Đức Thánh cha: Cầu nguyện là một cuộc trao đổi, kiểm điểm với Chúa và để được sai đi phục vụ

Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến chung 7/10/2020 | Vatican Media

Sáng thứ Tư, 7/10/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 1.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican, sau năm thứ Tư tiếp kiến tại sân thánh Damaso ngoài trời. Trời Roma sáng ngày 7/10 có mưa nhẹ và khá lạnh.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc quá 9 giờ, Đức Thánh cha đã tiến vào Đại thính đường và chào thăm những người ở gần lối đi, gần lễ đài. Các tín hữu đều mang khẩu trang.

Tôn vinh Lời Chúa

Như thường lệ, buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Chúa, với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ sách Các Vua quyển thứ I, chương 19 (19,11-13), ghi lại lời Chúa nói với ngôn sứ Elia: “Hãy đi ra ngoài và dừng lại trên núi, trước sự hiện diện của Chúa”. Và này đây Chúa đi qua. Có một cơn gió mạnh mẽ như vũ bão đến độ làm núi lở đá rơi, nhưng Chúa không ở trong gió. Sau gió đến động đất, nhưng Chúa không ở trong động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có một cơn gió nhẹ. Khi nghe thấy, Elia lấy áo choàng che mặt, đi ra ngoài và dừng lại trước cửa hang động”.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha nối lại bài về sự cầu nguyện, mà ngài đã tạm ngưng khi bắt đầu đại dịch để trình bày một loạt chín bài về việc chữa lành thế giới sau đại dịch.

Nay ngài trình bày về đề tài: Kinh nguyện của ngôn sứ Elia. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngôn sứ Elia

“Hôm nay, chúng ta tiếp tục giáo lý về sự cầu nguyện, và chúng ta gặp một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong toàn thể Kinh thánh, đó là ngôn sứ Elia. Người vượt qua các biên cương thời ngài và chúng ta có thể nhận thấy sự hiện diện của ngôn sứ cả trong một số giai thoại Tin mừng. Ngài xuất hiện cạnh Chúa Giêsu, cùng với Môisê, trong lúc Chúa hiển dung (Xc Mt 17,3). Chính Chúa Giêsu cũng nhắc đến hình ảnh ngôn sứ để đề cao giá trị chứng tá của Gioan Tẩy giả (Xc Mt 17,10-13).

Trong Kinh thánh, Elia xuất hiện bất ngờ, một cách huyền nhiệm, xuất phát từ một làng nhỏ hoàn toàn ở ngoài lề (Xc 1 V 17,1); và sau cùng, người ra khỏi hiện trường dưới mắt của môn đệ Eliseo, trên một chiếc xe bằng lửa đưa ngôn sứ lên trời (Xc 2 V 2,11-12). Vì thế, ngôn sứ là một người không có nguồn gốc chính xác, và nhất là không có cùng tận, được đưa lên trời; do vậy, sự trở lại của người được chờ đợi trước khi Đấng Thiên Sai đến.

Sứ mạng của ngôn sứ Elia

Kinh thánh trình bày cho chúng ta Elia như một người có đức tin tinh tuyền: chính tên của người có thể có nghĩa là “Yahvê là Thiên Chúa”, danh xưng ấy hàm chứa bí mật sứ mạng của người. Và suốt đời của ngôn sứ như thế: một người rất thanh liêm, không thể chấp nhận những thỏa hiệp nhỏ nhen. Biểu tượng của người là lửa, hình ảnh quyền năng thanh tẩy của Thiên Chúa. Ngôn sứ là người đầu tiên chịu thử thách cam go mà vẫn trung thành. Đó là mẫu gương của tất cả những người có đức tin, phải chịu những cám dỗ và đau khổ, nhưng không thiếu sót đối với lý tưởng vì đó họ sinh ra.

Kinh nguyện của Elia

Kinh nguyện là nhựa sống liên lỷ nuôi dưỡng cuộc sống của Elia. Vì thế, người là một trong những nhân vật được kính mến nhất trong truyền thống đan tu, đến độ một số người đã chọn người như cha linh hướng của cuộc đời thánh hiến cho Thiên Chúa. Elia là người của Thiên Chúa, người đứng lên bênh vực quyền tối thượng của Đấng Tối Cao. Thế mà cả người cũng phải đương đầu với những yếu đuối của mình. Thật là khó nói đâu là kinh nghiệm hữu ích nhất đối với người: việc đánh bại các ngôn sứ giả trên núi Camêlo (Xc 1 V 18,20-40) hay là sự ngỡ ngàng, trong đó người thấy “mình không hơn các cha ông” (Xc 1 V 19,4). Trong tâm hồn của người, cầu nguyện, cảm thức về sự yếu đuối của mình thì quí giá hơn những lúc được tuyên dương, khi mà cuộc sống dường như một loạt những chiến thắng và thành công. Trong kinh nguyện luôn xảy ra điều này: những lúc cầu nguyện mà chúng ta cảm thấy được kéo lên, đầy phấn khởi, và những lúc cầu nguyện đau thương, khô khan, thử thách. Kinh nguyện là như thế: để cho mình được Chúa mang đi và cũng để cho mình bị “đánh đòn” vì những hoàn cảnh xấu và cả những cám dỗ nữa. Đó là một thực tại ta thấy trong bao nhiêu ơn gọi trong Kinh thánh, và cả trong Tân ước, chúng ta nghĩ tới thánh Phêrô và Phaolô chẳng hạn. Đời sống của các vị cũng có những lúc phấn khởi vui mừng, và những lúc “xìu xuống”, đau khổ.

