Trong 50 năm qua, các nhân viên mục vụ nhà tù thường xuyên đến các trung tâm giam giữ, lắng nghe những nỗi niềm, đau khổ của những người dân bị gạt ra bên lề đất nước. Vì lý do này, Đức Thánh Cha muốn chúc lành cho uỷ ban Mục vụ Nhà tù ở Brazil, tổ chức đã cử hành Năm Thánh vào năm 2022.
Thư đã được gửi đến Đức cha Henrique Aparecido de Lima, Giám mục của Dourados (MS) và phụ trách Mục vụ Nhà tù, và được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh, ngày 23/11/2022, nhưng đến nay mới được công bố.
Đức Thánh Cha hy vọng rằng “việc phục vụ giáo hội hữu ích này, giúp cho các nhân viên mục vụ tham gia vào việc gặp gỡ chính Chúa, sẽ tiếp tục trong Giáo hội và trong xã hội Brazil, là một dấu chỉ hữu hình về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các anh chị em đang bị giam giữ”. Nhờ lời chuyển cầu hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Aparecida, Đức Thánh Cha ban phép lành Toà Thánh cho mọi người, đồng thời yêu cầu các nhân viên mục vụ tiếp tục cầu nguyện cho ngài.
Chăm sóc tù nhân là một lệnh truyền của Chúa Giêsu, nhưng các tài liệu tham khảo về việc thành lập Mục vụ Nhà tù được tìm thấy trong Công đồng Vatican II, trong triều giáo hoàng của thánh Giáo hoàng Phaolô VI và trong Hội nghị Puebla. Các Kitô hữu luôn có mặt trong các nhà tù ở Brazil. Do đó, vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều phong trào Giáo hội Công giáo cảm thấy được kêu gọi tham gia sứ vụ này và tăng cường hỗ trợ thực hành đời sống đạo ở Brazil.
Khi được phép, các Kitô hữu tổ chức các hoạt động giải trí, các cuộc họp, các khóa học và “Suy niệm Kinh thánh”; tổ chức cử hành phụng vụ; thăm các tù nhân và gia đình của họ.
Cha Alfonso Pastore là linh mục đầu tiên đấu tranh cho việc thành lập Mục vụ Nhà tù, và nhận được sự cộng tác nhiệt tình của các giáo dân trong Tổng giáo phận Vitória. Công việc của nhóm gặp nhiều khó khăn, cho đến khi Mục vụ Nhà tù được công nhận là một tổ chức của Hội đồng Giám mục Brazil. Hội nghị Mục vụ Nhà tù quốc gia đầu tiên diễn ra từ ngày 07 đến 09/8/1973 tại Rio de Janeiro.
Kể từ đó, các nhân viên mục vụ không chỉ thực hiện sứ vụ với những người bị giam giữ, nhưng còn tích cực tố cáo các điều kiện tra tấn và vô nhân đạo của số lượng lớn tù nhân Brazil. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính ngài đã nhiều lần đến thăm các tù nhân và cử hành Thánh lễ cùng nghi thức rửa chân cho họ vào thứ Năm Tuần Thánh. Từ khi còn là linh mục, điều kiện của tù nhân đã luôn gợi lên trong ngài câu hỏi: “Tại sao lại là họ mà không phải tôi?”