Lúc 7 sáng thứ Năm 12 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này. Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nhà lãnh đạo các dân nước đang phải ứng phó với tai họa coronavirus. Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo các dân nước, những người phải đưa ra các quyết định liên quan đến các biện pháp cần phải được thực hiện để ngăn chặn coronavirus. Cầu xin cho họ có thể cảm thấy được đồng hành bởi lời cầu nguyện của người dân. Nhiều lần họ đưa ra các quyết định mà mọi người không thích nhưng đó là vì thiện ích của chúng ta”. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã hướng các suy tư của ngài đến bài Tin Mừng trong ngày. Ngài nói: Người đàn ông giàu có trong câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu là một người hài lòng, hạnh phúc, không có bất kỳ mối quan tâm nào. Quần áo của ông ta có lẽ được làm bởi các nhà thiết kế thời trang tốt nhất vào thời đó. Ông ta có thể phải dùng thuốc điều trị cao cholesterol vì các bữa tiệc mà ông ta hưởng dùng mỗi ngày. Cuộc sống của ông ta đã diễn ra khá tốt. Bi kịch Người đàn ông giàu sang biết rằng có một người đàn ông nghèo đang sống ở bậc cửa nhà mình. Ông ta thậm chí còn biết tên người ấy là Ladarô. Vấn đề là Ladarô “chẳng là gì” đối với ông ta. Ông ta nghĩ đó là chuyện bình thường và Ladarô sẽ tự chăm sóc bản thân mình. Rồi thì cả hai người đàn ông đã chết. Tin Mừng nói rằng Ladarô đã được đưa lên thiên đàng và được ngồi vào lòng Abraham. Người đàn ông giàu có cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, ông ta phải chịu cực hình. Vực thẳm vĩ đại Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài có ấn tượng sâu sắc bởi vực thẳm vĩ đại giữa hai người. Tin Mừng cho biết giữa người phú hộ và Ladarô “đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”. Đó là cùng một vực thẳm đã tồn tại giữa người đàn ông giàu có và Ladarô khi họ còn sống. Bi kịch của sự thờ ơ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mô tả bi kịch của người đàn ông giàu có là một điều đã được thông báo rất nhiều lần. Nhưng những thông ấy không bao giờ xâm nhập được vào trái tim ông ta. Ông ta đã không mảy may xúc động trước bi kịch mà những người khác đang phải sống. Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng: “Đây cũng thường là bi kịch của chúng ta.” Chúng ta đều biết vì chúng ta đã nghe trên tivi hoặc chúng ta đã đọc trên báo: Có bao nhiêu trẻ em bị đói ngày nay trên thế giới, bao nhiêu trẻ em không có thuốc men cần thiết, bao nhiêu trẻ em không thể cắp sách đến trường. Chúng ta nói, “ồ tội nghiệp quá”, rồi thôi. Chúng ta biết những điều này tồn tại, nhưng nó không xâm nhập vào trái tim của chúng ta. Sự thờ ơ Bi kịch là chúng ta có nhiều thông tin nhưng chúng ta không cảm nhận được thực tế mà người khác sống. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “có một vực thẳm, đó là vực thẳm của sự thờ ơ”. Sự thờ ơ này đã cướp đi của chúng ta ngay cả danh tánh của mình, như trong trường hợp của người đàn ông giàu có, mà tên ông ta là gì chúng ta không hề biết. Chính chủ nghĩa vị kỷ làm cho chúng ta mất đi bản sắc thực sự của chúng ta, và danh tính của chúng ta. Điều này dẫn đến “một nền văn hóa của các tính từ trong đó giá trị của bạn phụ thuộc vào những gì bạn có”. Sự thờ ơ đưa chúng ta đến chỗ mất đi danh tính của mình. Chúng ta là cái này hay cái kia Chúng ta là các tính từ, chứ không còn là danh từ nữa. Lời cầu nguyện Đức Thánh Cha Để kết luận, Đức Thánh Cha đưa ra lời nguyện sau: Anh chị em thân mến, Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ân sủng đừng rơi vào sự thờ ơ. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để tất cả thông tin chúng ta có về sự đau khổ của con người có thể xâm nhập vào trái tim của chúng ta và thúc đẩy chúng ta làm điều gì đó cho người khác.
Source:Vatican NewsPope offers Mass for civil authorities