Chiêm niệm và hoạt động nơi ngôn sứ Elia

Elia là một người có đời sống chiêm niệm, và đồng thời, có đời sống hoạt động, quan tâm đến những biến cố thời người, có khả năng lên tiếng chống lại vua và hoàng hậu, sau khi họ giết chết Nabot để chiếm đoạt vườn nho của ông ta (Xc 1 V 21,1-24). Qua đó, ngôn sứ tỏ cho chúng ta thấy không có sự tách biệt trong cuộc sống của người cầu nguyện: người đứng trước mặt Chúa và người đi gặp gỡ anh chị em mà Chúa sai đi gặp. Cầu nguyện không phải là khép kín mình với Chúa để tô điểm tâm hồn, đó không phải là cầu nguyện. Cầu nguyện là một cuộc trao đổi, kiểm điểm với Chúa và để cho mình được sai đi phục vụ anh chị em. Điều kiểm chứng kinh nguyện là tình yêu cụ thể đối với tha nhân. Và trái lại, các tín hữu hành động trong thế giới, sau khi đã cầu nguyện trong thinh lặng; chẳng vậy hoạt động của họ chỉ là điều bốc đồng, thiếu phân định, và là một cuộc chạy trốn miệt mài mà không có mục tiêu.

Sự tăng trưởng trong kinh nguyện của Elia

Trang Kinh thánh cho chúng ta dự đoán thấy rằng cả đức tin của Elia cũng có một sự tiến triển; cả ngôn sứ cũng tăng trưởng trong kinh nguyện, người dần dần làm cho kinh nguyện được tinh tuyền hơn. Nhan Thiên Chúa trở nên rõ rệt hơn đối với người trong hành trình, cho đến khi đạt tới tột đỉnh trong kinh nghiệm đặc biệt, khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho Elia trên núi Horeb (Xc 1 V 9,9-13). Chúa không tỏ mình ra trong bão tố mạnh mẽ, không phải trong động đất hoặc ngọn lửa thiêu hủy, nhưng trong “tiếng rì rầm của cơn gió nhẹ” (v.12). Chính qua dấu chỉ khiêm tốn đó mà Thiên Chúa đả thông với Elia, lúc đó đang là một ngôn sứ tị nạn, bị mất an bình. Thiên Chúa đến gặp một người mệt mỏi, một người nghĩ mình đã thất bại về mọi mặt, và với cơn gió nhè nhẹ, Chúa làm cho an bình trở lại trong tâm hồn ngôn sứ.”

Áp dụng vào cuộc sống tín hữu

Và Đức Thánh cha kết luận: “Đó chính là cuộc sống của Elia, nhưng dường như được viết cho tất cả chúng ta. Có một buổi tối nào đó, chúng ta có thể cảm thấy vô ích và lẻ loi. Và khi ấy, kinh nguyện đến và gõ cửa tâm hồn chúng ta. Một mảnh áo khoác của Elia có thể đón nhận tất cả chúng ta. Và cho dù chúng ta có sai lỗi điều gì, hoặc chúng ta cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, nhưng khi trở lại với Thiên Chúa qua kinh nguyện, thì thanh thản và an bình sẽ trở lại với chúng ta như một phép lạ.”

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Ba Lan.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Đức, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các thanh niên người Thụy Sĩ, khoảng 15 người, đang tham dự một tuần tìm hiểu về đoàn Vệ binh Thụy Sĩ để có thể gia nhập sau đó, nếu muốn và Đức Thánh cha cũng nói đến kinh Mân côi, như một kinh nguyện chiêm niệm. Đức Thánh cha nói: “Khi suy niệm các mầu nhiệm cứu độ, chúng ta càng được thấy rõ khuôn mặt yêu thương của chính Thiên Chúa mà chúng ta được kêu gọi chiêm ngưỡng đời đời. Xin Mẹ là vị hướng dẫn chắc chắn cho chúng ta trên con đường đến cùng Chúa.”

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng: “Hôm nay chúng ta kính nhớ Đức Mẹ Mân côi. Trong những lần hiện ra, Đức Mẹ thường nhắn nhủ hãy đọc kinh Mân côi, nhất là đứng trước những đe dọa sắp đổ ập trên thế giới. Ngày nay cũng vậy, trong thời kỳ đại dịch này, cần phải cầm trong tay xâu chuỗi Mân côi, cầu nguyện cho bản thân chúng ta, cho những người thân yêu và cho mọi người. Tôi phó thác tất cả anh chị em cho Nữ Vương Mân Côi và tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay là lễ Đức Mẹ Mân Côi. Tôi mời gọi tất cả anh chị em, đặc biệt trong tháng Mười này, hãy tái khám phá vẻ đẹp của kinh Mân côi, qua bao thế kỷ kinh này đã nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu Kitô.”

Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Tôi phó thác anh chị em cho sự phù giúp hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô và là Mẹ chúng ta, để mỗi người có thể trở thành chứng nhân vui tươi về tình thương của Chúa Kitô.”

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.