“Suy nghĩ của tôi lại một lần nữa hướng đến Trung Đông – đặc biệt là đến quốc gia Syria yêu dấu và đau thương, từ đó các tin tức bi thảm lại nổi lên về số phận của người dân miền đông bắc, những người đã bị buộc phải bỏ nhà cửa lánh nạn vì những hành động quân sự,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói tại quảng trường Thánh Phêrô hôm 13 tháng Mười.
“Trước tất cả các nhân tố tham gia vào diễn biến này và trước cộng đồng quốc tế, tôi lặp lời kêu gọi chân thành là hãy tìm kiếm giải pháp hiệu quả trên con đường đối thoại.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt bày tỏ mối quan tâm của mình đối với nhiều gia đình Kitô trong số những người bị ảnh hưởng ở Syria.
Trong chương trình này, Trúc Ly xin tóm lược với quý vị và anh chị em chuyện gì vừa xảy ra với người Kurd và các Kitô hữu Syria.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Theo một phúc trình của Defense of Christianians, một nhóm nhân quyền tại Iraq và Syria, ước tính có khoảng 130,000 Kitô hữu sống ở phía đông bắc Syria vào năm 2011. Từ tháng Ba năm 2011, Syria đã trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm qua. Thêm vào đó, còn có cuộc tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Cho nên, ngày nay, chỉ còn khoảng 40,000 Kitô hữu trong khu vực này.
Kurdistan là khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Armenia và Iran. Những người theo chủ nghĩa dân tộc người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm bị chính phủ nước này áp bức đến mức một số dân quân người Kurd bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là các nhóm khủng bố.
Tuy vậy, Hoa Kỳ đã liên minh với các dân quân người Kurd trong các chiến dịch kéo dài từ năm 2014 nhằm đánh bật bọn khủng bố Hồi Giáo IS khỏi Iraq và Syria.
Sau khi đã dẹp được bọn khủng bố Hồi Giáo, vào ngày 6 tháng 10, trong một hành động bị chỉ trích là “vắt chanh bỏ vỏ”, Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm nhận một số trách nhiệm an ninh ở miền bắc Syria, và Hoa Kỳ sẽ không duy trì các lực lượng quân sự trong khu vực vì chi phí quá cao. Thông báo này đã gây lo ngại rộng rãi cho người Kurd ở miền bắc Syria và Iraq, và một số người ủng hộ nhân quyền đã cáo buộc Tổng thống Donald Trump từ bỏ các đồng minh người Kurd trong khi ngầm cho phép một cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau thông báo của Hoa Kỳ, ngày 9 tháng 10, các lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt tràn qua biên giới Syria, trong một chiến dịch được họ gọi là “Operation Peace Spring” – “Cuộc hành quân mùa xuân hòa bình” với mục đích được nêu là đẩy lùi lực lượng người Kurd ở Syria được coi là mối đe dọa đối với an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra một không gian đệm bên trong Syria, nơi họ sẽ tái định cư hai triệu người tị nạn Syria hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đài quan sát nhân quyền Syria đã tuyên bố rằng chín thường dân, bao gồm một nữ chính trị gia, đã bị giết bởi các dân quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trên một con đường ở miền bắc Syria ngày 12 tháng Mười. Một số báo cáo nói rằng có tới 50 dân thường đã chết ở cả hai bên biên giới.
Sau gần một tuần tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo nói rằng họ không thể bảo vệ các nhà tù giam giữ hàng ngàn quân khủng bố Hồi Giáo IS. 950 tên đã trốn thoát khỏi trại Ain Issa vào ngày 13 tháng 10 cùng với những người bị giam giữ khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Jean-Clement Jeanbart nói rằng ngài lo sợ một cuộc tàn sát đẫm máu đang diễn ra cướp đi nhiều mạng sống vô tội.
Đức Cha Jeanbart, Tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Melkite của Aleppo, nói rằng mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi Chiến dịch này là “Cuộc hành quân Mùa xuân Hòa bình”, đó thực sự là một nguồn bạo lực khác nhằm tiêu diệt không chỉ người Kurd mà cả các tín hữu Kitô trong vùng.
“Thật là khủng khiếp,” ngài nói.
Nhận xét về việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ý định tạo ra một hành lang chống khủng bố dọc theo biên giới, Đức Tổng Giám Mục Jeanbart nói điều này thực sự là một hành vi xân lược, chà đạp công lý và công pháp quốc tế khi thiết lập một khu vực bên trong một quốc gia khác.
Khu vực an toàn, nằm sâu đến 40 km bên trong lãnh thổ Syria, sẽ chạy dọc theo toàn bộ biên giới dài 500 km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất cả các linh mục đã được khuyến khích đưa anh chị em giáo dân di tản. “Họ có thể sống hòa hợp với người Kurd Hồi Giáo, nhưng không sống nổi với người Thổ. Chúng tôi cho họ quyền quyết định dựa trên tình hình thực tế,” Đức Tổng Giám Mục cho biết.
Source:National Catholic Register