Theo lời mời của Hội đồng Toà Thánh Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, một phái đoàn 18 linh mục trẻ và các đan sĩ thuộc một số Giáo hội Chính thống Đông phương từ Ai Cập, Armenia, Libăng, Syria, Ấn Độ, Ethiopia và Eritrea, tham dự khoá viếng thăm học hỏi để đào sâu sự hiểu biết về Giáo hội Công giáo từ ngày 31/5 đến 6/6/2022.
Ngỏ lời với phái đoàn, Đức Thánh Cha chia sẻ 4 điểm quan trọng đối với sự hiệp thông trọn vẹn của các Kitô hữu, những điều ngài được cảm hứng từ ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống về sự hiệp nhất trọn vẹn mà các Kitô hữu mong mỏi.
Hiệp nhất là một quà tặng
Trước hết, hiệp nhất là một quà tặng, một ngọn lửa đến từ Ơn trên. Theo Đức Thánh Cha, chúng ta phải cầu nguyện, làm việc, đối thoại, chuẩn bị tinh thần để có thể nhận được ân sủng đặc biệt này. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng thành tựu của sự hiệp nhất không phải là kết quả của sự dấn thân của chúng ta, của những nỗ lực của chúng ta và của những thỏa thuận của chúng ta, nhưng là do hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mà chúng ta cần tin tưởng mở lòng để Người có thể dẫn chúng ta đi trên những con đường hiệp thông trọn vẹn.”
Hiệp nhất là hoà hợp
Điểm thứ hai được Đức Thánh Cha chia sẻ: hiệp nhất là hoà hợp. “Hiệp nhất không phải là sự đồng nhất, nó thậm chí không phải là kết quả của những thỏa hiệp hoặc những cân bằng ngoại giao mong manh. Sự hiệp nhất là sự hòa hợp trong sự đa dạng của các đặc sủng do Thánh Linh khơi dậy.”
Hiệp nhất là một cuộc hành trình
Điểm thứ ba, hiệp nhất là một cuộc hành trình. Đức Thánh Cha nói rằng nó không phải là một dự án được nghiên cứu trên bàn, trong sự bất động, nhưng trong sự chuyển động, trong sự năng động mới mà Chúa Thánh Thần, bắt đầu từ Lễ Ngũ Tuần, đã in dấu trên các môn đệ. “Nó được thực hiện trên đường đi: nó lớn lên trong sự chia sẻ, từng bước một, trong sự sẵn sàng chung vui để chào đón những niềm vui và khó khăn của cuộc hành trình, trong những bất ngờ nảy sinh trên đường đi.”
Hiệp nhất vì sứ vụ
Chiều kích cuối cùng được Đức Thánh Cha chia sẻ, đó là hiệp nhất vì sứ vụ. Ngài nhận định rằng vào lễ Hiện xuống Giáo hội được sinh ra với sứ vụ truyền giáo. Và ngày nay thế giới vẫn chờ đợi, dù trong vô thức, được biết Tin Mừng về bác ái, tự do và hòa bình mà chúng ta được mời gọi cùng nhau làm chứng, chứ không phải người này chống lại người kia hay người này xa cách người kia. (CSR_2346_2022)