WHĐ (04/4/2025) – Ý cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tháng 4 liên quan đến “công nghệ mới” và những thách đố trong các mối tương quan giữa con người.
Ý cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tháng 4 được dành cho cái gọi là “công nghệ mới”. Ngài kêu gọi cầu nguyện “để việc sử dụng công nghệ mới không thay thế các mối tương quan giữa con người, tôn trọng nhân phẩm và giúp chúng ta đối diện với các cuộc khủng hoảng của thời đại”. Đây là một chủ đề hết sức thiết thực, ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng mở rộng và trí tuệ nhân tạo phát triển với tốc độ chóng mặt.
Công nghệ phục vụ con người
Ý nguyện cầu nguyện của Đức Giáo hoàng được minh họa trong đoạn video do Mạng lưới Cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo hoàng thực hiện, với sự hỗ trợ tháng này của Coronation Media và phối hợp với Bộ Phục vụ Phát triển Con người toàn diện.
Trong đoạn video (được ghi hình trước), Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “công nghệ là thành quả của trí tuệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”. Tuy nhiên, nếu không được sử dụng đúng cách, công nghệ có thể gây ra những tác động tiêu cực.
Trong số những nguy cơ này, Đức Giáo hoàng đề cập đến sự cô lập và thiếu vắng các mối tương quan đích thực:
“Có điều gì đó không ổn nếu chúng ta dành nhiều thời gian cho điện thoại hơn là cho con người”.
Bắt nạt trên mạng (cyberbullying) và sự thù ghét thể hiện qua các nền tảng mạng xã hội cũng là những rủi ro nghiêm trọng khác, bởi vì “màn hình khiến chúng ta quên rằng đằng sau nó là những con người thật, những người đang hít thở, cười và khóc”.
Ngoài ra, Đức Giáo hoàng cũng cảnh báo rằng công nghệ không nên “chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người trong khi loại trừ những người khác”, vì điều này sẽ làm gia tăng thêm bất bình đẳng về kinh tế, xã hội, lao động, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Cách tiếp cận mang tính đạo đức
Để tránh những nguy cơ này, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta cầu nguyện để công nghệ được đặt vào vị trí phục vụ con người – được sử dụng để kết nối mọi người, giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn, cải thiện cuộc sống của những người bệnh và người khuyết tật, thúc đẩy văn hóa gặp gỡ và bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Cuối cùng, ngài nhấn mạnh rằng công nghệ mới không nên khiến chúng ta xa cách nhau và xa rời thực tế. Trong video thông điệp Đức Giáo hoàng kêu gọi chúng ta “bớt nhìn vào màn hình” để “nhìn vào mắt nhau nhiều hơn”.
Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể “khám phá ra điều thực sự quan trọng: rằng chúng ta là anh chị em, là con cái của cùng một Cha”, và hành động phù hợp với điều đó.
Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ phát triển con người toàn diện, cũng nhắc lại những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Ngài khẳng định rằng: “Công nghệ mới là một nguồn lực quan trọng và là công cụ phục vụ gia đình nhân loại. Việc sử dụng công nghệ phải hướng đến sự tôn trọng và phẩm giá và các quyền cơ bản của con người nếu muốn phục vụ sự phát triển. Chúng ta hãy cùng hiệp thông với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để tiến bộ kỹ thuật số thực sự trở thành một món quà cho nhân loại, tôn trọng phẩm giá của mỗi người, vì công lý và công ích”.
Công ty Hoa Kỳ
Sự cần thiết của một cách tiếp cận mang tính đạo đức đối với công nghệ mới được nhấn mạnh bởi Coronation Media, công ty sản xuất của Hoa Kỳ đã hợp tác trong việc thực hiện video của tháng này. Hai nhà đồng sáng lập của Coronation, Bill Phillips và Gary Gasse, cho biết “Coronation media tự hào được hỗ trợ The Pope Video, tiếp tục sứ mạng phục vụ Giáo hội Công giáo suốt hơn một thập niên với tư cách là một studio video và hoạt hình từng đoạt giải thưởng”.
Họ cũng nhấn mạnh rằng: “Sự hợp tác này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cam kết của Coronation nhằm điều hướng sự giao thoa giữa sự biểu đạt con người đích thực trong công nghệ và truyền thông mới. Chúng tôi rất vinh dự khi trực tiếp hỗ trợ thông điệp kịp thời của Đức Thánh cha về việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm trong cộng đồng Giáo hội toàn cầu. Theo một cách rất cụ thể, việc hỗ trợ thông điệp này cũng chính là sự củng cố cam kết của chúng tôi đối với việc sử dụng công nghệ mới một cách có đạo đức, nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người và tôn vinh điều thiện hảo trong công việc của chúng tôi”.
Ảnh hưởng của công nghệ đối với cuộc sống của chúng ta
Cha Cristóbal Fones, Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo hoàng, giải thích rằng trong video này, “Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nhắc nhở chúng ta rằng việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm có nghĩa là đặt nó vào vị trí phục vụ con người và công trình sáng tạo. Khi được sử dụng theo cách này, công nghệ cũng có thể trở thành phương tiện để tôn vinh Thiên Chúa, bởi vì khả năng và sự sáng tạo của chúng ta đều đến từ Ngài. Tương tự như vậy, việc sử dụng công nghệ mới một cách có đạo đức giúp bảo vệ công trình sáng tạo, phẩm giá con người và cải thiện cuộc sống”.
Về điểm này, Cha Fones đề cập đến những tiến bộ khác như: khả năng truy cập dễ dàng hơn vào vô số tài nguyên giáo dục trực tuyến; y tế từ xa (telemedicine/telehealth), các phần mềm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và công cụ chẩn đoán mới; phần mềm cải thiện giao tiếp, giúp chúng ta duy trì kết nối trên toàn thế giới, thậm chí hỗ trợ các nhóm làm việc từ xa; công nghệ tái chế và năng lượng tái tạo…
Cha Fones nhận định: “Công nghệ có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đói nghèo và biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ một cách có đạo đức “trước hết đòi hỏi chúng ta nhìn người khác bằng đôi mắt của trái tim, thiết lập những mối tương quan thân thiện với họ – đây chính là điều Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta thực hiện”.
Cha Fones tiếp tục: “Tôn trọng phẩm giá của mỗi người và hướng đến công ích phải là những nguyên tắc định hướng chúng ta khi cân nhắc cách sử dụng công nghệ và mục đích của nó”.
Cuối cùng, “Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi chúng ta phát triển nhận thức phản biện về cách chúng ta sử dụng công nghệ mới và những tác động của nó đối với cuộc sống cá nhân cũng như xã hội. Ngài cũng khuyến khích chúng ta sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ có đạo đức, để công nghệ thực sự phục vụ sự phát triển con người toàn diện, cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu thế nhất”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (01/04/2025)