thể “hoạt động vì mục đích từ thiện phù hợp với giáo huấn xã hội của Giáo hội”.
Mục tiêu của Quỹ Y tế Công giáo là hỗ trợ và cải tạo các cơ sở y tế do các cơ quan Giáo hội sở hữu hoặc quản lý, tìm kiếm các nguồn tài chính cần thiết, bao gồm các nguồn tài chính từ các nhà tài trợ tư nhân và các tổ chức công và tư.
Quỹ sẽ có thể thực hiện bất kỳ hình thức hoạt động nào được pháp luật của quốc gia nơi các cơ sở y tế này hoạt động trong khi tuân theo giáo huấn của Học thuyết Xã hội của Giáo hội và các nguyên tắc bền vững về kinh tế. Bằng cách này, các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công giáo đang gặp khó khăn sẽ có thể tránh được những quyết định vội vàng.
Dưới quyền quản trị của APSA
Quỹ Y tế Công giáo, theo thư của Đức Thánh Cha, là một “tổ chức nối kết với Toà Thánh”, để “nó có thể hoạt động dưới quyền Toà Thánh” và như một “phương tiện của Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh (APSA), cơ quan sẽ phụ trách quản trị và mọi điều cần thiết cho hoạt động của nó”. Đức Thánh Cha cũng phê chuẩn Quy chế của tổ chức này.
Đức Tổng Giám mục Galantino giải thích với Vatican News rằng “Chúng tôi muốn tránh nguy cơ tạo ấn tượng rằng những thể chế này là tinh hoa và đang giảm bớt việc chữa trị cho tất cả mọi người”.
Chăm sóc sức khỏe cho mọi người
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 11/7/2021 tại bệnh viện Gemelli, lần đầu xuất hiện sau cuộc phẫu thuật ngày 4/7 trước đó, Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thời gian nằm viện của mình, một lần nữa ngài đã trải nghiệm “tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tốt mà tất cả mọi người có thể được hưởng, như ở Ý và ở các nước khác, thì quan trọng như thế nào”.
Ngài nói: “Không được để mất lợi ích quý giá này”, và lưu ý rằng “đôi khi” một số cơ sở chăm sóc sức khỏe của Giáo hội, “do quản lý kém” nên gặp khó khăn về tài chính và quyết định bán. Nhưng ơn gọi của Giáo hội không phải là kiếm tiền: đó là phục vụ, và việc phục vụ luôn miễn phí”. (CSR_6752_2021)